Người Việt sợ biển, chứ Cham thì không.
Xưa, người Việt mở cõi xuống đất liền ở phương Nam, và chỉ biết có đất liền; còn đóng tàu viễn dương, hầu như chưa. Suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi xa hơn. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Nền hải sử Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng.
Người Cham yêu biển, mê biển. Cham sống với và qua biển.
Tiếng Cham có nhiều từ để chỉ biển. ‘Tathiik’ là biển; bên cạnh ‘tathiik’ Cham còn có “daraak”. Dân gian Cham nói: ‘Lek tamư tathiik prong daraak prong’, nghĩa là chìm vào biển cả. Bên cạnh “biển”, ‘daraak’ còn được dùng để chỉ chợ. ‘Nao daraak’: đi chợ. Bởi chợ ngày trước luôn được họp cạnh bờ biển. Cũng phải thôi, Cham là dân sống với biển và nhờ biển, nên chợ được họp cạnh bờ biển, và lắm lúc dựng ngay trên biển.
Cửa sông chạy ra biển là ‘lammưngư’, hay ‘lamngư’. Xóm Cửa là ‘palei Lamngư’. Biển xa và rộng, Cham có chữ ‘tathiik kulidông’, nghĩa là biển khơi. Lớn rộng và xa hơn nữa thì dùng từ ‘jallidi’: đại dương.
Đi biển, người Cham chế tạo nhiều phương tiện với kích thước và hình dáng khác nhau. Thông dụng là thuyền (‘gilai’), nhỏ hơn là ghe (‘thái độ’). Gắn với thuyền có “bè” (‘rakik’) như là phương tiện phụ để vận chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, hay từ thuyền về đất liền. Thuyền cũng có loại thuyền độc mộc Cham gọi là ‘plug’, và thuyền thúng (‘janưk patih’). Phương tiện lớn hơn là tàu (‘kapal’) hay loại tàu lớn (‘ahook’, ‘gilai ahook’) có khả năng viễn dương. Pô Tang Ahok đã sử dụng loại tàu này.
Cham có máu phiêu lưu, phiêu lưu từ rất sớm. Sớm và xa. Sử sách ghi nhận ngay từ thế kỉ IV, người Cham đã đi tận Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Java, Malaysia… Vượt đại dương thì cần đến tàu thuyền lớn. Máu phiêu lưu thể hiện ngay trong câu nói cửa miệng dân gian:
Mưtai di kroong, mưtai di tathiik/ Thei mưtai di danao kabao mư-iik takai palei.
Chết nơi biển rộng sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.
Nhưng không phải vì thế mà người Cham ỷ lại thành mất cảnh giác. Bởi lắm lúc, ‘Tapa truh tathiik jal di danao’: Qua khỏi biển sâu vướng ao nước cạn. Cuộc người trớ trêu là thế, anh hùng khi gấp cũng khoanh tay. Người Cham đa thần, và sống quan hệ mật thiết với biển, cho nên trong đời sống tâm linh họ thờ Thần Sóng (Pô Riyak), Thần Biển (Yang Tathik) là điều không lạ.Những lúc lên rừng xuống biển (‘Trun tathiik điik glai’) gặp bao bất trắc hiểm nguy, Cham luôn cậy đến Thần Biển phò trợ độ trì.
Chú ý, Thần Biển chứ không phải Thổ Thần, cho dù đây cũng là vị thần có vị thế đáng kể trong đời sống tâm linh Cham, nhưng chính Thần Biển mới đóng vai trò quan trọng. Than vãn, nếu người Việt kêu: trời đất ơi, thì người Cham: Trời biển ơi (‘Lingiik tathiik lơy’). Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Cham thì khác, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Cham có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Tổ tiên Cham xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Họ kêu trời kêu biển (‘Êw lingiik êw tathiik’) chứ không phải “la trời la đất” như người Việt. Cũng vậy, người Cham nói “tối trời tối biển” (‘Xuup lingiik xuup tathiik’) khác với người Việt là: [Mưa] tối mù trời đất.
Hẹn giờ giấc lên rừng lấy củi cũng nói: ‘Tuk ia tathiik điik’ – Lúc thủy triều lên (khoảng 1 giờ sáng). Để chỉ kẻ “nói thánh nói tướng”, Cham vận đến “biển” với thành ngữ ‘Đôm ngok lingiik ngok tathiik’ – Nói trên trời dưới biển. Gặp thế bí hay đường cùng, họ cũng lấy “biển” ra mà ví: ‘War glai yau ralai di krưh tathiik’ – Quẩn trí cùng đường như thân ‘ralai’giữa biển khơi.
