[đối thoại văn học]
Ta chưa học nghe, chưa biết nghe, ta không ngạc nhiên về không biết nghe ấy của mình nữa. Không kể người mới liếc qua tên bài đã nhanh nhẩu bình luận, hay kẻ bình luận qua thành kiến cá nhân; thường thì con người dù nghe hết bài, nghe đầy thiện chí vẫn cứ nghe theo định kiến, thuận theo tiếng lòng của ta, chứ ít khi nghe đủ đầy người đối thoại. Định kiến bảo ta nghe sao thì ta nghe như thế. Ngay đọc mặt chữ hiện rành rành trên giấy/ màn hình trắng, lắm khi ta cũng đọc theo định kiến.
Trong bài “Đối thoại cùng Inrasara”, tạp chí Nhà văn, số 6, 2011, Phạm Quang Trung la rằng Inrasara cho cái gì của Cham cũng nhất. Sau đây là đoạn ông nhấn:
“các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara, “đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát”, và cố nhiên, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác“.
“Cố nhiên” là chữ ông thêm vào, để suy diễn thành ra… “hơn hẳn”. Chứ tôi không dại dột viết câu văn có ý đó.
Bàn tròn Văn chương tại Trại Sáng tác Vũng Tàu tháng 5-2015 vừa qua, khi tôi nêu sự khác biệt của thơ người Việt Tây Nguyên và người Cham ở Nam Trung Bộ so với thơ DTTS ở phía Bắc, bạn thơ Nông Thị Ngọc Hòa kêu:
– Đừng bắt chúng tôi theo khuôn mẫu nào đó. Theo khuôn mẫu dù là mới tới đâu, thơ sẽ thành đồng bộ thì chán lắm. Tôi nói:
– Giới thiệu sự khác biệt không phải tôi đòi hỏi mọi người hãy làm thơ kiểu đó, mà là đưa ra nhiều loài để mở rộng phạm vi chọn lựa.
Nghe hụt, là vậy.
Cũng ở Vũng Tàu, trao đổi riêng, bạn thơ Bùi Tuyết Mai than:
– Hôm thuyết trình ở Sứ quán Thụy Sĩ, anh nói lục bát Cham có trước lục bát Việt, cũng là chủ quan.
– Ơ hay, anh nói thế bao giờ! Có thu băng hẳn hoi nhé, mà rất rành rẽ: “Mới đây một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ cho rằng lục bát Việt là mượn từ Cham. Riêng tôi, tôi chưa quyết ai mượn ai, mà chỉ đưa vấn đề ra để làm cuộc đối sánh rằng, thể thơ lục bát Việt và ‘ariya’ Cham có nhiều điểm tương đồng.”
Bạn thơ tiếp:
– Hôm qua ở Bàn tròn Văn chương, anh cho thơ các DTTS ở phía Bắc so sánh đơn, chỉ có Cham mới biết so sánh kép, đa tầng. Em không tin, và em phản đối ý kiến đó…
Tôi nói:
– Anh rất thích ý kiến mình được phản biện với chứng cứ rõ ràng, tội là anh chưa từng nói câu đó. Anh kê rất ư là rõ ràng, có văn bản hẳn hoi nè:
– Các nhà thơ người DTTS luôn khẳng định cá nhân qua bản thể dân tộc khi xuất hiện; Trần Wũ Khang thi sĩ Cham ở miền Trung thì khác, nếu có đề cập gốc gác, anh nêu nó lên với tinh thần đùa nghịch.
– Lối nói cũng khác. Nếu Bùi Tuyết Mai dân dã, Kiều Maily rất hiện đại.
– Hoàng Chiến Thắng ở Bắc Cạn có lối suy nghĩ rất mới, nhưng nhịp điệu thơ truyền thống vẫn còn giữ; còn Tuệ Nguyên thể hiện khác.
– Sự khác biệt còn thể hiện ngay trong thủ pháp so sánh. Từ Lò Ngân Sủn đến Htrem K’nul và… so sánh đơn, gần và cụ thể, còn Inrasara có lối so sánh phức hợp, đa tầng (ý trong Luận văn Thạc sĩ của Võ Thị Hạnh Thủy).
– Khác ở tâm thế sáng tác. Hội nhập, hay cụ thể hơn, cả khi xuống phố, nhiều nhà thơ DTTS ở miền Bắc vẫn giữ tâm thế hướng quê với một ít hoài niệm; Trần Wũ Khang cắt đứt tâm thế đó. Anh nhập cuộc làng văn Việt Nam, và đùa nghịch nó với giọng thơ bỡn cợt rất hậu hiện đại.
– Cuối cùng ngay cả thơ người Việt [tiêu biểu] ở hai vùng cũng khác. Tôi chưa thấy các nhà thơ Việt ở Tây Bắc, Việt Bắc có ai đề cập thẳng về các thời sự nóng bỏng như các bạn thơ Việt ở Tây Nguyên, Lê Vĩnh Tài, Đinh Như Thúy là một.
Toàn là SỰ KHÁC BIỆT, chứ không hề thấy sự so đo HƠN KÉM ở đây. Nêu lên cái khác biệt, để nhà thơ biết mà rộng đường chọn lựa.