TƯỞNG TƯỢNG BỆNH HOẠN HAY THIÊN TÀI?

Chúng ta hay nói thế giới Dos, thế giới Proust… Đúng, những con người đặc dị này đã tạo lập được thế giới riêng cho mình, và sống trong nó. Nhân vật, chữ nghĩa, ý tưởng, vân vân. Nhà văn thiên tài là vậy, còn sinh linh vô danh thì sao?

Họ cũng sở hữu thế giới riêng, và sống đời thực của mình trong nó. Người đời không hiểu, vội gán cho họ “điên”, hay tưởng tượng bệnh hoạn. Loài sinh linh này thời nào cũng có, sống quanh ta, cạnh ta, ở bất kì mảnh đất nào – chưa bao giờ thiếu.

Tỉ lệ ở người nữ khá cao, một trên năm dù nhẹ đô, do tưởng tượng bệnh hoạn thì ít, mà bởi tư duy thiếu rành mạch nhiều hơn. Căn bệnh chỉ biểu hiện qua lời nói, lắm khi làm hại chính bản thân họ mà không biết. Thường thì họ vượt qua tình trạng này khi lập gia đình, lo chuyện chồng con.

Người nam ngược lại, dù thấp – khoảng 0,4%, song lại trầm kha hơn nhiều. Và thường nó ngày càng nặng, bởi họ DÁM SỐNG trong thế giới đó, quyết liệt dẫn đến siêu lập dị, và bị đời cô lập hay chính họ tự loại mình ra khỏi khế ước xã hội.

Mấy sinh thể này lôi cuốn tôi kì lạ. Tôi hiểu, yêu, và gần gũi họ. Ngay Chakleng quê tôi.

Siêu nhân như Phok Dhan Cơk ông họ nội tôi, tôi hiểu ông, và đã kể nhiều. Ngay cháu họ tôi, Tr. – hiện đang bay trong một thế giới rất khác, “phớt đời” đến tôi mấy lần thử thăm dò mà đành bất lực.

Anh bạn thân trong palei, sau này tôi đặt cho cái tên T’Maung trong một bài thơ cũng nòi tương cận, nhưng kiểu khác. Anh nghĩ mình đang sắm vai gì đó tối mật ở Trung ương Fulro. Chakleng, anh thân với tôi hết cỡ, đến đỗi dù lập dị đến đâu cũng biết nhún: “tao chỉ tin có mỗi mầy”.

Một trưa nọ, anh bảo tôi “chuẩn bị tối nay đưa tiễn tao lấy vợ”. Tôi mở to mắt:

– Ai vậy anh? Và ở đâu?

– Dưới Phan Rang ở Ban Biên soạn, còn ai rồi sẽ biết. Anh tiếp:

– Đại diện đằng gái có ông Tịnh, mầy đại diện cho tao. Không thêm ai nữa cả, ngoài thằng Thành [công an Tỉnh].

– Tại sao phải có ảnh?

– Mầy không hiểu đâu… Cộng Sản nó ghê lắm…

Nhưng rồi, chưa đầy 4 tiếng sau, anh hớt hải chạy qua tôi hồi lại.

– Hà Nội mới điện xuống…

Vậy thôi. Chấm hết. Anh không còn cơ hội lấy vợ. Ba năm sau, anh mất.

Anh họ tôi tạo một thế giới khác nữa. Tôi chơi thân anh từ lớp Đệ Lục, sau này mấy năm trước khi mất, đất Chakleng anh thân mật mỗi tôi [hay mỗi tôi chịu nổi anh]. Tôi dành cho anh nguyên chương của tiểu thuyết Chân dung Cát với những hư cấu bay bổng. Bên cạnh nhân vật Cao Xuân Hoang bạt mạng, Đàng Phu là nhân vật “hành hạ” tôi nhất. Tôi phân tích tâm lí chiều sâu, từ mọi góc cạnh con người anh lẫn tương quan cộng đồng. Hôm nay đọc lại tôi vẫn còn nể… tôi.

Trích đoạn cuối hầu bà con, bạn facebook:

“ĐÀNG PHU, 30 tuổi thiếu tháng. Mồ côi. Sống với bà chị họ. Một trong những tú tài đầu tiên của Cham. Luôn nghĩ mình làm việc cho CIA, là nhân vật đặc biệt trong bộ máy gián điệp khổng lồ này của Mỹ. Không hút thuốc ai hay uống trà ai quá hai phút ngoài kẻ láng giềng duy nhất người làng Lạc Trị lấy vợ Chakleng. Nhưng tình bạn tín cẩn này cũng không cản anh giăng dây thép bung quanh bờ rào nhà bà chị họ trong đó có lối ngăn cách với nhà người láng giềng kia. Chính việc làm này đã cắt đứt tình bạn thâm niên giữa họ. Từ đó anh tiếp tục cho đóng vào tất cả cửa sổ hai lớp thép B40. Để tránh bom, sau này trong một lần tâm sự rất hi hữu – anh bảo thế.

… Mùa đông năm ấy, hắn quyết định đi xuống xã. Hắn không ngờ mình bạo dạn thế, không chút rụt rè, do dự nói chi sợ hãi.

