Châm ngôn hậu hiện đại: Think globally, act locally “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”.
“Hành trình Cham” non hai tháng qua, chúng ta đã biết được tình trạng: “Thế giới chưa hiểu Cham”, “Việt chưa hiểu Cham”, và ta cũng đã thấy do Cham chưa làm gì được nhiều cho người ngoài hiểu Cham, tệ hơn: Cham còn chưa hiểu mình!
Hiểu Cham, để giới thiệu mình đến với các dân tộc trên đất nước Việt Nam và thế giới – cần, cần hơn nữa: mở mắt nhìn ra thế giới rộng lớn ngoài kia.
Ta, dân tộc bản địa-thiểu số đang sống ở vùng quê nghèo trên đất nước nghèo trong một thế giới hiện đại đầy bấp bênh.
Hôm nay trái đất đang có biến động lớn: Đại dịch Covid-19.
Xưa, theo nhìn nhận của sử gia kiêm triết gia Y.N. Harari, ba thứ ám ảnh con người là: Nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh. Nay, dù nhân loại đã bỏ lại nạn đói sau lưng, còn chiến tranh và dịch bệnh, nhưng hai thứ lại dịch biến theo chiều hướng, cấp độ khác lạ, bất trắc khôn lường.
Nước Mỹ hùng cường thoáng chốc trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ, qua vụ Tòa Tháp Đôi. Nhật Bản giàu có, sáng mở mắt thấy mình bất lực trước thảm họa do mình tạo ra: Fukushima. Hôm nay, nhân loại văn minh kiêu hãnh tột độ bị con virus vô hình [nhân tạo] đang làm cho khốn đốn.
Mỗi biến động lớn của lịch sử đòi hỏi đánh giá mới, phương cách đối phó mới, và định hướng mới. Cham thuộc diện cộng đồng yếu thế, bất trắc hơn bao giờ. Làm gì?
Ở tiểu luận “Thông điệp cho Cham: Hôm qua, hôm nay & ngày mai” đăng Inrasara.com, ngày 2-6-2016, tôi phân kì lịch sử Cham từ mất nước làm 4 giai đoạn lớn, với thông điệp và biện pháp xử lí đặc thù:
[1] Sau 1834, từ câu hỏi của Glang Anak. THOÁT NẠN
[2] Sau 75, “Làng Chăm ơn Bác” của Amư Nhân. TỒN TẠI
[3] Vào thế kỉ XXI, đặc san Tagalau. NHẬP CUỘC VỀ HƯỚNG MỞ
[4] Từ kỉ niệm ngày mất Po Dharma: 2020. THÔNG ĐIỆP CHO NĂM 3000
Đây là lịch sử được phân đoạn qua quan sát và suy tư dài lâu về sinh phận dân tộc. Hôm nay, trước đại biến động của thế giới, Cham cần…
Nhìn lại mình, tự đánh giá cách trung thực nhất: Ta là ai, ở đâu, và ta biết gì? Từ đó dựng hàng rào hành động và định hướng đi, mà tôi tạm đặt tên: “Hành trình Cham”. Ở đó, câu hỏi ai là “lãnh tụ tinh thần” hãy tạm cho vào ngoặc.
Ta là ai, ở đâu, và ta biết gì?
Câu hỏi “Ta là ai?” được đặt ra 15 năm trước trên website trẻ Cham ở Hoa Kì: Chamyouth.com, và ngay đầu “Hành trình Cham” này, tôi lặp lại – là câu hỏi trọng yếu. Không biết ta là ai, ta thành kiêu hãnh hão, tự hào hổng chân.
Cham là nhất: Tháp gạch cao nhất, chữ viết bản địa xuất hiện sớm nhất, hải sử và văn hóa biển dài lâu nhất Đông Nam Á. Vân vân nhất ấy đã thuộc quá khứ. Hôm nay ta có gì?
Thuở còn ở quê, ông chú TSS thầy cao đạo đáng kính, đã khuyên tôi một câu rất chân tình: Trạm học ‘Xakawi’ đi, cả một thế giới đấy. ‘Xakawi’, lịch thôi mà. Lại là loại lịch dùng cho lễ nghi phong tục một địa phương nhỏ, còn trật lên trật xuống, có gì là “thế giới” ở đó.
Lối nghĩ của thế hệ lớn tuổi sau giai đoạn “sống sót”, còn có thể chấp nhận được. Chớ hôm nay, vụ “đạo văn” vừa qua, NNQ viết một câu ngon ơ: “Cei Sara ganh tị cháu bởi FB cháu được nhiều người quan tâm, like”.
Mèng! Đích thị ảo tưởng của thứ ếch con góc ao làng ở thời đại facebook: Ai cũng đòi ngoi đầu lên trong ao làng của mình. Cấu xé nhau, rồi chết dưới ao đó.
Làm gì?
Dừng lại, ‘patom hatai’ tĩnh tâm, khiêm tốn và thành thực nhìn vào thẳm sâu chân tướng mình.