[câu chuyện lang thang palei Cham chép sách của tôi]
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
[những viên sỏi người lớn lơ đãng giẫm qua]
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế (Tháp nắng, 1996)
Đó là khiêm tốn. Không phải khiêm tốn hô to “tôi khiêm tốn”, mà đích thị là thứ khiêm tốn đi, lượm nhặt, và làm. Chính từ khiêm tốn ấy, tôi đã dựng nên lâu đài văn học Cham, cho Cham hôm nay đụt mưa, khi linh hồn họ đơn côi không nơi nương tựa.
Đó là sự thật.
Năm 1991, không biết ai giới thiệu rằng anh Trạm là cả kho chữ, hai bạn trẻ Thuyên và Hiền từ Đại học Tổng hợp TPHCM đi xe đò xuống Chakleng tìm. Tôi lúc đó đang thủ quán Tạp hóa Haly’s. Hiền: luận văn về thành ngữ, Thuyên: về ngôn ngữ Cham. Trường cho đi thực địa khoảng một tháng. Tôi bảo hai bạn trẻ đi vào các palei Cham, gặp người này người này… một tuần xem sao. Mới bốn ngày, hai bạn đã hớt hải quay lại:
– Không được rồi anh ơi, kiểu này chết chắc.
Làm sao? Hiền mới có 5 bài ca dao, vài chục câu tục ngữ… trong đó đến một nửa sai bét, còn lại thì không phải nó. Thuyên đi gặp một anh, anh này buộc bạn phải đưa thuật ngữ ngôn ngữ học mới vào luận văn: “thanh vực”!
Tôi bảo, thôi hai đứa ở đây đi, ăn ngủ nhà ông anh Phú Đạm mình, và làm việc. Tôi đưa cho Hiền tập vở chép tay 400 thành ngữ, và bày cách làm. Thuyên ngồi với tôi ba ngày. Xong chuyện, hai bạn nói cảm ơn, rồi dzọt lẹ vào Sài Gòn.
Có chú biết chuyện, ngăn tôi: Cho kiểu đó, Trạm mất tư liệu như chơi. Tôi nói, tôi giàu mà, lo gì chuyện mất. Giàu thế nào? – từ KHIÊM TỐN!
Từ 14 tuổi…
Văn học Dân gian Cham, tôi lặn lội qua vài chục palei Cham vô số lần, tìm gặp cả trăm sinh linh được cho là thấp hèn nhất đến trí thức cao ngạo nhất. Nghe, hỏi, và ghi chép. 25 năm, tôi mới có được:
42 bài ca dao ‘Panôic pađit’, 27 bài đồng dao ‘Kadha rineh doh’, 74 câu đố ‘Panôic pađao’, 384 tục ngữ ‘Panôic yao’, 890 thành ngữ ‘Boh kadha’ cùng vô số đặc ngữ khác.
Nhớ, đại bộ phận là DỮ LIỆU GỐC, nghĩa là không chép từ công trình nào trước đó.
Cũng là dữ liệu gốc, tôi đi vào các gia đình Cham: cụ Huỳnh Phụng, chú Bá Văn Có, chú Phú Văn Thiệt, ông Tài Văn Tre, ông Thành Long, ông Nguyễn Tùng, ‘Pô Adhya’ Hán Bằng, ‘Mưdôn gru’ Hán Phải, ‘Pô Adhya’ Doh, anh Não Cùi, anh Thuận Văn Liêm, vân vân để chép từ văn bản viết tay, nghe chép từ thuộc lòng mới có được hàng trăm sử thi ‘Akayêt’, trường ca ‘Ariya’, tụng ca ‘Damnưy’, gia huấn ca ‘Kabbôn’, vân vân và làm nên bộ Văn học Cham.
Với Agal ‘Ahiêr Awal’, tôi cũng đi từ văn bản gốc. Không thể khác. Không thể học từ ngọn, hớt lấy lớp váng.
Phải là một KHIÊM TỐN khủng khiếp mới lãng phí tuổi trẻ để làm được như thế.
Đó là chưa kể ở tuổi 17-19, tôi đã hai lần chép Từ điển Cham Pháp của Aymonier 582 trang khổ lớn, sau đó tổ chức mươi “hội nghị chiếu dài” mời các bác, các thầy về nói chuyện, để học nữa!