Con người là một văn bản, – hậu hiện đại nói thế. Văn bản được viết nên bởi: Gien cha mẹ ta di truyền, quá khứ ta gánh vác, môi trường tự nhiên ta sinh ra và lớn lên, giáo dục gia đình và nhà trường ta thụ hưởng; văn bản được vẽ thêm bởi người thân và bạn bè, cuốn sách ta đọc, bị tô đậm hơn bởi ý hệ tôn giáo ta rơi vào và chịu đựng…
Đâu là một văn bản-sinh linh Cham?
Kí ức Champa oanh liệt và suy tàn;
Thiên nhiên Pangdurangga: nắng, gió, với đủ thứ khắc nghiệt;
Cha mẹ Cham nghĩ: trời sinh voi sinh cỏ;
Nhà trường: bỏ quên giáo dục truyền thống, ta phó mặc mình cho chương trình giáo dục nhà trường XHCN nhồi nhét;
Bạn bè: có dịp tụ nhau là nhậu và nổ, nhậu và nổ thì phải tới bến;
Tôn giáo: dẫu độc đáo vô song, hôm nay đang làm suy thoái bộn bề.
Qua văn bản kia, đứa con Cham đọc thế giới. Đúng hơn – ta mặc cho thế giới cuốn lôi, cơ chế chính trị hiện thời thao túng, nói và làm của những “văn bản khác” dồi tung, khiến ta trở thành thứ phó bản [secondhand human being – chữ của Krisnamurti] trôi dật dờ vô định.
Làm sao thoát khỏi văn bản mà Cham vẫn giữ được căn cước?
200 đi qua, khi đời sống Cham mãi còn nghèo, khi văn hóa dân tộc nguy cơ tàn lụi hay lai căn, khi con người Cham đánh mất khả năng sáng tạo – để cải cách, thay đổi mà vẫn là Cham, tôi đã làm gì?
Chuyện vui, nhà chính trị nọ mỗi bận kẹt trước vấn nạn, là chạy ngay về nhà hỏi ý kiến bà vợ rồi làm ngược lại, là trúng phóc. Đích thị kiểu Do Thái, dù một giải quyết mang tính phản ứng nhất thời, nhưng đó là phương sách cần thiết.
Với Cham – trước bao suy thoái kia, để vực dậy – tôi LÀM NGƯỢC LẠI!
[1] Cham mê tín đại học, tôi: bỏ đại học, để… học;
[2] Bạn đồng môn không ai biết triết học, tôi cả ngày sống với mấy triết gia [nặng kí]; cộng đồng Cham không còn nhớ Phật, tôi: cạo đầu lên núi tu;
[3] “Giải phóng”, người thiên hạ lao vào kiếm ăn, tôi: cày thuê để vác về cả đống sách, đóng cửa phòng đọc:
[4] Làm ăn, Cham muốn đánh lớn thu hoạch lớn
[‘kôic’], tôi: vận dụng triệt để triết lí tiền lẻ;
[5] Buôn bán, nói dối là chuyện khó tránh, tôi: tuyệt đối không dối khách hàng;
[6] Cham đi đám, lễ để rồi chịu nợ đám các loài, tôi: hứng mới đi, mà vụ này tôi rất ít hứng;
[7] Phản kháng lại chủ nghĩa Tùy tiện Cham, tôi: lập trình quản lí thời gian, sức khỏe, tiền bạc đầy lí tính;
[8] Bằng hữu thể dục tùy hứng, tôi: ngay từ tuổi 20 là tín đồ thuần thành của “Tương lai thuộc về kẻ tập thể dục buổi sáng”;
[9] Tôi: tặng cuốn sách, không biếu thùng bia;
[10] Cuộc bia rượu, thấy đủ, tôi: đứng dậy rời khỏi bàn không ma nào níu lại được;
[11] Người đời hướng tâm, phù thịnh, tôi: giao du nhấn về ngoại vi, sinh phận thấp kém, yếu đuối:
[12] Nói, ở đó hoặc tôi im lặng hoặc tôi nói thật, chứ không nói giả;
[13] Phê bình ai, tôi ôn tồn bày ra trước mặt hoặc minh giải qua văn bản, chứ không nói sau lưng;
[14] Thiên hạ “khiêm tốn” – kệ, tôi công khai và thoải mái ca ngợi người khác và cả tự ngợi ca, chả ngán;
[15] Ai nóng lòng nổi tiếng sớm, ham sướng khoái nhất thời thì cứ việc, tôi: giú mình trong bóng tôi vô danh, trì trì đợi mùa chín tới;
[16] Đa số Cham thích ổn định, tôi chọn phiêu lưu, khai phá cái mới lạ nhiều bất trắc;
[17] Tùy hỉ, tôi hỗ trợ [tiền, kiến thức, tinh thần: tài thí, pháp thí, vô úy thí] sinh linh Cham bất kì nhờ giải quyết vấn đề hay đạt ước mơ chính đáng của họ;
[18] Kẻ nào nhìn thấy tôi buồn rầu hay nghe được tôi than vãn, chỉ cần một lần thôi, là giàu to – tôi nói thế;
[19] Tôi: Cham, tôi: hiện sinh, tôi: hậu hiện đại;
[20] Tôi là kẻ đốt lửa, giữ lửa và truyền lửa…
Ai sẽ là kẻ Cham dám nhập cuộc chịu chơi tiếp nhận ngọn đuốc ở cuộc ma-ra-tông bất tận này?