Shiyatna: Bước đường Đại học

* Đã đăng Tagalau 11.
Ghi chép

Bước xuống xe ôm, cô tân sinh viên sững sờ nhìn cổng trường Đại học mở ra trước mắt. Cầm giấy báo nhập học trong tay, cô ngơ ngác nhìn quanh. Những người bạn đồng lứa tuổi, cũng như cô, được cha mẹ dẫn vào trường làm thủ tục nhập học. Sân trường đông nghẹt. Họ đến với nhiều miền quê khác nhau, nói bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trời Đà Lạt có mây, se se lạnh. Thấy tôi ngơ ngác, một anh có nước da ngâm, tóc hơi xoăn, mắt to đen, người tầm thước tiến về phía tôi bằng nụ cười trên môi:
– Em nhập học hả?
– Vâng, – Tôi trả lời.
– Quê em ở đâu? – Anh tiếp.
– Phan Rang, – Tôi trả lời cộc lốc vì không muốn nói thêm.
“Ui dào!”- Anh kêu lên. Tôi hỏi “Có gì mà ui dào thế nhỉ?”. Anh bảo “Mình đồng hương mà.”. Câu chuyện có vẻ thân mật hơn. Anh hỏi tôi có phải là người dân tộc không? Tôi bảo phải, em là dân tộc Chăm. “Thì anh cũng Chăm nè”, giọng anh lộ rõ sự xúc động. “Jaly, palei Rơm”, anh thêm, nói bằng tiếng mẹ đẻ.
Chờ làm thủ tục nhập học, tôi và anh cứ thế trò chuyện. Anh hỏi em dự định ở kí túc hay phòng trọ? Tôi nói phòng trọ thích hơn. Anh bảo chắc em chưa tìm được phòng trọ đâu. Một lát, anh giới thiệu em với người bạn gái nhé, cô ta cần người ở ghép, cũng là đồng hương với mình đấy. Trưa, tôi theo anh đi hướng nhà trọ.
Khu trọ của sinh viên chật chội. Anh giới thiệu tôi với hai người bạn gái là Ai Vy và Ai Vân. Anh giới thiệu: “Làm quen nhé! Đây là Luân, tân sinh viên khoa Ngữ văn, đồng hương đó.”. “Ồ, chào em, em ở phòng chị nhé” – Vy niềm nở.
Lần đầu xa quê, may mắn gặp được người đồng hương, cũng là Chăm như mình, tôi mừng lắm. Tôi đồng ý ở lại. Họ giúp tôi thu xếp đồ đạc. Tối hôm đó hai chị tâm sự với tôi rất nhiều, hỏi tôi điều này điều nọ. Họ còn chỉ cho tôi cách học, cách làm bài, cách thi cử của trường Đại học Đà Lạt nữa. Mới gặp đây mà ngỡ như chúng tôi thân nhau từ lâu lắm. Vài tuần sau, tôi dường như đã quen dần với sinh hoạt ở nhà cũng như ở trường. Cuộc sống sinh viên tự thân vận động, hình thành thói quen độc lập cho con người. Tôi đã quen với nhiều sinh viên trên trường, trên lớp. Còn hay hơn thế, Jaly, Ai Vy, Ai Vân đã giới thiệu nhiều sinh viên Chăm cho tôi biết mặt. Anh Chiến thôn Pabblap, cựu sinh viên nghành xây dựng của trường Tại chức Lâm Đồng. Dì anh có một nhà hàng rất oách ở góc phố…. Anh vừa học vừa phải phụ dì kinh doanh. Anh Chính, sinh viên năm thứ ba ngành Du lịch và nhiều người khác nữa.
Một buổi sáng, trời trong xanh. Lúc tôi thức dậy cả căn phòng không có một ai. Vắng ngắt. Tôi tưởng rằng họ đi học. Rửa mặt xong, tôi thấy anh Chiến xuất hiện đột ngột. Tôi hỏi: “Anh qua chơi hay có việc gì không?”. Anh đưa cho tôi một bịch trái cây nào là ổi, mận, táo, xoài, cốc… rồi nhờ tôi rửa giùm. Tôi hỏi “Có việc gì mà nghiêm trọng vậy anh.”. Anh không trả lời. Rửa xong, anh bảo em thay đồ đi, anh dẫn đến nơi này hay lắm.
Đà Lạt có một cái đồi, dốc không cao lắm. Ở đó có hàng thông cao vút, cây cỏ xum xuê tươi mát. Có cái vũng đọng nước nho nhỏ, vì là hôm qua mưa to nên nước tràn bờ. Tôi hỏi hồ gì vậy anh?. Anh nói: “Hồ nước mưa đọng lại đó, đồi này người ta gọi là đồi Thông tin”. Lên đến hết đồi, tôi thấy có một nhóm người ngồi thành vòng tròn. Giữa vòng tròn ấy là Jaly đang đánh đàn và Ai Vân đang hát bản “Tình ca giếng nước cây bàng”. Bài hát vừa chấm dứt, mọi người vỗ tay hoan nghênh. Anh Chiến và tôi xuống xe, đi đến. Anh chào Salam mọi người. Tất cả đáp lại Salam anh và bạn. Vòng tròn tách ra để lại hai chỗ cho tôi và anh nhập cuộc.
Mọi người có mặt tương đối đầy đủ, anh Chính tuyên bố lý do: “Tôi họp mặt mọi người đến là có vài điều cần trao đổi”. Không khí im lặng đột ngột, như thể đang chuẩn bị vào cuộc họp. Anh Chiến nói:
– Năm năm nay, tôi ở Đà Lạt, đã quen biết nhiều sinh viên Chăm học nhiều trường khác nhau. Tôi rất muốn chia sẻ với mọi người về nguyện vọng của mình cũng như của tất cả sinh viên chúng ta. Tôi muốn lập một nhóm đồng hương Chăm. Theo tôi được biết thì ở Sài Gòn, hoạt động của họ rất sôi nổi và tích cực. Mỗi tháng họ gặp nhau một lần tại công viên Tao đàn, ngoài việc gặp gỡ ăn chơi thì họ còn trao đổi kinh nghiệm học tập từ nhau nữa. Tôi nhận thấy đó là một sân chơi rất bổ ích. Sinh viên Đà Lạt số lượng dù ít hơn nhiều nhưng vẫn khá đông, tại sao ta không họp nhóm đồng hương nhỉ?
Im lặng giây lâu, anh thêm:
– Chúng ta chỉ có khả năng làm một nhóm “đồng hương” chứ chúng ta chưa đủ sức làm nên hội đồng hương. Để trở thành một hội thì sẽ là một việc rất khó, chúng ta còn non kém lắm.
Không khí vẫn trầm lắng. Dường như việc lập nhóm đồng hương ai nấy cũng thích. Thích nhưng vẫn ngần ngại. Anh Jaly giơ tay lên và đứng dậy:
– Tôi là sinh viên ở đây cũng lâu lắm rồi, nghe các bạn của tôi trong Sài Gòn cứ khoe về tổ chức của họ, về những việc làm bổ ích của mọi người và của chính bản thân. Hôm nay không vì lí do gì mà chúng ta không đồng ý với anh Chiến.
– Các bạn đồng ý hết chứ? – Giọng anh Chiến.
Một bạn nữ mà tôi chưa kịp biết tên lên tiếng hỏi: “Anh ơi,em rất thiết tha với việc lập nhóm đồng hương. Em chưa hiểu lắm về việc lập nhóm thì chúng ta sẽ làm gì ạ?”.
– Tôi sẽ trình bày ngay đây. Trước hết chúng ta, mỗi người tự giới thiệu về mình đã. Bắt đầu là từ tôi trước rồi cứ thế lần lượt nhé. Anh Chiến gợi ý.
Vậy là lần lượt mỗi người tự giới thiệu về mình, rất hào hứng. Đại đa số bạn Chăm có nhược điểm là nhút nhát khi nói về bản thân. Dĩ nhiên số ít rất tự tin, có người còn giới thiệu về mình như là chương trình quảng cáo sản phẩm mới hảo hạng, làm cho mọi người cười ngất. Qua phần tự giới thiệu này, tôi mới biết sinh viên Chăm tại Đà Lạt học nhiều trường, Trường Trung cấp Y có, Trường Đại học Yersin, Trường Cao đẳng sư phạm Lâm Đồng… có; đến từ nhiều khu trọ khác nhau, kí túc xá hay nhà trọ.
