Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau – ông bà dạy thế. Không sai. Hoặc ta nói xã giao, hoặc ta im lặng, không thì nổ ra trận chiến to. Đó là chuyện giao tế ngoài đời, ở đó hai điều tối kị là tôn giáo và chính trị. Tôi, chọn im lặng.
Ở diễn đàn thì khác.
Buổi nọ, sau khi nghe tôi thuyết, một cô sinh viên đứng phắt dậy, kêu: “Em không đồng ý với nhà thơ”. Tôi nói:
– Tôi đến, không phải để nói những gì bạn đồng hay không đồng ý, mà đưa ra vấn đề mới hoặc vấn đề cũ qua cách nhìn mới, để chúng ta cùng thảo luận.
Tại lớp chuyên Văn vừa qua, khi tôi đề cập đến “Sài Gòn là nơi dung chứa và nuôi lớn hiện tượng, Hà Nội thì không”, bị một bạn trẻ không đồng tình. Tôi nói:
– Đó là sự THẬT, chứ tôi không hư cấu. Này nhé…
Trước 1975 là hiện tượng Bùi Giáng, hiện tượng Phạm Công Thiện, hiện tượng học giả Nguyễn Hiến Lê, và… Sau đó là: Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, hiện tượng Mở Miệng. Hà Nội chưa [và không] thể sản sinh, nuôi dưỡng và chấp nhận hiện tượng như Mở Miệng đã.
Bạn này vẫn chưa chịu. Tôi thêm:
– Nếu chưa, bạn hãy nêu lên một hiện tượng ở ngoài này, cho tôi lưu “hồ sơ”.
Chịu! Chịu, mà cãi cứ cãi. Tôi tiếp:
– Khía cạnh nào đó Trịnh Công Sơn cũng là một hiện tượng, hiện tượng ở Ca khúc Da vàng chứ không phải tình ca mà chúng ta đang lải nhải hôm nay. Tình ca anh vẫn lớn, nhưng nếu cứ mãi ò e đầu hè cuối phố chúng dễ làm lải nhải…
Vẫn chưa hiểu! Tôi mở rộng:
– Này nhé, khởi đầu Văn Cao và Phạm Duy là “thiên tài”, nhưng rồi sau Tiền chiến, Văn Cao không có gì đáng giá thêm [uổng không!], trong khi Phạm Duy sau đó đã dựng lên sự nghiệp đồ sộ. Đâu là nguyên do?…
Kể lại vụ này, nhà văn NNT nhắc: Thế Nguyễn Huy Thiệp không là hiện tượng sao?
Tôi nói: – Hiện tượng phải dai và dài, Nguyễn Huy Thiệp còn mỏng và chưa trường sức…
Diễn đàn là nơi làm thức tỉnh để cùng đối thoại và tương thoại. Tại đó chỉ có sự thật và tình yêu sự THẬT, cuộc diễn mới mong đạt hiệu quả nào đó.