[hay Tôi là kẻ… khiêm tốn]
Có được kiến thức khác lạ, ta khoe; giỏi hơn hàng xóm tí, ta khoe; gia đình có vẻ hạnh phúc hơn láng giềng, ta cũng khoe ra. Du lịch, tiệc tùng hay giải thưởng, thành tích bé hay to, vân vân chuyện.
Facebook khuyến khích, và tạo mọi cơ hội cho ta khoe. Khoe, kẻ cảnh hẩu xúm vào like, love, care… tuyệt lắm, xinh cực kì, nhất…
Phía đối nghịch thì ngứa mắt, nóng mặt, vân vân thứ.
Làm sao thoát khỏi ngục tù ở thế giới ta bà hiện đại này?
– Hãy là kẻ cá biệt!
Như tôi, một sinh linh Cham siêu cá biệt.
4 tuổi tôi đã học ‘Akhar thrah’ từ ông ngoại, thuộc cả trường ca Ariya Glang Anak. Tôi không cho ma nào biết mình giỏi ‘Akhar thrah’ cả, mãi khi tôi có bài thơ tiếng Cham đăng báo tường lớp Đệ Tứ, vài bạn biết và nhờ đến, tôi mới chỉ cho họ chữ mẹ đẻ.
Tôi có khoe đâu mà thiên hạ biết.
Tuổi 20 tuổi, tôi ăn dầm ở dề với Heidegger, tư tưởng gia vĩ đại nhất thế kỉ XX và được cho là tác giả khó đọc nhất; thời gian đó tôi tụng đọc mươi bộ kinh lớn nhất của Phật giáo Đại thừa. Là điều không sinh linh Cham nào vào thời tôi làm.
Sống giữa lòng Cham, tôi tuyệt không cho ai biết vụ này.
Tôi khiêm tốn.
Cộng đồng Cham, ít ai biết tôi là người tổ chức các sự kiện văn học, nhà phê bình hay diễn giả. Mãi mươi năm sau in loạt tác phẩm phê bình, bán thừa, tôi tặng cho các bạn Cham, họ mới hay ông Inrasara còn là… nhà phê bình “nổi tiếng”. Tại sao?
Tôi không khoe.
Dấn thân vào thế giới Cham, đi khắp palei tìm học, tôi chỉ hỏi và hỏi. Nếu có nói, là để gợi mở cho người đối thoại nói. Tổ chức “Hội nghị chiếu dài” ở quê cũng hệt, mời các vị về, đãi cơm và trà nước bánh trái, tôi gợi ý cho các vị nói.
Tiếp chuyện trí thức thế hệ trước như Thiên Sanh Cảnh, Tài Văn Tre, Bá Văn Có hay quý thầy như Đàng Năng Quạ, Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, có ai thấy tôi tranh giỏi hơn với vị nào không?
Dẫu là chuyện đã biết, tôi vẫn hỏi. Để biết kĩ thêm, biết khác đi. Hoặc cho dù vấn đề đã rõ, tôi vẫn hỏi: bởi “lễ”, hệt Khổng Tử.
Tôi khiêm tốn!
Khiêm tốn đầy cá biệt thế, tôi mới… giỏi.
Tôi đã, bạn – tại sao không?!