[hay. Bao giờ nhà thơ ta thôi “chập cheng”?]
Tái khởi động Bàn tròn Văn chương, “Thơ Việt đang ở đâu?” làm chủ đề mở màn, là hợp lẽ. Tôi đã thử hỏi ba bạn thơ ở ba miền khá rành tình hình văn học, hầu tìm người thuyết, tôi sắm vai chủ trì.
Thơ Việt, nhìn từ toàn cảnh, không chung chung mà cụ thể…
không chỉ nơi vùng trung tâm, mà cả khu vực [bị cho là] ngoại vi: thơ miền Nam trước 1975, người Việt hải ngoại, văn học ngoài luồng, tác giả chưa/ không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam;
không chỉ từng tác giả mà cả trào lưu, như Nữ quyền, thơ Trình diễn, Hậu hiện đại, hay Tân hình thức chẳng hạn;
không chỉ tồn tại trên giấy, mà cả xuất hiện trên mạng;
không chỉ mấy đề tài quen thuộc được cho phép, mà cả chủ đề cấm kị…
Cả 3 câu trả lời: KHÓ QUÁ! (Xem thêm: Inrasara, “Nhà văn Việt Nam ngại đứng trước công chúng, tại sao?”)
Đại đa số nhà thơ Việt Nam chỉ thấy có thơ mình và thơ quanh “thế giới sống” của mình, thậm chí hỏng kiến thức căn bản về công việc của mình, là THƠ. Từ đó ta phát ngôn cảm tính, cảm tính và tùy tiện thành bừa, là điều quá quen thuộc với độc giả.
Nhà thơ Hồ Chí Bửu trên Vannghesongcuulong, 1-9-2008, rằng “Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc…” nguyên câu này nhảm thế nào, tôi đã chỉ ra để trình làng lâu rồi.
Thêm vụ nhà thơ Đỗ Hoàng mù tình hình văn nghệ, đã ảo tưởng tự nhận “sáng tạo”, lại được bạn thơ khác là tán nào là “mở đường”, rồi thì “gây ngỡ ngàng trong làng văn nước nhà” (báo Sinh viên Việt Nam, xuân Mậu Tý) bị tôi biến thành trò lố ra sao thiên hạ ai cũng biết, không nói thêm.
Mới nhất, ở báo Tiền phong 7-3-2021 do Nông Hồng Diệu ghi, chưa nói chuyện đúng sai – ngoài nhà thơ Trần Mạnh Hảo cụ thể, còn lại đa phần các ý đầy cảm tính và mơ hồ.
Nhà thơ Trần Chấn Uy “bỏ phiếu” cho hai nhà thơ, còn nhà thơ người Tày Lương Định “chỉ tâm phục hai cái tên trong danh sách”. Đâu là con số hai [2] đó?
Cảm tính và ám chỉ mơ hồ. Lương Định: “Một ủy viên hội đồng thơ mà lúc nào cũng chỉ trích dẫn thơ mình thì không ổn, chưa nói ở vị trí cao hơn”.
Có gì phải sợ hãi cơ chứ? Không cụ thể thì ai biết đàng mà bàn với luận! Vậy mà dũng cảm trả lời phỏng vấn, mới lạ.
Tạm rút ra một ý duy nhất trình bà con.
Nguyên văn Trần Chấn Uy [ngoặc kép]:
“Hội đồng thơ hiện nay bị thiên lệch về một phong cách, gọi là hậu hiện đại. Những tác giả chỉ đại diện cho một phong cách thơ chiếm lượng lớn”.
Phát ngôn đủ cho biết nhà thơ chưa theo dõi đủ đầy trào lưu thơ Việt đương đại, hơn thế – còn không hiểu hậu hiện đại là gì. Chứng cứ: Trong 9 người, ngoài Inrasara, không ai sáng tác theo phong cách hậu hiện đại cả. Kêu “thiên lệch về một phong cách hậu hiện đại… chiếm lượng lớn” là SAI TO!
Ngay cả tôi, tôi đi từ lãng mạn hậu thời [Tháp nắng-1996], tiền hiện đại [Hành hương em-1999], hiện đại [Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002], tân hình thức [Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức-2006] sau cùng mới tới hậu hiện đại [Ở nơi ấy [thơ thời cuộc-2009]. Ngay tập thơ hậu hiện đại này, nó cũng chỉ xuất hiện trên Tiền Vệ chứ chưa in thành tập ở trong nước.
Đấy, nhà thơ Việt Nam mãi thế, hỏi làm sao không bị Nguyễn Huy Thiệp kêu “chập cheng”!
***
P.S. Hội đồng Thơ gồm Inrasara (chủ tịch), Trần Anh Thái (phó chủ tịch) và 7 ủy viên: Thi Hoàng, Đinh Thị Như Thúy, , Phạm Đương, Nguyễn Thúy Quỳnh, Phạm Sỹ Sáu, Kim Ba.