[hay: Ariya-ist Cham, từ Trung ương qua địa phương đến Cham]
Tôi nhập cuộc chịu chơi cùng Hội Nhà văn, lên tiếng chịu trận cùng cộng đồng Cham. Vì danh như một nhà văn Việt hô không? – Không. Vị lợi như một anh bạn thơ Cham tố không? – Càng không. Bởi hai thứ đó tôi đã có, và có hơi thừa.
Kêu, mình đã Bồ Tát sang bờ bên kia đi trở lại cõi người ta, thì to quá. Tôi là một Ariya-ist đi vào và tìm học để HIỂU, tục gọi là Thiện tri thức. Vậy thôi.
Câu chuyện.
[1] Từ TRUNG ƯƠNG. Chuẩn bị Dự án Nhà máy ĐHN, anh L từ Hà Nội bay vào Sài Gòn gặp tôi.
– Người Cham đầu tiên tôi muốn gặp là Inrasara, người Cham duy nhất tôi muốn gặp cũng là Inrasara [ghê chớ bộ] – anh nói, chìa ra cuốn Văn hóa – Xã hội Cham, Nghiên cứu & đối thoại. Và tiếp:
– Lên máy bay tôi mang theo cuốn này…
Anh nhờ tôi môi giới anh gặp trí thức Cham ở quê. Giỗ mẹ, tôi tập hợp khoảng 20 mạng về, nói: Người mang ĐHN tặng ta đây, bà con có gì cứ nói, đây là nhà tôi, “phản động” thế nào tôi chịu.
Cham mà, về mục này và tại buổi như vầy, nào ngán ai. Tiết mục tiếp theo diễn ra thế nào đã kể, xin miễn lặp lại. Chỉ biết là sau đó hai tôi là bạn. Bạn, khi tôi “đầu tàu” phản đối dự án. Bạn, cả khi dự án cancelled [tiếng Tây]!
Công việc là công việc, chớ con người thì khác.
Văn giới, tôi xem nhà văn Nguyên Ngọc là trí thức lớn; còn nhà thơ Hữu Thỉnh, dù hai bận tôi phê cách tổ chức của anh, về Festival Thơ châu Á-TBD ở báo Tiền phong Chủ nhật, về vụ tập thơ 2/9 phiếu ở hội đồng chuyên môn được đôn lên nhận giải NHV, tôi phê trên Tia sáng – anh vẫn chơi đẹp với tôi.
Anh Hoàng Hưng là tri kỉ tôi đã đành, ngay Nguyễn Quang Thiều hai lần tôi phê vụ việc liên quan đến anh đăng RFA, chúng tôi vẫn là bạn.
Phê công việc qua sự việc rất cụ thể, chứ không đồng hóa con người với công việc, cho dù ranh giới hai thứ tế vi lắm lúc khó biện biệt.
Kẻ sáng tạo thì vậy, cánh phê bình hơi khác.
Giáo sư Mai Quốc Liên chơi tôi, tôi chơi lại, ông giận. Ai khiến!
Nhà phê bình NH với tôi không thân, dù một lần ra Hà Nội anh đột ngột mời tôi cà-phê tâm tình thân mật. Rồi ngay năm sau tôi phê anh về vụ phê bình theo thể điệu “khiếm danh”, tiếp: phê nặng [điều tôi hiếm làm] anh là nhà phê bình mù.
Thế là gặp tại hội thảo ở Sài Gòn, thế buộc, chúng tôi bắt tay nhau, và tôi cảm nhận nỗi lơ là trong cái bắt ấy. Kệ, đó là vấn đề của anh.
[2] Qua ĐỊA PHƯƠNG
Giới văn nghệ Ninh Thuận, cánh trẻ thì miễn rồi. Tôi xem Lê Hưng Tiến, Kim Hòa, Khánh Liên là bạn cả văn lẫn người. Thế hệ tôi, từ Bạch Văn Thanh, cho chí Quốc Tổ Công cũng thích… tôi. Bậc đàn anh, không kể nhà thơ họa sĩ Chu Trầm Nguyên Minh, đến ông anh thi sĩ giáo sư Trung học nữ Phan Rang Nguyễn Phan Thịnh xưa trốn Cộng Sản 30 năm cũng nhờ tôi dẫn về gặp lại bạn văn cũ.
Nguyên do đơn giản lắm, bởi tôi đại… khiêm tốn! Dù làm dân Sài Gòn, và dù “nổi tiếng” ở “tầm quốc tế”, về quê tôi luôn ghé thăm anh chị em Văn nghệ Ninh Thuận.
Tổ chức cho các bạn văn, tôi làm rất rềnh rang, phần mình thì… Ra mắt công trình nghiên cứu đầu tay: Văn học Cham, tôi mời có mỗi Trượng Ngạt và Tan Tu; còn Trường ca Cham, là Dương Khánh với Trà Vigia ghé nhà tôi ở Sài Gòn. Đến với Sinh nhật cây xương rồng, có Nguyên Vi, Lê Sa, Thục Linh cùng vài cây thơ quê nhà chung vui [đêm này]. Mừng giải ASEAN là nhóm bạn thuở tiểu học ở quê, đơn giản.
… thì chả đại khiêm tốn là gì.
Thế mà ở đó… Tổng kết văn học nghệ thuật năm, khi ông Tuyên giáo phát biểu ám chỉ “có nhà văn lập mạng chuyên chống đối dự án lớn của ta” thì tiệc trưa hôm ấy, không một bạn văn nào ghé bàn tôi thăm nuôi như xưa!
Riêng tạp chí tỉnh nhà Văn nghệ Ninh Thuận ba năm nay không thấy bóng ông Inrasara ở đó nữa, dù ổng rất siêng gửi bài kiếm… nhuận bút.
[3] Đến CHAM
Cộng đồng Cham, tôi vào cuộc từ rất sớm, và tận hôm nay. Hết mình.
Đối mặt với cái xấu xa, tệ hại và suy đồi, có 3 thái độ: Khinh bỉ bỏ đi, giận dữ chưởi, riêng tôi: Đi vào và tìm hiểu. Biết tôi làm thân với một vị chức sắc trẻ, trăm người như một cảnh giác, tôi vẫn cứ thân mật. Dù sau đó không lâu, vị này chơi tôi khá đắng, tôi vẫn vui vẻ. Bởi mình đã học được bài học mà không phải đóng học phí!
Có ai thấy Sara nói xấu Cham bao giờ và ở đâu không?
Và nhiều nữa…