Tút này tôi phân làm 5 mục, mỗi mục nêu cụ thể điều đã làm được, và gợi ý điều có thể cải cách – ở tương lai gần.
Cải cách, để làm gì?
1. Cải cách để hợp thời
Trước thập niên 1990, Katê diễn ra trong 5 ngày chính: Rước Y trang Thần, Lễ trên tháp, Lễ ở tư gia ‘Pô Adhya’, Lễ làng, và cuối cùng là lễ gia đình. Sau đó Katê còn kéo dài cả tháng. Nay đã khác. Con cháu đi làm ăn xa, Cham làm công nhân viên Nhà nước, Katê đã rút lại còn 3 ngày là việc bất đắc bất nhiên.
Việc rút thời gian này phải qua đấu tranh gây cấn, làm phân rẽ Cả sư Hán Bằng với các bác trí thức Chakleng tận cuối đời.
Katê từ 5 rút lại còn 3 ngày được, Đám thiêu Cham ‘Ahiêr’ từ 3,5 xuống còn 2,5 ngày [lược bơt ngày ‘dook thoh’] – tại sao không?
2. Cải cách để đảm bảo sức khỏe cộng đồng: Chuyện vệ sinh
Cham ‘Ahiêr’ trước đây thích ‘Đam that’ “Đám tươi”, bởi thi hài mang đi gửi thần Đất thì thành ma. Cha mẹ mình yêu thương là vậy, mất hôm trước hôm sau hóa “ma về” cho ông thầy réo tên cúng cơm ôi thôi xót đau, buồn tủi.
Thế nên dẫu nghèo tới đâu, bà mẹ Cham sẵn sàng đợ con để lo cho “cha nó về”. Và dù phải chịu mươi ngày nửa tháng nằm trong ‘kajang’ đợi ngày lành mang đi thiêu. Ô nhiễm khỏi chê luôn!
Năm 1984, phong trào ‘Đam thu’ do ông Châu Văn Mỗ và thầy Quảng Đại Hồng phát động tại Chakleng, sau đó lan tỏa đi các nơi. Với điều kiện vệ sinh lúc bấy giờ, đây là cuộc cách mạng, còn hôm nay nó gây trở ngại cho cải cách.
Có thể cải cách lại cái đã được cải cách?
3. Cải cách thuận lòng người
Có người chốn này bảo thủ hết mực, ngược lại ở khía cạnh khác lại là nhà cách mạng. Cả sư Hán Bằng là một. Năm 1992, ‘Kut’ hiện đại đầu tiên ở Chakleng với nhiều cải cách mang tính nhân văn tạo ảnh hưởng rộng lớn, công ông là hàng đầu.
Ông làm được, vì nó thuận lòng người!
Cũng vậy, theo Nghiêm Xích, cách ‘Bbang Muk kei’ bên Cham ‘Awal’ khi trước mỗi lượt mỗi mâm dành riêng mỗi “vị”. Kéo dài vô cùng tận. Với dòng họ lớn, đấy là lối hành hạ nhau vô lí. Thêm mất vệ sinh nữa. Cả sư Xích Dự ở Thanh Kiết cải cách được, tại sao nhiều ‘Halau’ Pangdurangga vẫn chưa?
Ta mời cùng về hưởng lễ vật theo nhóm chẳng đông vui hơn sao!
4. Thay đổi cách nghĩ thuận thời
‘Kajang’ đám thiêu Cham xài vật dụng làm sẵn lắp ráp, Cham không chịu đã đành; đến thay cây gỗ các loại bằng sắt là điều tối kị. Vậy mà dân Chakleng đã làm được qua Sân Đa năng. Việc khó trở thành dễ ợt, một khi ta dám thay đổi cách nghĩ.
Tương tự, vụ dựng nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên ‘Thang Mưgik’ là vấn đề lớn, song khi ta tự cách mạng tư duy, thì chuyện trơn tru đến không ngờ.
Dân đông, làng mở, nhu cần sinh hoạt tín ngưỡng ngày càng cao. Hamu Tanran Hữu Đức phân làm 3 thôn: Hữu Đức, Tân Đức và Thành Đức. Pabblap Birau Phước Nhơn chia thành Phước Nhơn-1, Phước Nhơn-2, Phước Nhơn-3.
Hamu Tanran xưa chỉ được quyền hành lễ mỗi Đám thiêu, nay đồng lúc 3-4 đám tiến hành. Nếu không hợp thời, thì ‘bhut di labaang’ “ma dưới hang” tồn đọng cả đống đang kêu đói, ai chịu thấu? Cấp ‘Paxêh’ hè nhau quyết, cuối cùng vẫn ổn!
Chớ Pabblap dân tăng gấp tư mà mãi giữ ‘Thang Mưgik’ cũ chật chội để mỗi Ramưwan là mỗi chen chân không lọt. Mở thêm ‘Thang Mưgik’ mới tương ứng với thôn hành chính, tại sao không?
5. Cải cách thuận theo pháp luật nữa
Đất phong tục lâu nay Cham quản mà như không quản: Không rào, không sổ đỏ. Từ đó mảnh đất tổ tiên dần bị kẻ xấu xâm lấn, nguy cơ mất nhỡn tiền. Và không ít đất đã bị xén. ‘Kut’ Gađak ở Chakleng, rồi ‘Ghur’ Raneh đã thay đổi, các nơi khác cứ thế mà noi gương.
Đất rẫy Cham đã và đang mất cũng do ta chểnh mảng không biết lo xa, đến khi ‘Ia daup idung’ “nước ngập mũi” thì xôi hỏng bỏng không. Ôm nhau mà khóc!
Việc mổ khám nghiệm tử thi, hay lập biên bản tai nạn giao thông giữa người nhà với nhau, vân vân với mục đích ngăn ngừa hành vi xấu ở tương lai, cũng cần xét tới một cách nghiêm túc. Không thì phần thiệt luôn thuộc về ta.
Còn nhiều tiết mục nữa…