Phi lí và sự tự sát, là vấn đề triết học thật sự nghiêm túc – Camus cả quyết thế. Ông suy nghiệm nó mang tính siêu hình. Ở đây, tôi nhìn từ đời thực, quanh tôi.
Ông yêu văn chương thì hẳn rồi. Khởi sự, ông còn được giải khuyến khích của một tờ báo thành phố về thơ nữa. Chưa lấy gì làm to tát – ông biết, dẫu sao đứa con tinh thần đầu đời được công nhận, đủ thúc đẩy ông dấn tới.
Bà vợ đảm, thêm hai đứa con ngoan, ông khỏi phải lo đường sinh kế, dành hết thời gian cho sáng tạo. Hai năm một, tập thơ này nối tiếp cuốn truyện kia ra đời. Cũng nhận được lời khen từ bạn văn, vài bài báo ngắn giới thiệu. Rồi ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Thành phố.
Thế thôi. Không gì hơn, không gì khác.
Hai đứa con đã có vợ có chồng, ra riêng. Bà vợ vẫn tần tảo buôn bán. Không ai để ý về chữ nghĩa ông. Ông vẫn mệt mài viết. Sách in ra, vợ con không hay không biết. Dường không ai cần đến chúng. Cánh báo chí, bạn văn cũng làm im ắng. Như thể chữ nghĩa ông chưa hề xuất hiện, chưa từng có mặt.
Đã quá lục thập. Không còn bất kì mục tiêu nào để phấn đấu, văn chương rơi mất dần ý nghĩa, nỗi hào hứng tuổi trẻ cạn kiệt. Rồi một ngày, ông chợt nhớ vài năm qua không còn ai mời mình bia bọt nữa. Ông nghe đời mình thừa. Thừa, không chỉ ở hôm nay, mà cả những gì ông trải, ông viết.
Còn hai mươi năm nữa… Làm gì?
Ông yêu văn hóa Cham, rất khả năng nữa. Người cùng trang lứa nhìn về ông với bao kì vọng. Ngặt nỗi đời sống Cham khó khăn, và như bao đàn ông khác, ông ưu tiên kinh tế gia đình. Lí tưởng bảo tồn văn hóa Cham ông chuyển sang thế hệ con cháu.
Nhưng rồi, gần hết đời người nhìn lại, năm đứa con ông cả nam lẫn nữ không ai nhận nỗi lí tưởng chuyển giao kia. Chúng gánh vác gia đình chúng, và lo nỗi lo khác của chúng.
Năm ngoái vợ ông đã “đi xa”, các con dường chả quan tâm đến cách nghĩ, niềm vui hay nỗi khổ của ông. Từng mảnh văn hóa truyền thống dân tộc dần rơi rụng nguy cơ tiêu mất một ngày không xa. Lí tưởng một thời trẻ trai mất hút. Ông không có cháu đàn để lo, không còn mục đích dù nhỏ để phấn đấu. Ông nghe đời trống rỗng, và vô vị biết bao!
Tiếp tục sống mà làm gì? Việt Nam không có văn hóa tự tử.
Đó chỉ là hai trong những, ngoài kia còn mênh mông thân phận…
Sang lục thập, ngoảnh lại mình, tôi thấy tôi còn may mắn chán.
Được đây đó mời nói chuyện, nhờ giúp đỡ, hỏi ý kiến… nghĩa là tôi vẫn còn ý nghĩa nào đó với bộ phận nhân loại nhất định. Nhỡ hết ý nghĩa với người, tôi vẫn nghe còn ý nghĩa với chính mình: San định Kinh sách Cham ‘Ahiêr Awal’ là một. Dù công cuộc chưa chắc sẽ dẫn tới đâu, có lẽ. Nhưng đó vẫn là mục đích tôi tự tạo ra cho phần đời còn lại.
Cho nó không phải THỪA. Để tự tử không làm vấn đề.
Tôi gọi đó là ý nghĩa của vô nghĩa.