– Tại sao phải giữ truyền thống?
Là câu hỏi Út dành cho tôi hai tháng trước. Câu hỏi khá bất ngờ, khó miễn chê. Thức thời, sống theo thời đại mình đang sống không hay hơn sao, hà cớ lại cứ phải bản sắc với truyền thống? Có 3 điểm đáng xem xét:
[1] Bảo tồn khác biệt và đa dạng về nhân chủng
Mấy năm trước, ở loạt bài “Người Cham có thông minh không?” tôi nêu ra 3 loại thông minh:
Thông minh [để] tồn tại: Tôi lấy ví dụ bà người Tàu đơn thương lạc bước vào palei Cham chỉ với cái thúng và đòn gánh, sau mười năm bà đã là người giàu nhất làng.
Thông minh [và] bản sắc. Nếu bà già đó bị đồng hóa thành Cham thì tồn tại kia mất nhiều ý nghĩa. Như Cham luân lạc tận Pháp, Mỹ dẫu có giàu tới đâu mà thôi là Cham cũng bằng không. Bạn đã đánh mất căn cước, mất bản sắc.
Thông minh sáng tạo. Tồn tại và bản sắc, mà bạn cứ vật vờ “tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” thì đời bạn kém giá trị.
Cham cần tồn tại, và tồn tại có bản sắc để có thể phân biệt Cham với các dân tộc còn lại trên trái đất. Đa dạng nhân chúng là cần thiết, cần thiết không khác gì đa dang sinh vật khác trên quả địa cầu này.
[2] Bảo tồn giá trị khác biệt, làm giàu nền văn hóa văn minh nhân loại
Đâu là GIÁ TRỊ CHAM, để phải lưu giữ? Cụ thể như Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ có gì hay ho đáng phải bảo tồn?
Tôn giáo Cham có những đặc trưng khác lạ. Bảo tồn cái đặc trưng là bảo tồn sự khác biệt. Làm giàu sang văn hóa văn minh của loài người. Tổng thể là vậy, đâu là cái cụ thể? Tôi tạm nêu ba điểm độc đáo và văn minh nhất ở Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’.
Về tinh thần. Cham hóa giải và hòa giải hai hệ tư tưởng một mất một còn: Islam và Ấn Độ giáo để làm nên Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ độc nhất vô nhị trên trái đất – là giá trị cao tuyệt nhất .
Với người có công với non sông đất nước. Tôn giáo Cham ngoài thờ phụng Thượng đế tối cao [Đấng Tạo hóa, Allah, Chúa Trời… tùy cách gọi], bên cạnh Cham thờ phụng anh hùng, liệt nữ có công với dân tộc được thần hóa, như Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak… Nghĩa là vừa chung vừa riêng, vừa nhân loại vừa dân tộc.
Với ông bà tổ tiên. Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ dựng ‘Ghur’ và ‘Kut’ cổ điển mà rất hiện đại. Sạch và đẹp, chiếm dụng rất ít đất và “vĩnh hằng” [nghĩa trang hiếm khi bị dời đi], cho con cháu muôn đời sau đến và thờ phụng.
Đó chính là giá trị Cham rất đáng bảo tồn. Cho Cham, và cho chung.
[3] Từ khác biệt bản sắc và nhân chủng, Cham đóng góp khác biệt về sáng tạo ở tương lai
Thế mạnh về nền tảng văn hóa, một dân tộc cư ngụ ở môi trường nào đó sẽ có các sáng tạo đặc thù. Cham cũng thế, chắc chắn.
Sáng tạo từ nền tảng bản sắc văn hóa văn minh lúa nước và trống đồng Đông Nam Á chắc chắn sẽ khác với nền văn hóa văn minh Đạo Chúa và nhạc giao hưởng của Tây phương.
Bảo tồn cho sáng tạo ở tương lai là vậy!