– Tôi cần gặp trưởng công an. Hắn nói với thư kí thường trực đang ngồi phòng ngoài.

– Anh cần kí gì? Viên thư kí hỏi, nhìn vào mắt hắn vẻ ngơ ngác. Tay này mới, chắc không biết mình.

– Tôi cần gặp riêng chính đồng chí trưởng công an xã. Giọng hắn trở nên nghiêm trọng.

– Đợi đấy đã, anh Năm Cang mắc việc.

– Ồ, ông Phu, lâu quá. Ông vào đây, vào đây. Một người quen thuở còn Tập đoàn phụ trách ban thuế gì đó, lúc này mặc áo công an, chắc lên chức phó. Tay này quá hiểu mình, nhưng nó cứ vờ vịt.

– Tôi cần gặp…

– Vào đây, uống li trà đã.

Hắn sẽ bắt mình, nhưng chưa vội đâu. Hắn giữ mình để khai thác hay thả ra để theo dõi?

– Tôi làm việc cho CIA mấy năm nay. Hắn nói khi ngồi xuống vào đầu bên kia chiếc ghế dài. Hắn thấy anh phụ trách an ninh xã nhíu hai hàng lông mày lên rất hãi, mở to mắt nhìn hắn rồi một lúc sau, bật cười to. Còn đập đập vai mình nữa chứ! Họ đưa mình vào rọ rồi thả ra làm như không có gì cả để tiếp tục dòm dõi. Khiến mình phải xổ ra hết. Nghề của họ là vậy.

– Bọn này biết gì đâu. Phó công an xã nói.

Dĩ nhiên họ luôn khởi sự kiểu ấy.

– Tôi đã biết ăn năn hối cải. Hắn nhìn thẳng vào mắt người nắm quyền lực của cơ quan an ninh địa phương.

– Có giấy tờ gì không? Anh bạn đồng môn xưa hỏi. Họ bắt đầu khai thác đây. Bỗng hắn thấy lúng túng, đưa mắt ngó quanh.

Chỉ thế thôi. Họ mời hắn ra phòng ngoài đợi, nơi thư kí vừa [giả vờ] viết vừa canh chừng hắn. Trưa, họ cho hắn về. Hắn lầm lũi bước, chốc chốc quay lại nhìn: không ai cả. Nhưng chớ hòng thoát khỏi con mắt của họ.

Tối đó, hắn nghe loáng thoáng bóng người đi qua đi lại bên kia hàng rào. Mình đầu thú nhưng họ chưa chịu bắt vì không chứng cớ. Hay mình đã không còn làm việc cho CIA? Hay cơ quan phản gián này đã khai trừ mình rồi mà mình không hay? Không, thật phi lí! Hay họ thực sự chưa biết? Hay thằng San chưa báo cáo? Hoặc Cham đã biết giấu cho nhau? Nhưng tại sao mình cứ bị bao vây? Tại sao tối hôm sau và hôm sau nữa, bên cửa sổ lúc nào cũng có vài bóng người rình rập? Không, mình bị ám sát mất. Ý nghĩ chợt đến khiến hắn vã mồ hôi.

Bị giết! Phải tìm ra tang chứng để họ bảo vệ mình, dù trong trại cải tạo đi nữa. Thế nên khi thứ Năm tuần sau, nhận được bức thư Bill do thanh niên trong làng mang tới, hắn run lên vì sung sướng. Ngay tức thì, hắn cầm nguyên thư chưa bóc đi như chạy xuống xã. Nhưng số phận lại quyết chơi khăm hắn. Sau khi mở thư ra xem, cán bộ xã cho hay vài ngày nữa anh nhận được tiền từ Mỹ, rồi bảo anh về. Họ vẫn chưa chịu bắt mình. Còn chúc mừng nữa chứ! Hay đây là bức thư giả mạo được đẻ ra để khủng bố tinh thần hòng đưa mình vào tròng? Hoặc giả đó chỉ đơn thuần là bức thư. Một bức thư thì chưa thể là vật chứng cụ thể có thể kết tội. Phải đợi tám ngày sau hắn mới tin chắc kì này hắn được toại nguyện khi mang xuống xã giấy báo lãnh tiền của Bill Klark-công dân Mỹ gửi Đàng Phu-dân tộc Chăm quốc tịch Việt Nam 1000 USD do Bưu điện thị xã Phanrang chuyển.

Lần này hắn đã gặp đúng người hắn cần gặp.

– Ông mà còn quấy rầy chúng tôi bằng thứ bệnh hoang tưởng này lần nữa thì ông sẽ bị bắt thật đấy.

Hắn đã nghe từng tiếng rành rọt từ môi miệng của trưởng công an xã, như thế. Hắn bủn rủn người, và muôn vàn buồn chán như vừa đánh mất cái gì to lớn lắm, hơn cả đánh mất chính cuộc đời của hắn.

Bốn mươi hai ngày sau, Đàng Phu chết. Bà chị họ khốn khổ thét lên đau đớn khi mở cửa thấy hắn nằm gục mặt lên bàn, cứng đơ. Phiếu báo lãnh tiền của Bưu điện lần chót nằm dưới hai cây bút màu xanh, đỏ.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *