TÔI LÀ MỘT THẰNG KHIÊM TỐN

[Tôi muốn mọi Cham quên hết bài viết trước của tôi đi, đọc mỗi tút này thôi, 3 lần chứ không phải 1, để giải trí]

VIỆT:

Mỗi bận giặc phương Bắc xâm lược, ông cha ta rút về nơi an toàn chờ thời. Đợi khi lương túc binh hùng, thì đuổi chúng đi. Sau đó ta sai sứ sang cầu hòa.

Đảng ta hôm nay hơi khác…

THIỀN:

Mỗ tôi khi chưa tu Thiền, thấy sông chỉ là sông, núi chỉ là núi;

khi tu Thiền, thấy sông không phải là sông, núi hết còn là núi;

khi đã ngộ Thiền, thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi.

SARA:

Kêu “Tôi là một con người khiêm tốn” thì hết khiêm tốn trơn trọi rồi còn gì. Thế nên, thay “tôi” bằng “thằng”, là chuẩn.

Tôi mang tiếng với đời là “khoe khoang”, “cao ngạo” – đưa ra cái tít như thế dễ bị cho là câu view. Có thế đâu, mà tôi khiêm tốn thật chớ chẳng chơi.

1. Khởi đầu đi tìm học chưa “định tính”, mọi sinh linh khi thế này lúc thế kia, tôi cũng hệt. Mãi qua tuổi hai mươi, khi được sư “đuổi” xuống núi, tôi mới ngộ sự đời: Thấy núi vẫn là núi, và… khiêm tốn.

Nỗi này, ai sống với tôi thì rành.

Dù tôi luôn ở điểm nóng cộng đồng Cham: Kế toán trưở̀ng [điểm] HTX Nông nghiệp thời bao cấp, Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Quán Tạp hóa ngon lành nhất Cham thời đó, vào Đại học soạn Từ điển, rồi ra bộ Văn học Cham

Đứng đầu sóng ngọn gió, và dù luôn số Một, tôi vẫn cứ khiêm tốn, mới lạ.

Ở Trung tâm VN-ĐNÁ, FB Đặng Thái Minh nhìn thấy tôi mỗi ngày đến và đi như loài ma Hời vô danh giữa chốn Đại học.

In bộ Văn học Cham, ở lời giới thiệu tập 2, Chu Xuân Diên “đánh giá cao công trình khiêm tốn này của tác giả”; còn Nguyễn Tấn Đắc ở tập 1:

“Tôi tin rằng Văn học Chăm sẽ được đón nhận như một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Chăm, trong các tộc người trên đất nước Việt Nam, mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới”.

Vậy mà tôi vẫn cứ… khiêm tốn. [Ai thấy tôi nổ ở đâu, là… giàu to]

2. Thêm vài tang chứng…

– Ở Hội nghị Góp ý Từ điển tại Phan Rang 1994, sau khi giành chiến thắng oanh liệt, ở lời cảm ơn, tôi đổ hết công lao cho Trung tâm VN-ĐNÁ và Bùi Khánh Thế. Đến đỗi sau đó, thầy Tỷ trách: Có cần như vậy đâu, Trạm dám nhận thành quả của mình chứ.

Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống, thừa thắng xông lên, hết Đạt Chữ, Trương Thanh Giảng, Lâm Xuân Vy đến Trà Vigia đánh phá tơi bời. Thầy Nguyễn Văn Tỷ còn thách NTT ra “sân trung lập” Cam Ranh đấu nữa!

Cá nhân tôi sau bài “khởi động” dài phân tích phải trái, cuối cùng làm cái “tổng kết”: “Cảm ơn Nguyễn Thành Thống”. Ông thầy kính mến từ Mỹ la “khờ khạo”, còn nhẹ. Đùng hơn: HÈN.

+ Đâu là ranh giới hèn/ hùng?

Vụ 7 sinh linh Cham Pabblap bị giết oan, thầy Tỷ biết, và hứa với lòng cuối đời sẽ viết cho con cháu rút kinh nghiệm, mà sống. Tôi nói: Tại sao không thể BÂY GIỜ? Thế là sau khi truy cứu sự thật, tôi có loạt bài: “Biết, để giải sân hận”. Không là bài học tốt cho cả Cham lẫn Việt sao?

3. Ông bà Cham nói:

Ưn di janưưk tôk siam, ưn di rajaam plôi thro liwiik

Nhịn điều dữ đặng có điều lành, nhường nơi giàn cho dây bí bò lâu.

– Với Việt, ở tư thế sinh linh Cham, tôi nhường tối đa có thể. Là bài học tôi học từ mẹ: ‘Tabiak di thaang thau hôic di Yôn di Lo hai anưưk’: Ra khỏi nhà biết sợ người Việt người Tàu con nhé.

