Ở Ninh Thuận, khu đất thờ Pô Riyak nằm cạnh bờ biển thuộc địa phận làng Vĩnh Trường – Sơn Hải được cho là lớn nhất. Tất cả các làng Cham trong khu vực đều đến đó hành lễ, sau đó mới tới lễ hội đầu năm Cham lịch là Rija Nưgar. Chỉ sau này, khi chiến tranh lan rộng mất an ninh, vài làng mới thỉnh Ngài về palei mình dựng đền thờ. Như Chakleng, huyện Ninh Phước có Đền Pô Riyak ở đó dân làng thờ Ngài như là biểu tượng của Thần Tri Thức.
Đồng hóa nghi lễ Pô Riyak với tục Thờ Cá Ông của người Việt là lầm lẫn tai hại. Lễ Pô Riyak bao hàm tục Thờ Cá Ông, chứ không phải ngược lại.
Tục thờ Cá Ông cũng có trong phong tục Cham. Khi không làm nghề biển nữa, người Cham vẫn còn giữ quan hệ mật thiết với cộng đồng ngư dân Việt, bằng cách làm lễ cho họ. Ở Ninh Thuận hiện vẫn còn tồn tại các thầy cúng chuyên hành nghề này.
Ông Lộ Bộ 80 tuổi ở Chakleng bỏ nửa đời vào hành nghề tận Phan Thiết. Ông Bá Đến 66 tuổi dân Pabblap Birau được các ngư dân Việt từ Bình Định, Vũng Tàu mời đến làm lễ Hạ thủy Tàu thuyền (Patrun gilai).
Lạ, tại sao đa số ngư dân Việt tin các ông thầy Cham đọc kinh lễ tẩy trần, mới linh? Và, tại sao ông bà Cham nửa thế kỉ trước thôi muốn làm nhà chuẩn và sang thì phải vời cho bằng được thợ mộc Bình Định vào mới đặng? Câu hỏi động chạm vào nhiều vấn đề quan yếu của lịch sử và văn hóa.
Lễ Hạ thủy Tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay mới lần đầu ra khơi. Dạng thứ nhất, lễ vật có một con gà nướng, một chén xôi, một chén chè, 2 trứng gà luộc, bánh 5 miếng, trầu têm 5 miếng. Ở dạng thuyền mới, lễ vật cần thêm: lưới, thúng thóc; trên thúng thóc là cây nến với nải chuối.
Con thuyền được đặt trên bờ trước mặt sóng biển mênh mông, ông Thầy đứng ngay đầu thuyền hành lễ. Tuần tự: ông Trình về bản thân (Akhaan ka drei); sau đó làm lễ Mời Thần (Da-a Yang), từ thần Tháp cho đến 37 vị Thánh, có cả Thần người Việt; cuối cùng là Đọc kinh Lễ (Rico) với Thần chú Tẩy uế (Mưrôy). Có 7 kinh lễ cả thảy. Tạm trích đoạn (chuyển tự của Inrasara):
Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh
Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara
Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya
Kuw patalơh di patuw di kayuw
Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung
Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan
Kuw patalơh di tơng pamưtai biya
Kuw Po jallidi…
Ta đi xuống tận đáy sân si, ta tẩy trần mọi uế tạp
Ta vỗ lên đầu thuyền, ta gạt ngang khoảng không gian
Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất
Ta tẩy rửa trên đá tảng, trong tàn lá
Tẩy rửa trên rừng ngàn, ta hạ thủ chúa sơn lâm
Tẩy rửa dưới sông rộng, ta giết chết loài kình ngư
Tẩy rửa trong vịnh sâu, ta đuổi tiệt loài sấu
Chúa tể đại dương là ta…
Ta đã là chúa tể Đại dương, ta tự tin và dũng mãnh lên thuyền đi ra biển lớn.
Năm 1834, dẹp xong cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua “Minh Mạng xuống lệnh cấm Cham làm nghề biển và phải sống bằng nghề nông thuần túy… người Cham bị đánh mất truyền thống oai hùng của nghề đi biển” (Nguyễn Tiến Văn, báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, ngày 23-5-2014).
Cham đánh mất nhưng không quên kí ức biển. Bởi biển ở trong máu, tồn tại trong ngôn ngữ và tâm thức Cham. Một dân tộc “ý thức về đại dương/ biển lớn” sớm và mạnh, đã để lại dấu ấn đậm nét trên một vùng biển Đông Nam Á rộng lớn (Tạ Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, NXB Văn Mới, Hoa Kì, tr. 23), thì không dễ dàng để mất truyền thống sâu rễ bền gốc ấy. Nó làm thành văn hóa biển của Champa, làm đầy tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, là vậy.
Ngày nay, Cham còn nhớ gì về biển?!