30 năm miệt mài, bà con Chakleng tìm đủ mọi cách đưa hàng thủ công mĩ nghệ dân tộc ra thị trường, qua đó ở mức độ nhất định, thổ cẩm Cham đã tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Bà Phú Thị Mở với một tuần lễ ở Thái Lan (1994) hay Thuận Thị Trụ từ mươi ngày tham gia Trưng bày y phục Cham ở Mã Lai (1995), rồi qua mươi nước sau đó, đã tạo một bước ngoặt mới cho thổ cẩm Cham phát triển, mở rộng thị trường. Cham không còn để khách hàng tình cờ biết và tìm đến hay chỉ chuộng lạ mà mua, một lần rồi thôi. Cách bán hàng hiện nay là phải đưa sản phẩm đến tận mắt và giao tận tay người mua.
Thế nhưng do thổ cẩm không là nhu yếu phẩm, mà chỉ đứng lấp lửng giữa tính kinh tế và văn hóa, thế nên khi kinh tế suy thoái, mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2009, Nhà nước đầu tư từ hơn chục tỉ đồng xây dựng Làng Nghề dệt Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, đã tạo bước tiến đáng kể. Cơ ngơi bề thế, khang trang được dựng lên, Ban quản trị HTX được tổ chức, mày mò làm, học tập và dần hoàn thiện. Dẫu sao ở đây chỉ là tập đại thành từ những thành tựu cũ, mà không gì hơn, chưa gì khác.
Chỉ khi nhóm Isvan, Jaka… xuất hiện vào năm 2017, Thổ cẩm Cham mới tạo bước ngoặt mới. Tôi gọi đó là bước cải cách thứ Sáu.
Các bạn trẻ Chakleng lật lại hồ sơ cũ, duyệt xét toàn bộ hoa văn hiện có [kể cả các hoa văn Hani cách tân], và thấy nó còn thiếu. Tìm thì sẽ thấy. Chúng lưu lạc tận Hamu Tanran, và đâu đó vẫn còn các hoa văn cổ quý hiếm trong ‘ciet’ các tộc họ, chúng cần được tìm kiếm, lưu giữ để tinh hoa thổ cẩm không bị mất vĩnh viễn. Sau thời gian tìm kiếm, các bạn tập hợp thợ tay nghề cao, đi lại từ bước đầu như thể tìm về nguồn cội. Và, họ làm được. HTX Thổ cẩm Mỹ Nghiệp tiếp nhận thành quả sưu tầm kia, đã làm nên vài sản phẩm độc đáo.
Đâu là bước thứ Bảy? Tìm về nguồn cội xa hơn: Trồng bông lấy sợi, phục hồi lại 5 công đoạn [cạnh đó là 5 dụng cụ] lưu kho sau khi có sợi công nghiệp, thêm phương thức nhuộm tự nhiên để Thổ cẩm Cham uyên nguyên hơn, và hiện đại hơn nữa.
Hi vọng lắm thay!
Điều nữa cần lưu ý, nghề dệt lụa Thái Lan do người Cham lưu lạc truyền lại sau đó nổi tiếng khắp thế giới nhờ Jim Thompson vào thập niên 1960, liệu những hoa văn cổ truyền độc đáo Cham có cơ hội được hồi sinh và đi xa? Ai sẽ làm việc đó?
Tóm,
Bên cạnh Gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp là ngành nghề truyền thống vô cùng quý giá của Cham. Qua nhiều biến động lịch sử, các hoa văn đã mất mát nhiều. Dẫu sao, các thế hệ người nữ Cham vẫn biết truyền dạy cho nhau tay nghề với những câu chuyện xung quanh nghề dệt và hoa văn thổ cẩm. Để khi có cơ hội và cơ duyên, thổ cẩm Cham phục hồi. Thực tế, gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nghề truyền thống dân tộc này đã phát triển. Từ đó, thổ cẩm Cham đã tác động tích cực liên hoàn đến thổ cẩm cũng như ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của các dân tộc thiểu số khác ở phía Bắc như Thái, Mông, Dao… Cạnh đó còn tác động gián tiếp đến việc bảo tồn vốn quý của văn hóa dân tộc, góp phần không nhỏ vào việc làm đa dạng ngành nghề các dân tộc Việt Nam nói chung.