Nghĩa là biển tràn ngập đời sống, văn chương và ngôn ngữ Cham.
2. Tiếng nói bình dân ngày thường là vậy, trong văn học viết Cham, biển cũng có mặt khắp. Để biểu thị cho mối quan hệ khăng khít của Pô Tang Ahok, một nhân vật trong lịch sử Champa cổ ở thế kỉ XVII – với biển cả, Damnưy Pô Tang Ahok viết:
Uraang hu thaang thi đih
Pô ngak anih dalam tathiik
Uraang hu thaang thi dook
Pô ngak danook dalam tathiik
Người có nhà để ngủ
Người cất chỗ trú giữa biển khơi
Người có nhà để ở
Người lập nơi ngụ giữa biển khơi.
Đời ông không giống bất kì cuộc sống một nông dân bình thường nào khác mà định mệnh gắn liền với đất. Đất không phải là quê hương ông. Một cái nhà: không, một nơi cư trú cũng không nốt. Ông là chủ nhân đồng thời là tù nhân của biển cả. Biển cả là nơi ông sinh ra, tung hoành, tạo nên sự nghiệp rồi biến đi. Nội dung đoạn mở đầu của Damnưy được biến thành điệp đoạn, thâu tóm cả cuộc đời và định mệnh của ông. Cạnh đó, Damnưy cũng không quên đề cập con tàu-ngôi nhà của ông:
Ahook prong klau pluh tajuh
Tagôk mưk njuh bbook chôi palao
Ahook proong klau pluh tajuh tapa
Tagôk mưk ia bbook chôi palao
Điik riyaak khing đôic
Yawa xap ra pôic dalam ahook
Điik riyaak khing nao
Danưy xap ra klao dalam ahauk
Tàu to ba mươi bảy
Pô lên kiếm củi trên cù lao
Tàu ba mươi bảy sải
Pô lên lấy nước trên cù lao
Cho tàu đi trên sóng
Nghe tiếng người nói vọng trong tàu
Cho tàu cưỡi sóng đi
Nghe tiếng người cười vang trong tàu
(Inrasara, 2011, Văn học Cham khái luận, NXB Tri Thức, tr. 50).
Tàu ông dài 37 sải tương đương với 60 mét – con số tượng trưng mang không ít phóng đại, dẫu sao nó cho ta hình dung ông đang điều khiển con tàu rất lớn ở thời điểm đó của lịch sử. Con tàu chứa cả đoàn người cùng bao nhu yếu đáp ứng đầy đủ sinh hoạt của sinh linh trong đó. Nó lớn đến không thể ghé đất liền mà chỉ tạt qua cù lao lấy củi, nước ngọt. Tác giả Damnưy không cho ta biết tên cù lao, nhưng người đọc vẫn có thể tưởng tượng đó có thể là Cù Lao Chàm hay ít ra cũng là đảo Phú Quý hôm nay.
Trong sử thi Cham, thể loại văn học xuất hiện từ khá sớm, nhất là ở hai tác phẩm lớn là Akayêt Inra Patra và Akayêt Dêwa Mưnô, biển và đại dương còn là bãi chiến trường cho các anh hùng tỉ thí.
Cuối cùng, trong văn học dân gian, biển cũng để dấu ấn rất đậm nét. Trong một truyện cổ, cuộc phiêu lưu kì thú của hai bạn thân Pram Dit và Pram Lak ở những chi tiết gay cấn nhất chính là cuộc phiêu lưu dưới nhiều tầng biển.
Ngay cả truyền thuyết về người tạo dựng vương quốc Champa là Pô Inư Nưgar, tức Bà Chúa Xứ, cũng gắn chặt với biển. Bà đã làm chuyến vượt biển đến tận xứ Tàu xa xôi, sau đó là cuộc trở về cũng bằng đường biển, để cuối rốt chính bà điều hành thủy quân Champa đánh đắm đoàn thuyền hoàng tử Trung Hoa trong trận thủy chiến oanh liệt. Truyền thuyết cho ta biết cuộc đi và về của vị tạo lập nước Champa gắn liền với biển.