‘Bhuut di labaang, Yang di kalan‘: Ma ở trong hang, Thần ngự trên tháp.
Cham Ahiêr mất chưa làm đám thiêu, chỉ là ma. Ma ở trong hang (‘labaang’). Hang, chứ không phải mồ, hay mộ. Người Cham chôn thi hài xuống, phả đất cho bằng, chứ không vun đất cao lên thành mô như bên Việt. Cham Awal cũng hệt, người mất chôn xong nếu chưa được làm ‘Đam Padhi‘ thì vẫn còn là ma.
Sinh thời được con cháu, anh chị em, họ hàng yêu thương quý mến là thế, vừa chết đi đã khiến họ sợ: bởi nó đã thành ma! Thế nên, trước đây, Cham ‘Ahiêr’ rất sợ bị chôn. Tâm lí chung: sinh linh Cham Ahiêr rất thèm được con cháu làm ‘Đam that’ (đám tươi). Kẹt quá: người mất gặp ngày không lành, đợi lâu; hay chết trùng người/ làng có chuyện không thể làm đám được, mới nhờ đến thần Đất gửi thân tạm.
Chỉ từ năm 1988, Cham Ahiêr Ninh Thuận mới bị buộc làm ‘Đam thu‘ (đám khô).
Mưdôn Gru Hán Phải trước khi tắt thở, đã dặn dò tôi nói sao cho dân làng Chung Mỹ để ông được làm đám tươi. Thế nhưng luật làng đã định, tôi dằn lòng mình làm lơ đi, dù rất hiểu ông chú của mình: không muốn thành con ma.
Tâm lí là vậy, còn chuyện thực thì sao?
Phong trào ‘Đam thu’ từ Chakleng lan nhanh sang các palei khác, bởi nó được coi là “tiến bộ” hơn, hợp vệ sinh hơn. Cham mất, thi hài được mang đi chôn, sau một năm hơn, ta cải táng làm đám thiêu, thì vệ sinh hơn việc cất thi hài trong ‘Kajang‘ (rạp) để ba ngày sau mang đi thiêu.
Nay thì khác rồi, nhất là với phương pháp quàn xác bài bản và vệ sinh hiện đại. Đó là chưa nói làm theo cách “cũ”, tang gia phải chịu hai giai đoạn: chôn rồi cải táng, rất mất thời gian.
Cuối cùng, nếu ta trở lại làm ‘Đam that’, số lượng Ma Hời cũng giảm đi đáng kể.
Vậy tại sao ta không? Và làm như thế nào?