Trích thư cho con trai: “Con chưa đủ kiêu hãnh, để bỏ lại sau lưng ý kiến của ai khác về mình, dứt bỏ những vụn vặt bé nhỏ, yêu ghét bé nhỏ, hâm mộ bé nhỏ. Nói tóm, con chưa đủ kiêu hãnh bước ra khỏi cái ao làng”.
Nietzsche: “Bọn chúng nhiều vô số kể, và vận mệnh của mi không phải là làm kẻ đuổi rồi”. Còn nếu con muốn đuổi rồi, hãy làm một kẻ đuổi ruồi vui vẻ, như cha!”
*
Hiếm có dân tộc nào quý chữ, điên chữ và cuồng chữ như Cham – tôi từng viết thế mươi năm trước. Bên cạnh món ‘Akhar thrah’ đã sản sanh “Chiến trường ‘Akhar thrah’” đẫm mồ hôi, ‘Xakawi’ là thứ Cham cãi nhau hăng nhất. Cãi kéo dài xuyên thế kỉ, đến nay vẫn chưa có hồi còi kết thúc trận.
Tại sao? – Đơn giản, bởi ta vẫn còn ngồi góc ao nhà. Thấy mỗi mình, và chỉ nhìn thấy mỗi mình với nhau.
Tôi may mắn được Bà Trời mở mắt hiểu sớm, đã quyết tâm “dốt Xakawi”. Riêng ‘Akhar thrah’, do việc làm của tôi [thơ, nghiên cứu, chủ biên Tagalau…] có liên can phải dùng đến, cũng đã ít nhiều dính đạn.
Giỏi ‘Akhar thrah’, tốt. Tìm hiểu văn hóa dân tộc, để biết ông bà đã để lại di sản quý giá thế nào, càng tốt. Nhưng lẽ nào ta cứ mãi ưỡn ngực về thành tích quá khứ?
Khi nói tự hào là Cham, tức ta đang đang mặc cảm về Cham. Mặc cảm tự ti rằng ta thiểu số, ta thế yếu. Mặc cảm tự tôn, ta từng sở hữu một vương quốc hùng mạnh, từng dựng nên một nền văn minh xán lạn.
“Không có ai
tim dễ tổn thương hơn trái tim chúng ta
phía mất mát” (Lễ Tẩy trần tháng Tư)
Mặc cảm, ta mang tâm lí co cụm về thế thủ, không thể mở, càng không dám công phá. Mặc cảm, ta để cho cảm xúc nông cạn cuốn lôi vào hành vi hay ngôn từ thiếu chín chắn. Mặc cảm với ngoài, và quay trở lại mặc cảm ta với nhau.
‘Ia bblung dung gaup’: Đuối nước níu nhau chết chùm. Làm gì?
Chế Lan Viên:
Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.
Đâu là giấc mơ con của Cham hôm qua, và cả hôm nay?
‘Akhar thrah’ ta giỏi hơn thằng bên cạnh. Ta tính ‘Xakawi’ nhanh và chuẩn hơn cậu hàng xóm. Thơ ta phải hay thuộc hàng đầu làng xã này. Facebook ta nhận được nhiều ‘like’, ‘love’ hơn cô láng giềng đáng ghét kia. Tiếng kêu của ếch ta vang lớn hơn tiếng ếch của cái ao nhà nó. Ta tranh hơn thua nhau từng câu, chữ. Ở quán cà-phê, bên bàn nhậu, cả trên không gian ảo.
Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nhân loại.
Đến trưa 16-8, cả thế giới nhiễm 21,700 triệu, mất 0,770 triệu. Ở Việt Nam là 992/ 24. Thuyền to đang phải chịu đựng sóng cả. Sóng đi qua, ta mới nhận ra vô số thuyền nhỏ bị rách nát.
Cham thuộc cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương hơn cả. Dù hiện tại, ta dường chưa thấy có gì lạ xảy ra. Dẫu sao, nhà văn thấy trước, sợ trước, và lo trước.
Covid-19 tặng cho ta cơ hội có thời gian trầm tư sâu hơn về sinh phận ta, sinh mệnh Cham. Phóng tầm mắt nhìn ra ngoài xa, và cúi xuống ngó mặt đất ta đang đứng. “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”.
CHÚNG TA ĐANG TÀN PHÁ SINH LỰC CỦA CHÚNG TA – HẰNG NGÀY!
Là châm ngôn tôi viết lên tường trước bàn đọc thuở 20.
Tuổi 30 vào đời, cũng câu ấy, tôi viết ngay trang đầu bản thảo cuốn Con Đường Thành Công. Để cảnh giác và cảnh tỉnh mình. Không cho phép GIẤC MƠ LỚN của mình bị xé lẻ hay chìm vào vũng lầy của trò đời nhỏ bé, vụn vặt, những cuộc vui suốt sáng thâu đêm.
Làm gì? – Nhảy ra khỏi cái ao!
Tôi đã, còn bạn – tại sao không?