Những lần về quê, tôi hay lân la với các bà mẹ Cham. Nghe các mẹ tâm sự. Mười lăm hai mươi phút. Và cảm thông và chia sẻ. Mẹ Việt với mẹ Cham, ai đau khổ hơn thì không ngọn gió nào có thể đo lường được. Điều chắc chắn, họ hi sinh và đau khổ và chịu đựng. Mỗi người mỗi cảnh mỗi khác.
Dòng họ Gađak nhà tôi, gia đình nọ làm ăn khấm khá. Nhà giữa làng, có Thang Halam, sân gạch, cổng mái tôn với hoa bong bóng thì oách rồi. Phiền nỗi gia đình năm trai chả lấy được mụn con gái, trong khi Cham mẫu hệ. Lớn lên, mấy ông theo vợ bỏ lại cha mẹ trống chuồng. May, ông bà “ở vậy” mươi năm rồi cùng đi.
Nhiều bà mẹ khác, kẹt lớn.
Bà đẻ năm đứa toàn cu cậu. Cả đời đầu tắt mặt tối nuôi chồng con. Sớm ra ruộng về ghé chợ mua cá, “mi nấu giúp mẹ đi”, bà ngồi vào khung dệt để có “của khi về”. Cứ thế. Rồi cu cậu đi, ông bà ở lại. Vài năm sau khi đứa út rời khuôn nhà mẹ, ông cũng vội đi theo ‘muk kei’, bà ở lại. Một mình. 12 năm đi qua. Cháu chắt thời hiện đại đủ lông đủ cánh bay đâu chả biết. Không ngày nào bà không nhớ ông. Và tủi và khóc…
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”
Kiều như vậy, còn đỡ. Mẹ một mình, bằng sức lực còn lại, vẫn cặm cụi làm. Chiến, để sống còn khó đã đành, để đừng “muốn chết” khó mươi lần hơn. Ai làm thế, tội với ông bà chết đi! Cảnh ngộ ấy không phải một hay một vài, mà cả trăm cả ngàn. Ai có thể hiểu?!
Nếu Chúa biết bao nhiêu lòng hốt hoảng
Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi
Nếu Chúa biết bao nhiêu giòng lệ đắng
Chảy như sông không rửa sạch sầu đời (Huy Cận).
Năm kia trước mùa Covid-19 đợt đầu, ngẫu nhiên túi tôi rủng rỉnh tiền. Về quê, tôi lập trong đầu danh sách các mẹ Chakleng trên 80, ghé hỏi han, biếu mỗi mẹ 500.000đồng. Không phân biệt. Bỗng tôi giật nẩy lên, mình vừa bỏ sót vài mẹ. Trời biển!
Trước đám trẻ châu Phi đang chết đói, La Nausée – tác phẩm danh giá nhất của ông – chỉ đáng vứt đi, Sartre ông trùm hiện sinh đã tuyên thế, chả làm dáng chút nào cả. Cũng vậy, trước đau khổ tột cùng của những sinh phận mẹ Cham, mấy thành tích cỏn con của tôi của bạn chốn bụi trần, có là gì!