Để chuẩn bị cho hội thảo dự định sắp tới, ta tạm sơ kết mục này, như tóm tắt để bà con suy ngẫm cho buổi thảo luận. Anh chị em có thể còm ở đây, để cùng trao đổi. Sau tút này, ta tạm nghỉ một thời gian.
Karun!
Thử hình dung một ‘Đam that’ (“đám tươi”) của Cham ‘Ahiêr’ như sau:
1. Về quan tài và tắm rửa thi hài
Sinh linh Cham mất ở xa phải qua nhiều ngày mới về đến quê hay Cham lấy vợ Việt, cần đến quan tài. ‘Gru Kalơng’ có thể dùng ‘anngak’ tắm rửa thi hài, mà không cần phải tháo hòm ra như trước.
Nếu bà vợ Việt muốn chôn chồng theo lệ Việt, hai bên có thể hiệp thương để dăm mười năm sau “phần xương” được trả về cho họ hàng làm đám thiêu chờ vô ‘Kut’. Để tránh tranh chấp về sau, đức ông chồng Cham nên di chúc rõ ràng.
Riêng Cham mất ở quê nhà, cần dành sự “tôn trọng” tối thiểu với ‘kaya amưh’, tránh gây dị ứng cho người ngoài, và cả cánh trẻ Cham hãy còn xa lạ với tập tục ông bà. Như che kín bằng 3-4 tấm ‘paning’. Ở đây hỗ trợ Gru Kalơng, có 6 người vào khu vực tắm rửa: một giữ thi hài, một giữ áo, 4 người tắm. Ở đây người họ hàng có thể “cho nước” như “cho củi” ở buổi thiêu, hay “cho đất” lúc chôn, rồi rút êm để các ‘ragei’ “thợ” làm phần việc của họ. Cạnh đó một người rành tập tục đại diện cho dòng họ kiểm tra khuyết tật người mất.
2. Thời gian cho đám tang và việc “trị ma”
Thay vì 3 ngày rưỡi, nay rút lại còn 2 ngày rưỡi, loại bỏ hẳn ‘harei dook thoh’ là “ngày ở không” không cần thiết. Để có ngày lành cho lễ hỏa thiêu là thứ Tư hay thứ Bảy, thời gian có thể linh hoạt, nhưng tuyệt không quá 4 ngày rưỡi.
Nếu đám tang trùng với các loại đám khác như đám cưới, Rija…, thì các lễ kia vẫn tiến hành, chứ không bị đình như trước.
Từ khi mất đến lễ thiêu, Cham thành ma, tùy hứng mà về chơi hay quậy. Làm gì?
‘Gru Kalơng’ vẫn có thể làm thủ tục ‘tiaup kalơng’ (trừ tà) như cũ, riêng “bắt ma” ‘mưk phat’ hay trị ma các loài, tuyệt không động chạm đến ‘kaya mưh’ đang nằm dưới ‘labaang’ (hang) hay trong ‘kajaang’ (rạp đám).
3. Tro hay 9 miếng xương trán?
Xưa nay ở ‘Đam cuh’, 9 miếng xương trán đẽo như hình đồng xu cần được giữ lại cho lễ ‘Tamư kut’. Nay đã khác rồi. Sinh linh Cham từ hải ngoại làm sao về với 9 miếng xương trán trong ‘klong’ (lọ nhỏ)? Hay khi ta đã có lò thiêu, làm sao mà lấy xương trán được?
Giải quyết chuyện này không khó. Ta cứ dùng mớ tro người thân về, kết chúng lại theo hình đồng xu được 9 miếng, là xong!
Nếu Cham Ahiêr lấy vợ Bà-ni, ta có thể làm 2 ‘klong‘, 1 vào ‘Kut‘, 1 bà vợ Awal thỉnh về để sau này nằm chung ‘Ghur‘.
Kết. Thử hình dung một sinh linh Cham ‘Ahiêr’ chết lành đúng ngày lành.
Mất ngày Chủ nhật, ta cho “lên” ‘tagôk’ luôn, sáng thứ Hai, khi thi hài được chuyển qua lò thiêu, ở nhà, ta dựng ‘kajaang’ (rạp) làm lễ “cho ăn” (‘brei bbang’), thứ Ba “đốn gỗ” ‘hatak kayau’ ngày quan trọng nhất, sáng thứ Tư ‘jala cuh’ là “lễ thiêu” thật.
Bà con, anh chị em có thể dựa theo 3 gợi ý này, để bàn ở buổi hội thảo sắp tới.