Giải trí siêu cấp. TỪ GIỌNG RÊN ĐẾN CÁI NHÃN

Chuyện kể, thôn nữ trẻ giỡn sao ấy bị té hồ nước sâu. Đám thanh niên làng chạy tới, mà chả có mống nào rục rịch. Bỗng nghe một tiếng lao xuống ùm. – Phải thế chứ! – bà con kêu lên.

Sau một hồi vật lộn, chàng trai vớt được cô gái lên bờ. Trong khi cha mẹ cô gái muốn gặp ân nhân để cảm ơn, và khi cánh báo chí dớn dác tìm phỏng vấn, thì anh chàng chạy đầu này đầu nọ: “Đ.m. ai vừa đẩy tao, thằng nào vừa đẩy tao…”

Chuyện tôi thì hơi khác. Ở thế giới Cham, tôi cũng lao…

Vài Cham kêu tôi “dũng cảm”, “nhà đấu tranh” hay gì gì đó đại loại. Có phải thế đâu, chính xác: tôi là “Nhà-rên-học”.

Tôi nói rồi, không dưng Bà Trời chọn tôi để rên. Bà con, anh chị em Cham các nơi thấy giọng tôi rên nghe được, nên hay đẩy tôi lên sân khấu rên. Tôi dại dột nghe theo, còn hào hứng nữa.

Một hôm hơi mệt trong người, tôi nói: Thầy Thành Phần, tiến sĩ Phú Hẳn, tiến sĩ Văn Món vân vân có khi rên còn điệu nghẹ hơn Sara-tui nhiều, bà con kêu họ rên một bữa đi.

Bà con không chịu, và tôi tiếp tục chương trình… rên.

Dĩ nhiên, như loài ca sĩ, phong độ lúc lên lúc xuống, thì có người khoái, có kẻ thích vừa vừa, thậm chí có bạn không ưng ý. Bà con tùy lòng mà vỗ tay, huýt sáo.

Út tôi – có lẽ do ảnh hưởng từ ngoài, hỏi:

– Chuyện gì Cham cũng đẩy cei, rồi chuyện gì cei cũng làm, nhỡ đến lúc nào đó cei mỏi cei thôi làm, bà còn sẽ nói sao…

Tôi bảo, rên thôi mà. Khi cei mất giọng, cei hết rên. Không còn giọng để rên, thì cũng hết cái giọng để nói, vậy là huề.

Tôi viết ở đâu đó lâu rồi, nhân loại cần cái nhãn.

Nơi đám ruộng hợp tác xã chữ nghĩa Việt, dù mấy bận cố chạy có cờ, tôi cứ bị đuổi theo sau gắn vào lưng áo: “hàng đầu”, “chủ soái”, “lỗi lạc”, “thiên tài”…

Phủi mãi chả rơi hết.

Ở thế giới chật chội Cham, hơn 20 năm lên sân khấu rên, tôi được/ bị gắn vài nhãn lên cái trán hói, khá bự, theo mẫu mã khác. Ở đó có 2 loại nhãn chọi nhau:

Cánh trái là: “lãnh tụ tinh thần”, “lãnh đạo cộng đồng Cham đấu tranh…”, có người còn đòi phong thánh ‘nưbi’ cho tôi nữa. Còn bên phải là: “hèn yếu”, “nhu nhược”, “khờ khạo”.

Mấy nhãn xanh đỏ trông khá vui mắt.

Nhãn bên phải thì không sao, hôm nào đẹp trời mang ra nhâm nhi, chớ cánh trái thì hơi kẹt. Như hồi ở Nhật, một tờ báo thủ đô gán cái nhãn “Nhà lãnh đạo cộng đồng Cham đấu tranh…” tôi kêu xóa giùm đi. Báo thì xóa được, chớ tờ rơi đã in ra và đã phát thì chịu.

Trở lại với Sara-Nhà-rên-học.

Bà con, anh chị em Cham mời rên, tôi cảm ơn ‘karun’. Và luôn tư thế sẵn sàng bước lên sân khấu.

Nhiều cánh tay bà con vỗ ủng tôi cất cao giọng, cho giọng kia không tắt, và cho “họ” nghe ớn mà biết điều chút chút, thì tôi càng ‘đwa apakal’ tạ ơn.

Thế nên thành quả nhỏ bé – nếu có, cũng nhờ những bàn tay kia góp vỗ bộp vào, chớ không riêng mỗi tôi.

Còn mai này nếu có giọng rên sáng giá nào nổi lên, tôi sẽ tự nguyện lui về cánh gà hay hưu sớm, cho cái trán bớt hói đi. Cũng là phước đức cho Chàm mình lăm lắm.

[Bố cáo: Bà con bớt LA Sara đi, mà rán tìm sinh linh nào CÓ GIỌNG TỐT, méc tôi, karun nhiều nhiều nhiều]

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

P.S.

Henri Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù cho điều ta biết là kinh khủng, hay bi thám”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *