“Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn… Ở đây, thời gian không là tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì, mười năm không là gì cả. Là nghệ sĩ có nghĩa là nẩy nở như cây lá không hề bức thúc nhựa cây, không sợ hãi mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.”
R.M. Rilke, Phạm Công Thiện dịch.
1. Báo Mang Xoài dù là bạn chí cốt, không phải vì thế mà hai tôi thiếu cạnh tranh. Thi chạy tốc độ xen-ti-mét, là một. Thuở học sinh, tôi thua mỗi Xoài ở khoản này. Hắn có lối xuất phát khủng. Có lần tôi quyết hạ hắn, đến m-70 tôi bắt đầu tấn công, kẹt cái đường line không vạch vôi, hắn chạy ngáng lối tôi vượt lên. Cuối cùng, chịu.
– Mi ăn gian, – tôi nói.
– Không làm thế, thua mầy sao, – hắn trả lời, nhe răng ra cười.
Hắn phải thắng ở 100m, còn lại là phần tôi. Thế hệ ấy, 200m trở lên, tôi luôn dẫn đầu, dẫn đầu tận Lớp 12 Nguyễn Trãi toàn Việt. Ở ma-ra-tông, mặc ai dấn trước, còn 1/3 đường là tôi vọt lên, cán đích. Lối tư duy mang tố chất của một… nghệ sĩ.
Thuở Pô-Klong, mới Đệ Lục mà bạn đồng môn tôi thơ nổi như cồn, còn in tập nữa. Cánh nữ sinh cứ mà lác mắt, mấy bạn nam thèm nhỏ dãi. Tôi đọc, cười thầm, hãy đợi đấy. Để rồi ngày qua đi qua đi, đúng tuổi tứ thập, tôi in thi phẩm đầu tay.
Thời hiện đại, các bạn trẻ Cham mới tập tò nghiên cứu đã nổ inh, tôi ngược lại – trì trì làm việc từ 15, để tuổi đứng bóng mặt trời mới cho ra công trình đầu tiên. Cả hai đều oách.
Nghệ sĩ thứ thiệt là thế.
2. Ở Sài Gòn, ông anh – do ngộ nhận một chi tiết đời thường, viết thư la tôi khá tệ. Lại cho đứa con mang tới tận tay tôi ở văn phòng Đại học. Liếc qua, tôi nói: Cháu đưa lại ba đi. Hai năm sau gặp mặt, tôi giải thích, anh kêu lên:
– Sao khi ấy Sara không nói luôn đi?
– Nói, thành tự biện minh sao, – tôi cười.
Thôi việc ở Đại học, bạn học cũ lớn tuổi ở quê nhà không biết đọc ở đâu, viết thư tố tôi lên trung ương, rằng nhà văn Inrasara bán Mỹ Sơn cho Yuôn. Thêm 3 chữ kí của “trí thức” nữa! Ba năm sau gặp anh, tôi nói rõ ngọn ngành, anh la:
– Mầy điên rồi, sao không thư cho tao ngay đi… từ nay tao chỉ tin mỗi mầy (!).
Biết chờ đợi, đó là loài nghệ sĩ chân tính.
3. Sau Tagalau-7, tôi thông tin đến các nơi tìm người kế vị chủ biên. Rồi năm tàn Katê tận sang Tagalau-13, vẫn chưa thấy ai xung phong. Thời gian ấy tin đồn râm ran “ông Sara tham quyền cố vị bám ghế chủ biên (!)”, nghe mà buồn… cười.
Mươi năm sau, bà con mới hiểu Inrasara đã nghệ sĩ lớn như thế nào: khiêm nhẫn chờ đợi!
Hồi biên soạn Từ điển ở Đại học, tôi bị hầu hết “trí thức” Cham cô lập, thêm món nói xấu sau lưng. Cũng ớn chớ, bởi khi ấy tôi vô danh tiểu tốt! Nhưng tôi cứ lừ đừ như ông từ vào đền, “chờ đợi một cách tín thành trong tất cả trận gió lớn của mùa Đông”. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Và nó đã đến thật. Tràn ánh sáng!
Tôi gọi đó là một nghệ sĩ chính hiệu.