Anh Chiến tiếp tục:
– Các bạn đã làm quen với nhau rồi, ta tiếp tục nhé. Để nhóm đồng hương đi vào hoạt động tốt thì phải có trưởng nhóm, phó nhóm và thư kí tổ chức nhóm. Không cần nói cũng biết người lãnh đạo nhóm phải như thế nào, nhưng tôi cũng cần phải nói. Trưởng nhóm phải là người nhanh nhẹn, nghiêm túc, có khả năng lãnh đạo. Quan trọng hơn cả là về uy tín. Hoạt động đồng hương không có gì to tát, nhưng đã là một nhóm thì cần phải nghiêm túc thì hơn. Các bạn đưa ra ý kiến, ta nên chọn ai?.
Mọi người im lặng, ngó nhau. Thế rồi qua bàn bạc trao đổi chúng tôi thống nhất trăm phần trăm bầu anh Chiến làm trưởng, Jaly làm phó và chị Mười – đại diện mẫu hệ Chăm mà – làm thư kí ghi chép và giữ quỹ. Riêng quỹ sinh viên mà, thu từ tiền nhịn quà vặt hay cà phê, là đủ chi.
Chương trình hoạt động cũng được anh Chiến bàn qua vắn tắt.
Giao lưu với nhóm bạn Đồng hương Chăm ở Sài Gòn, Nhóm Tây Nguyên, các trường Cao đẳng hay Đại học trong tỉnh Lâm Đồng… thường có tổ chức giao lưu văn nghệ, tổ chức thi bóng đá, thể dục thể thao. Chăm thì miễn nói rồi. Ca múa hát thì hết biết. Tại đây thôi đã có Thu Vân – giải nhì tiếng hát toàn Khoa Sư phạm, rồi Vy giọng hát vàng của thôn, Jaly thì là cây guitarist. Múa ư? – Nữ Chăm mà không biết múa thì đâu còn là người Chăm. Năm ngoái, mặc dù nhóm chưa đi vào hoạt động, nhưng sinh viên Chăm cũng đã từng đoạt giải nhì khi tham gia múa giao lưu với trường Đại học Đà Lạt đó. Hội thể dục thể thao đến khi nào có tổ chức chúng ta cứ đăng kí tham gia. Nhóm có nhiều năng khiếu vậy mà không phát huy ưu điểm thì thật là tiếc.
Chăm nghèo, nhưng tinh thần học tập thì cao. Nhóm cần khuyến khích tinh thần học tập của những bạn học giỏi, xuất sắc trong học tập. Kinh phí không nhiều, khích lệ mỗi bạn là hai trăm nghìn một tháng mỗi người được chứ sao? Cũng bằng một phần năm sinh viên Sài Gòn thôi.
Im lặng, anh Chiến nhìn quanh: Nữa, con người có ai thóat khỏi bệnh tật. Đà Lạt mưa nắng thất thường, các bạn vì việc học tập, thi cử hay thức khuya dậy sớm, khó tránh khỏi. Tai nạn giao thông thì chúng ta không kiểm soát được. Những bạn bệnh nhẹ thì không nói làm gì, những bạn bệnh nặng ta nên đóng góp kinh phí thăm nuôi. Việc nữa, tiền hàng tháng gia đình gửi lên chắc chắn là chưa được một tháng thì có người sẽ tiêu hết, gia đình không gửi lên kịp thì cứ báo cho thư kí, thư kí sẽ cho mượn với mức có thể cho.
Tất cả những điều ấy các bạn cho biết là đồn ý hay nên bác bỏ việc nào?, anh Chiến kết luận bằng câu hỏi.
Quả là một người có đầy kinh nghiệm, tôi nghĩ. Chuyện lập nhóm xem như đã ổn định. Hơn bốn mươi thành viên lần lượt chuyền tay nhau chép vào sổ tên, số điện thoại, địa chỉ liên lạc, địa chỉ palei… và đưa cho chị Mười.
– Xong chưa các bạn? – Anh Chiến hỏi to – Vậy thì chương trình ăn uống và văn nghệ nhé!
Mọi người chỉ chờ có thế thôi. Tiếng hát giải nhì của Khoa Sư phạm Trường Đại học Đà Lạt đã ngứa cổ rồi kìa! Rồi thì Jaly, rồi các bạn nữ… Chỉ tội nghiệp cho bờ cỏ Đồi Thông tin nát bấy sau những cuộc quậy phá tưng bừng.
Cuộc gặp mặt lần đầu tiên trong đời sinh viên gây cho tôi xúc động kì lạ. Hóa ra sinh viên Chăm có nhiều hoạt động vui chơi bổ ích như thế mà lâu nay tôi có hay gì đâu. Rồi, trên tinh thần ấy, Nhóm đi vào hoạt động. Tây Nguyên chỉ có hai mùa mưa và nắng. Trời nắng thì dễ dàng cho nhóm đông người hoạt động ngoài trời, khó khăn nhất vẫn là mùa mưa. Nhiều lần chúng tôi phải hoãn lại cuộc gặp mặt. Nhưng khi gặp lại, bao giờ cũng ấm tình quê hương và đầy tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Đáng buồn là, mỗi năm số lượng sinh viên càng ngày càng đông, nhưng hầu hết là chúng tôi chỉ tụ họp được đồng hương ở Ninh Thuận, còn người Chăm ở Bình Thuận chúng tôi có rủ nhưng không hiểu sao các bạn từ chối nhập cuộc.
Thời gian trôi nhanh, rồi thì anh trưởng nhóm tốt nghiệp, lần lượt phó nhóm cũng rời khỏi trường. Dù trước khi chia tay, anh Chiến và Jaly có bàn giao công việc cho những người ở lại, nhưng không ai có đủ khả năng để đưa nhóm đi vào hoạt động nữa. Và buồn thay – Nhóm đồng hương Chăm tại Đà Lạt tan rã. Thỉnh thoảng, bọn sinh viên có gặp mặt, nhưng chỉ là ôn lại cái đã cũ mà thôi.
Hôm nay, mới thóang đó tôi đã là sinh viên năm thứ ba. Mỗi năm tôi cứ âm thầm giúp đỡ tân sinh viên Chăm nhập trường, tìm phòng trọ cho họ trong chiến dịch sinh viên tình nguyện. Bày lại cách học, cách làm bài như lần trước tôi được những người trước đã chỉ tôi. Đôi khi, anh Chiến, anh Jaly, anh Chính có gọi điện hỏi thăm tình hình sinh viên Đà lạt đã đi đến đâu, tôi buồn mà lắc đầu” – Chán lắm anh ơi!
Kì hè năm thứ ba, website Gilaipraung.com của hội đồng hương Sài Gòn thông báo tổ chức cắm trại, dành cho tất cả những sinh viên Chăm có mặt trên tất cả các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước. Đây là chương trình giao lưu mà nhóm tôi đã đề ra nhưng chưa được thực hiện. Sinh viên năm nhất mừng lắm khi nghe tin. Có bạn gặp tôi, nói:
– Chị là cựu sinh viên, quen biết rất nhiều người ở đây, chị thử tham khảo ý kiến mọi người xem sao. Sinh viên Đà Lạt lâu nay xuống dốc quá. Giờ là lúc ta nên tham gia nhóm cho vui, đi chị?
Thấy mọi người hào hứng, tôi không đành lòng nên đi hỏi từng người một. Thế là danh sách thành viên mới lên đến trên bốn chục người tham gia. Hội trại đồng hương sinh viên Chăm Đà Lạt lần đầu tiên được tham dự chương trình giao lưu cùng đồng hương bạn. Ai cũng thích thú mà đón đợi ngày họp mặt. Hoàng Vân làm trưởng trại cho nhóm tôi, bạn học ngành Xây dựng nên thiết kế một cổng trại rất đẹp.
Ban tổ chức hội đồng hương thông báo cổng trại phải được ghi bằng tiếng Chăm. Tôi, sinh viên khoa Văn và lại là thư kí, mang trọng trách đặt tên cho cổng trại. Bởi lẽ từ nhỏ đến giờ tôi không được học tiếng Chăm nên không biết gì về nó, tôi họp nhóm để hỏi ý kiến.
– Trong nhóm chúng ta, ai biết viết chữ mẹ đẻ nhỉ?
Không ai biết cả. Mọi người rất ngạc nhiên. Hồi nhỏ có học qua, bỏ lâu rồi không dùng tới nên quên, là câu cửa miệng của nhiều người. Sinh viên nói chuyện hàng ngày với nhau bằng tiếng mẹ đẻ “độn” tiếng phổ thông tới hơn một nửa, nói chi đến chữ viết. Hơi thở tiếng Chăm dường như đã mất trong mỗi chúng tôi, tôi hiểu vậy và thẫn thờ. Tôi mang tâm sự nói với một anh bạn cựu sinh viên. Anh hỏi tôi có biết gì về Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai không?”. Tôi lắc đầu nhận lỗi. Rồi cả hai không nói được gì, nhưng từ sâu thẳm tâm hồn là nỗi buồn về tiếng mẹ đẻ đã mai một trong chúng tôi.
Tôi tự nhận thấy hoạt động sinh viên Chăm Đà Lạt giờ đã thất bại, thất bại ngay chính cái cốt lõi nhất mà trong nhóm đồng hương chưa ai nhìn ra. Cuộc cắm trại diễn ra và kết thúc nhanh chóng.
Một mùa Hè rồi cũng qua đi, quê hương lại vắng mặt chúng tôi. Cứ tưởng sau cuộc cắm trại thì chúng tôi đã trở thành một nhóm rồi. Thế nhưng, không ai muốn tổ chức lại nhóm đồng hương nữa. Mọi người cứ mạnh ai nấy lo việc học hành thi cử của họ. Sinh viên Chăm có nhiều người đạt được học bổng, giờ chỉ còn nhà trường khuyến khích tinh thần học tập của họ mà thôi. Sẽ lấy đâu ra người có đủ khả năng vực dậy lại nhóm để đưa sinh viên Chăm Đà Lạt lên thành một phong trào như cũ?
Có một lần, tôi đi học tin học A ở Trung tâm do nhà trường tổ chức cho những người dân tộc thiểu số. Thầy giáo, có lẽ thấy sinh viên là những người dân tộc thiểu số nhưng ai nấy đều có nước da láng mịn, mới hỏi:
– Trong đây có ai là dân tộc Kinh không?
Không có ai trả lời. “Thế thì các em là dân tộc gì?” – Thầy tiếp. Cả lớp nhao nhao:
– Có nhiều dân tộc thầy ạ. Mường, Thái, Tày…
Thầy ngạc nhiên, chỉ vào bạn gái có nước da sáng nhất, hỏi:
– Em dân tộc nào?
Cô sinh viên trả lời: “Thưa thầy, Chăm ạ”.
– Bên em là theo chế độ mẫu hệ phải không? – Thầy hỏi.
Bạn trả lời rằng vâng.
– Vậy giả sử như thầy muốn cưới người bên em, mà rước về có được không em?
Cô sinh viên trả lời rất vô tư, không chút chần chừ:
– Bây giờ Chăm và Việt rất bình đẳng thầy ạ. Với lại Chăm đã bị mất gốc hết rồi. Chăm đã bị Việt hóa, bản sắc dân tộc đã không còn. Bây giờ thì tụi em theo ai cũng được, tục lệ đã không còn khó khăn như ngày xưa nữa.
Tôi nghe, chỉ biết cúi đầu im lặng. Hàng ngàn câu hỏi dậy lên trong tôi: Bản sắc dân tộc Chăm đã mất thật sao? Truyền thống lễ hội Katê, Ramưwan rồi sẽ còn không, nếu như thế hệ trẻ Chăm ai cũng suy nghĩ như bạn này? Bạn nghĩ gì về văn hóa dân tộc , khi phát biểu ngây ngô như thế?…
Bao nhiêu câu hỏi bám theo tôi suốt con đường từ lớp học về nhà trọ. Chúng ám ảnh tôi mãi đến hôm nay chưa bao giờ muốn dứt…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *