– Tại sao cần cải cách?
Trên đường trở về quê hương, đây là câu hỏi thường xuyên tôi đụng phải. Cả ở những người có học. Thời đại khác, lối nghĩ và lối sống khác, Cham muốn tồn tại không thể không đổi mới, cải cách. Không làm mới đồng nghĩa với trì trệ, cuối cùng là tự diệt.
– Đã có vài thay đổi rồi…
– Đó không là cải cách mà là những chồi non đâm ra từ cây Tùy tiện chủ nghĩa.
Chúng ta từng lên tiếng trách ‘Halau janưng’ tùy tiện, nhưng chính chúng ta những kẻ “có học, có hiểu” cũng quá cha tùy tiện.
Ví dụ nhé…
‘Buh Patau’ (đặt hai hòn đá lên mộ phần) là nghi thức quan trọng trong Đám tang Cham Bà-ni. Trước, nghi thức này được thực hiện sau cùng, vào buổi chiều sau lễ ‘Pôk Nong’ khi ‘Đam Padhi’ kết thúc. Thập niên 1970, các vị ‘Halau janưng’ ở Pabblap Birau thấy nó bất tiện, đã rút ngắn thời gian bằng cách chuyển nghi thức ‘Buh Patau’ lên ngày đầu, ngay khi lễ ‘Dar’ “chôn” xong.
Cải cách gọn nhẹ mà không phạm vào truyền thống: văn minh cực kì!
Thế mà vừa qua, tôi nghe kể có người muốn quay trở lại lối làm cũ, chả mang tinh thần Tùy tiện chủ nghĩa là gì?
Đám tang Cham ‘Ahiêr’ cải cách từ Chakleng, tạo ảnh hưởng rộng khắp. Và đã thành nếp sống mới của cả cộng đồng. Lạ, đây đó lẻ tẻ, chỉ vì tham và ích kỉ, vài tín đồ chủ nghĩa Tùy tiện Cham đã phá rào. Ba điển hình tiên tiến:
[1] Sinh linh Cham ‘Ahiêr’ từ nhắm mắt đến lúc được mang đi “gửi thần Đất”, thời gian kéo dài không quá 24 tiếng đồng hồ [hệt Cham Awal]. Chuyện đã thành lệ, không thể khác. Đất Chakleng, bà N. 99 tuổi qua đời cũng tuân thủ, dù mấy đứa con bà toàn người danh giá trong làng có năn nỉ một xuất ưu tiên, cũng không. Ông Th. mất, vợ ông đi “buôn Thượng” xa không tìm về kịp, cũng phải chịu lệ làng. Thầy T. được xem là một trí thức lớn, cũng thế. Vậy mà vài ông có vai vế xíu đã cố tình giữ ‘kaya amưh’ thân nhân ở trong nhà quá thời hạn. Gấp hai, gấp ba…
Bà con kêu: Phá lệ, chỉ để gom tiền phúng điếu. Tôi có nên tin thế không!
[2] Ở đám tang Cham ‘Ahiêr’, sau khi xong nghi thức thiêu buổi sáng, buổi chiều đoàn người mới về nhà làm lễ ‘Padhi’, gọi là ‘Padhi di thaang’: “Padhi ở nhà”. Thế là dôi thêm một buổi. Biết là một việc không cần thiết, ‘Pô Adhya’ quyết chuyển trật tự thành ‘Padhi di glai’: “Padhi ngoài rừng” ngay sau khi thiêu. Tiện ơi là tiện.
Chả hiểu sao, có người muốn kéo Cham giật lùi trở về thuở tiền bán thế kỉ XX!
[3] Khung ‘kajang’ đám tang dăm năm qua đã được Chakleng cải cách qua Sân Đa năng, thay khung gỗ bằng khung sắt, miễn tốn kém bên cạnh tránh nạn phá rừng. ‘Pô Adhya’, ‘Halau janưng’ và mọi mọi Cham Cham hào hứng đón nhận. Nhưng rồi không hiểu nguyên cớ nào, vài vị Cham hạ quyết tâm tụt hậu, một mực xin phép kiểm lâm lên rừng làm ‘kajang’ gỗ cho kì được, dù phải chịu tốn trên dưới 10 triệu đồng bạc.
Không là tín đồ Tùy tiện chủ nghĩa, thì còn kêu bằng từ nào cho xứng danh nữa?!