Một trận bóng đá, ghi bàn ở hiệp một, không là gì cả; thậm chí đến phút 89 thắng 1-0 cũng chưa là gì, mà là kết quả cuối cùng khi tiếng còi mãn cuộc. Trận MU thắng ngược BM 2-1 Champions League 1999 ở phút 90+3, là bài học đắc.

Cá nhân Sara, nhẫn & nhịn như vậy có “thắng cả trận” không, chả biết. Dẫu sao cứ nhẫn & nhịn cái đã. Biết đâu Pô Yang sẽ trả cả vốn lẫn lãi, ở kiếp sau.

– Còn với tư cách một nhà văn Việt Nam trong văn giới Việt, tôi khác hoàn toàn. Kẻ biết điều thì còn sapa, chớ đụng tay ngang ngược tôi chơi tới bến. Vụ nhà phê bình NH, g.sư MQL hay tiến sĩ ngoại Đại học Paris7 NVH là điển hình.

– Riêng với anh em Cham, tôi ‘ƯN’. Làm ngọn cỏ cúi rạp mình trước bao vụ nổ. Với tất cả. Duy mỗi Putra Podam, thấy trước ý xấu lớn của anh ta, tôi chơi một cú cho xẹp lép từ trong trứng.

4. Nhà thơ Nông Quốc Chấn viết giới thiệu Tháp Nắng 1996:

“Inrasara luôn đẩy vấn đề đến ranh giới cuối cùng, nhưng không bao giờ ‘vượt biên’…”

Khiêm tốn thế, nhưng tại sao tới đầu thế kỉ XXI [thời điểm Tagalau ra mắt], tôi đổ đốn thành… kiêu ngao? Xin bà con, anh chị em đọc lại: “Nổi tiếng – thế nào, và để làm gì?” đăng Inrasara.com, 12-8-2018.

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

*

P.S.

1. Văn học Dân gian Cham (1995), “Lời nói đầu”:

Nên có thể nói đây là một công trình của cả tập thể, và chúng tôi chỉ là người phụ trách chấp bút. Tuy vậy, bởi tính đặc thù của lịch sử dân tộc Cham nên còn rất nhiều tư liệu quý khác chưa được sưu tập. Hy vọng khi tập sách này ra đời, chúng tôi sẽ nhận được những đóng góp xây dựng từ các bậc thức giả ở mọi miền đất nước để văn học Cham được hiện thể trong một bộ mặt mới phong phú và hoàn chỉnh hơn.

2. Văn học Cham (1994), “Phần dẫn nhập”:

Là một khảo luận mang tính đại cương, nên độc giả cũng không tìm thấy trong sách này những tri thức uyên bác. Mặt khác, thiếu thốn của nguồn tư liệu (người viết không tin rằng mình đang có trong tay tới một nửa sáng tác văn học Cham) cộng thêm các trở ngại của dị bản (có cả mươi dị bản trên mỗi tác phẩm) buộc người viết phải có sự chọn lựa. Và khi có sự chọn lựa thì tất nhiên không thể tránh khỏi chủ quan. Càng chủ quan hơn nữa là thái độ nhận định của người viết chỉ dựa trên nguồn tư liệu thiếu thốn đó.

Có thể coi đây là công trình đầu tiên mang tính khai phá, với hi vọng cống hiến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về một nền văn học quý giá đang có nguy cơ bị thất truyền, trầm một. Đó là một tham vọng táo bạo và vượt quá khả năng, chắc chắn thế. Nên, khi tác phẩm này ra đời, người viết rất mong nhận được những góp ý thiết thực và chân thành nhất của các độc giả nhìn xa thấy rộng, hầu lần tái bản, cuốn Văn học Cham khái luận ngày càng phong phú và bớt sai sót hơn.

Người viết chân thành cảm ơn trước.

3. “Phần kết luận”:

Viết cuốn Văn học Cham khái luận này, chúng tôi không làm khoa học thuần túy, mà…

Qua tập khảo luận, chúng tôi chỉ muốn xét văn học Cham ở từng bộ phận khác nhau, đồng thời xem nó như một thể thống nhất mang tính cơ cấu. Độc giả sẽ tự mình đi tìm ý nghĩa của nó, và qua đó, khám phá ra tâm hồn Cham. Nếu được như thế, người viết cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Còn trong tương lai, nếu có con người tuổi trẻ nào – qua gợi hứng từ tập khảo luận – quan tâm và yêu văn học Cham thực sự, họ sẽ đi sâu hơn vào từng bộ phận của nền văn học này. Khi ấy, có thể văn học Cham sẽ hiển thể với những nét mới, phong phú và đặc sắc hơn, và chắc chắn “khoa học” hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *