Cộng đồng Cham thời hiện đại, theo cách nhìn của tôi, có 4 sinh linh cá biệt. Là…
Ông Phok Dhan Cơk, nhà Yogi cuối cùng của Cham, con người ảm chữ nghĩa tôi sâu đậm và dai dẳng nhất. Anh Hàm Bộ, Guru của tôi, anh em ngồi với nhau cả buổi không nói một chữ, mà tâm hồn không chút gợn. Anh T’Maung, kẻ lưu trữ kí ức Chakleng, không gì khác. Và anh Phú Đạm, thi sĩ tiếng Cham thuần thành – một kẻ mơ mộng đúng nghĩa [xem 4 bài thơ ở phụ lục].
Họ là những con Ma Hời.
… và TÔI, tập đại thành 4 con Ma Hời kia.
Tôi – Yogi và luận sư; tôi – một nhà văn lưu trữ kí ức dân tộc, và là thi sĩ – kẻ sáng tạo giấc mơ. Riêng luận sư, tôi thuộc loài luận sư xua đuổi đồ đệ.
Không đùa đâu, xua đuổi theo đúng nghĩa đen của từ.
Như Krishnamurti.
Qua cuộc nổ lớn ở thẳm sâu tâm thức, khi Hội Thông thiên học chuẩn bị tấn phong ông bậc Thầy Thế giới, ông tuyên bố giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông, chối bỏ cả ngàn mẫu đất, mấy chục triệu đô-la hội viên ban cho ông quyền sở hữu. Túi không, tâm không, ông lên đường du thuyết những nơi cần ông. Như một sinh thể độc lập, sẵn sàng nói chuyện từ nhóm lớn hay nhóm nhỏ, cả các cá nhân quan tâm.
Nhưng khác với Krish, bởi tôi là một Ma Hời.
Ma Hời, tín đồ thuần thành của Tôn giáo Cham cổ đại còn sống sót. Đấy là thứ tôn giáo bất cần tín đồ, không muốn ai khác vào đạo mình, nói chi truyền giáo.
Sinh linh Cham ‘Ahiêr Awal’ xịn cưới đứa con dân tộc nào khác, hay lấy người đồng tộc khác đạo, chết đi phải chịu nằm ‘lingiu Ghur’ (ngoài nghĩa trang) hay nằm ‘Kut lihīn’ (khu vực “nghĩa trang” không lành). Phân biệt đối xử cho bõ ghét. Làm thế thì còn ai dám vào đạo mình chứ!
Là luận sư, tôi không rủ ai đến tủ sách, đến bữa ăn hay bàn nhậu. Tách cà-phê với bình trà Bắc, thế thôi – cũng đủ.
Ai có nhu cầu, hãy đến với tôi. Tôi thoải mái cho đi những gì họ cần. Rồi thôi, không gì hơn, không gì khác.
Tôi không phe nhóm, không thuộc bất cứ hội đoàn nào; hay dù có là hội viên Hội, tôi tuyệt đối không thuộc về.
Lên tiếng, tôi đại diện cho chính tôi, chứ không nhân danh ai, hội nhóm nào bất kì.
Tôi không là thầy của ai, càng không cần học trò để biện minh cho tôi; tôi cấm cả con cháu tôi bênh vực mình, khi tôi bị tấn công.
Ai vì ngộ nhận mà sai bậy với tôi, tôi giải minh một lần rồi thôi; nói là nói cho, nói giúp họ. Nếu sai bậy kia tác hại hay ảnh hưởng đến bên thứ ba [cộng đồng, hay cá nhân ảnh hưởng đến cộng đồng…], tôi nói tới bến.
Tôi là LUẬN SƯ, từ Ma Hời Xứ về đất Cham nói lên huyền nghĩa của Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ cho Cham hiều. Rồi đi. Vĩnh viễn.
Phụ lục
[1] ÔNG PHOK
Ông không làm gì cả, đi loanh
quanh. Ông không đi đến đâu cả,
đi rồi về. Ông không làm gì
cả, ông suy nghĩ – không nghĩ ra
cái gì cả. Con cháu nói thứ
ăn hại, ông cười buồn. Lối xóm
bảo đồ lười biếng, ông nín lặng.
Không lo đói, lo rét gì cả –
giữa đời làng bề bộn. Ngồi trên
tảng đá, ông không nhìn gì cả,
trừng trừng. Ông lẩm bẩm câu thần
chú không ai hiểu gì cả, ông
cười không kẻ biết cười gì cả.
Ông đứng dậy bước về phía góc
khuất xương rồng, và vén váy ngồi
đái. Ông về, làng như thể của
ông không là của ông. Ông vào,
nhà của ông hết là của ông.
Một sáng thức dậy, ông bỏ đời
đi mất xương cốt.
[2] HÀM BỘ – GIẤC MƠ TRIỂN HẠN
Giấc mơ bị giam cầm từ rất sớm
dẫu bé con
Đã chết những dấu chân
dấu chân vẫn con đường mòn ấy
từ làng lên đồi và ngược trở về
làm quen thuộc hơi gió
Đã chết cơn mưa đầu đời
chết
câu thơ chưa kịp khai sinh
những khoanh rừng
Với ngọn gió, ngọn đồi quen thuộc
với khoảng rỗng trần gian nơi ý tưởng chưa đầy tràn
anh ở lại
với hơi thở và hơi thơ câm nín
với giấc mơ triển hạn và
cuộc sống mãi mãi làm triển hạn
Khi hơi thở cuối cùng đã hết hạn chờ đợi
anh đi
Ở lại
dấu chân bị xóa
tên sông đã chết
lang thang những câu thơ trì hoãn.
[3] CHUYỆN ANH T’MAUNG
Có một người
nông dân quá nông dân
mút mùa cày thuê từ
đồng này sang khác đến
thuộc lòng từng tên con trâu
quen thân từng khóm cỏ bụi tre đám bùn đồng Hamu Lanung, Hamu Rok
đồng Hamu Lai Hamu Jawil Hamu Pa-auk Hamu Kai Prauk Hamu Ong Dhan Hamu Mưbiơn Hamu J’Ngwa Hamu Jađaw Hamu Gađak Hamu Li-aung Hamu Kai Kơm Hamu Mưbhauk Hamu Car Canang Hamu Gơm Dei Hamu Mưklung Hamu Pơrya…
Đêm trôi từ quán cà phê này sang khác
quán cà phê nhà quê vô danh không
làm gì không
chuyện với ai
trôi
như thể bóng mờ
Có một người
không tình yêu tình bạn không
gia đình không tổ quốc không hối hả không lo lắng không
như một bóng mờ
trôi
Từ quán cà phê này sang khác mỗi ngày
chọn góc khuất có một người
ngồi viết tên con trâu, dòng sông, cánh đồng
bằng nét chữ rất nét vào cuốn sổ ghi rất đẹp
để làm gì không hiểu
Một người
cuộc sống được đo bằng bước chân theo đường cày và
từ nhà qua quán cà phê từ quán cà phê
này sang khác không gì cả
sống để từ từ già nua
hơn cả bóng mờ
Khi tất cả con sông bị lấp cánh đồng đã chết con trâu lần lượt rời bỏ đời cày
có người suốt ngày ngồi quán cà phê lẩm nhẩm
không gì cả
chỉ những cái tên
Một người
ngày mai đi về phía giàn lửa.
[4] ANH ĐẠM
Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn
đi, cứ đi phiêu giạt đất trần
chân sạn, buồn đầy, hai tay trắng
Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống
Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà.