‘Nao ikak nao ke, mưtai yêr le tuh thre ka gaup’: Đi bán đi buôn, chết thẳng cẳng đổ nợ cho họ hàng.
‘Nao ikak’ đi buôn. Cuộc đời là chuyến buôn. Ông đi buôn xa [thành phố xa, lấy vợ dân tộc khác, vân vân], bao nhiêu nỗi đời diễn ra ngoài đó.
Cha mẹ nuôi ông đủ lông cánh, ông đi bát ngát 3-40 năm, bà con tưởng ông đã ngoẻo [có cả vụ ông về báo mộng nữa] vội làm ‘Đam jap brah’ (đám tang với thủ tục đơn sơ) cho ông. Bỗng đột ngột ông dẫn xác về, tay không túi không, buộc ‘Gru Kalơng’ gọi hồn ông về lại. Thảm hôn!
Ông thì ‘nao hoang’ tuốt tuồn tuột, rồi ngọn gió đâu đưa tin ông đã gửi thân lạnh nơi đất khách quê người, ‘Ia ô tal athal ô jek’: “Nước không tới, cái chẳng gần”. Ông thành ma Hời đói khát, vật vờ. Mãi mấy năm sau họ hàng nhận hung tin, tìm đến. Bà vợ đầu gối tay ấp xưa tưởng gì chớ, vòi tiền Cham cho kì được mới chỉ cho biết mồ ông cho Cham hốt “của vàng” ‘kaya mưh’ đi. Ai biểu!
Ông nữa, nông dân có, kĩ sư hay bác sĩ cũng có luôn, thời sung mãn còn cứng cựa thì anh anh em em, đến hồi rã rời gân cốt ông bị vợ con hất hủi, ghẻ lạnh. Chẳng tìm đâu gò mối mà chui vào, đành chịu cho mặc cảm sắc tộc gặm nhắm tim gan, hồn phách.
Nhiều, nhiều lắm.
Dẫu sao ơn trởi biển, thi thoáng vẫn nẩy nòi vài cá biệt. Ông được vợ con đùm đuề ngựa xe đưa về tận quê hương bản quán. Rồi vấn đề nẩy ra…
Cham mất, khi chôn, người Cham không xài hòm. Vấn đề sanh từ nỗi đó. Làm gì?
Nhắc lại 3 trường hợp Cham lấy vợ Việt từ xa “về nhà”: [1] Bốn miếng ván được đóng chặt, Gru Kalơng tháo ra để tắm rửa; [2] Miếng trên cùng không bị đóng để không phiền Gru Kalơng; [3] Không cho Gru Kalơng tháo quan tài.
Nỗi cuối này sanh chuyện: Bao giờ phần thịt tiêu hết để họ hàng có thể cải táng làm đám thiêu? Và quan trọng hơn, là tắm rửa thi thể như thế nào, khi Cham không thể bỏ qua nghi thức làm sạch này?
Ở đây ta thử hình dung việc tắm rửa.
Có 3 cách:
[1] Tắm rửa bằng phép thuật (anngak), cần đến thầy cao đạo. Như Phok Dhar Cơk ông họ tôi, cả đời xuống sông vắng lúc nửa đêm, tắm không phải cho nước ướt mình, mà vẫn sống khỏe đến tuổi thất thập.
Cham nói: ‘Thunau jai hapak, anngak gloong di thunau’: Bùa chú cao tới đâu cũng phải chịu đầu pháp thuật.
[2] Cham Awal, chỗ tắm được che kín, thi hài cho nằm dài trên miếng ván lớn. Người chết thành trẻ thơ, chỉ được che kín bằng miếng vải trắng mỏng. Có nơi chỉ cần 4-6 “thợ chính” tắm, có nơi rất nhiều người trong họ hàng xúm vào, tùy nghi.
[3] Cham Ahiêr hơi khác. Ngày trước chỗ tắm được che bằng ba miếng ‘paning’ kín đáo, nay do ảnh hưởng Chủ nghĩa Tùy tiện, ta chỉ dùng một miếng vải rất sơ sài. Thi hài được đặt ngồi trên ghế nhỏ. Đám đông đến 15-20 người trong họ bu vào, tắm.
Có thể thay đổi phương thức này được không? Tôi hỏi Gru Kalơng Thạch Địch, ông nói “được”, có phá tập tục truyền thống đâu mà ngại. Vậy, ta có thể làm như Cham Awal [khác điều, thi hài Cham Ahiêr thì cho ngồi]:
– Che kín bằng 3-4 tấm paning;
– Bên cạnh Gru Kalơng, 6 người vào khu vực để tắm rửa: một giữ thi hài, một giữ áo, 4 người tắm. Ở đây người họ hàng có thể “cho nước” như “cho củi” ở buổi thiêu, hay “cho đất” lúc chôn, rồi rút êm để thợ làm phần việc của họ.
– Một người biết tập tục đại diện cho dòng họ kiểm tra khuyết tật người mất.
Là xong. Tại sao ta cứ phải phơi trần thi hài ra, gây dị ứng cho người ngoài, và cả cánh trẻ Cham hãy còn xa lạ với tập tục ông bà?