Đối thoại Cham-6&7

Đối thoại Cham-6. TỪ MẤT NIỀM TIN ĐẾN BỊ TỰ ĐỒNG HÓA

[Đối thoại tôn giáo]

– Nhà văn nhắc đến huyền thoại, hôm nay còn ai tin huyền thoại nữa đâu!

– Không tin huyền thoại, thần linh vắng bóng thì Cham không còn tin Pô Yang, các biểu tượng cũng đã thất truyền. Một đại khủng hoảng mới, thứ khủng khoảng vô hình đang xói mòn niềm tin Cham.

– Bà con Cham vẫn hành lễ, vẫn cúng tế…

– Không sai. Tuy thế, ở đó niềm tin đang bị xói mòn. Từ từ, và chắc chắn.

Hãy nhìn về giới tinh hoa.

Các biểu tượng mới như Trường Pô-Klong, Huyện An Phước, Trung tâm Văn hóa Chàm, Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Tagalau… đã thất truyền;

Huyền thoại, như cây Krek, thi xây tháp, thi đào mương, rồng liếm, ‘bat paradao’ của Pô Bin Thôr… đã chết; kinh sách thất tán hay thất lạc, mỗi vị ‘Pô Adhya’ hành lễ mỗi cách, bên Awal thì “Tajuh halau klau giloong’ như một tục ngữ mới chế tác;

Các thần linh vắng bóng, giới tinh hoa Cham còn ai thực sự tin Pô Yang?

– Dạ, hiếm lắm. Có, nhưng rất mờ nhạt…

– Trở lại chuyện huyền thoại.

Khác với thú vật, ngoài nhu yếu phẩm nuôi sống thân xác, con người còn được dưỡng nuôi bằng hơi thở huyền thoại.

Không có Chúa! – Voltaire tuyên thế, và thêm: Nhưng ông chớ nói vụ ấy cho đầy tới tôi hay, nó giết tôi mất. Con người tạo ra Chúa, Chúa là một huyền thoại.

Người/ nhóm người tạo huyền thoại, họ tin [hoặc giả vờ tin], rồi lôi kéo cộng đồng tin. Đó là thứ niềm tin chung một huyền thoại. Thiếu nó, xã hội mất ổn định. Y.N. Harari cho rằng: Từ bộ luật Hammubari cách chúng ta ba thiên niên kỉ rưỡi cho đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, loài người mãi nỗ lực dựng huyền thoại, và làm mọi cách cho thần [công] dân tin vào huyền thoại chung kia.

Chủ nghĩa Cộng sản với lí tưởng thế giới đại đồng, là một huyền thoại.

Cham đã đánh mất “niềm tin chung”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng cái làm cho Tây Nguyên được là Tây Nguyên chính là văn hóa làng, khi văn hóa làng bị phá vỡ, dân Tây Nguyên mất niềm tin. Từ mất niềm tin đến bị đồng hóa chỉ cách nhau nửa bước chân.

Văn hóa Cham có nền móng sâu thẳm hơn, nhưng không phải không thể bị phá vỡ.

Giáo dục, có gia đình Cham nào còn dùng Kabbôn Muk Thruh Palei, Ariya Pato Adat Likei răn dạy con cháu? Giáo dục truyền thống dân tộc bị đứt, ta phó mặc con cái cho nhà trường…

– Khủng hoảng mới, thứ khủng khoảng vô hình và toàn diện là vậy.

– Vậy, cần làm gì thưa nhà thơ?

– Tôi tin vào những mạch nước ngầm…

Đối thoại Cham-7. ĐÂU LÀ NIỀM TIN CHAM, HÔM NAY?

[Đối thoại tôn giáo]

– Nhà thơ tin vào những mạch nước ngầm… Tuy nhiên hôm nay người ta chỉ còn tin vào sức mạnh vật chất, cháu có cảm giác như vậy.

– Không phải cảm giác nữa, mà là sự thật đang diễn ra. Cham ở giữa lòng Việt Nam, Việt Nam đã thế thì Cham không thể khác. Không phải tin nữa, mà là tôn thờ vật chất. Ưỡn ngực về nó. Vật chất ấy không từ tài năng mà có [như Bill Gates hay Steve Jobs…], mà đa phần từ trong cơ chế, lợi dụng hay ăn theo cơ chế.  

– Dẫu sao con người vẫn cần đến đức tin cùng những huyền thoại, như nhà thơ nói.

– Chủ nghĩa Cộng Sản, có Cham nào tin vào lí tưởng ấy không? Cứ hỏi các đảng viên người Cham cũng đủ biết.   

Bên cạnh Đạo Chúa còn dè dặt, Islam hiện đang tuyên truyền mạnh vào Cham, nhất là bộ phận Cham Awal Ninh Thuận và Bình Thuận. Đức tin hay hệ tư tưởng mình hay, quảng bá nó – không có gì đáng chê trách cả. Song, hãy nhìn vào thực tế…

Chuyện cả thế kỉ qua, thế giới Cộng Sản hay Islam hiếm có sáng tạo và phát minh lớn cống hiến cho nhân loại, là điều xa xôi xin miễn bàn. Nhìn vào cộng đồng Cham Islam, thời gian qua – ngoài đóng góp của anh em Dohamide Dorohiêm, tôi chưa thấy công trình nào lớn về văn hóa dân tộc. 200 năm rồi là gì!

Đức tin cần gắn liền với nguồn cội, trong khi người anh em Muslim hiếm khi “hành hương” về miền đất tháp dù cuộc hành hương ấy chỉ vì nền văn hóa-văn minh dân tộc, để gắn kết cộng đồng. Bởi đó là miền đất tổ, miền cố quận. Để “tìm về nguồn cội cách xa” – như cách nói của Dohamide.

– Nói e mất lòng, cháu thấy giới ‘Halau janưng’ ‘Ahiêr Awal’ đã góp tay không ít làm xói mòn niềm tin của tín đồ Cham vào Tôn giáo Cham…

– Phần nào đúng, song tạm cho phán xét ấy vào ngoặc.

Tôi xin lặp lại: Đức tin cần gắn liền với nguồn cội. Đức tin ‘Ahiêr Awal’, không ngoại lai mà dân tộc, không cao xa mà gần gũi. Từ ‘Pô Ginôr Mưtri’ cho đến Pô Aulwah, từ Pô Inư Nưgar cho đến Pô Klong Girai hay Muk kei. Linh thánh mà đời thường.

Cho dù đức tin ‘Ahiêr Awal’ bị xói mòn và mờ nhạt, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại các mạch nước ngầm. Ở đó vẫn có mặt những đứa con của Đất yêu thương, tin tưởng và làm việc.

Mạch nước ngầm vẫn còn lặng chảy giữa cộng đồng.

Ai có tai thì nghe…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *