[hay: 4+1, “Các nhà nghiên cứu là người dân tộc thiểu số đang ở đâu?”]
Cùng đích của văn hóa nhân loại là đưa con người đến hiểu biết. Thiếu hiểu biết thì không thể phát triển hoặc phát triển lệch lạc; không phát triển thì không thể hiểu biết cao hơn, nhân văn hơn.
4 sự vụ nhỏ dẫn đến 1 sự cố lớn.
[1] Lí giải về văn bia dựng ở phía nam đồi tháp Pô Klong Girai, một Chàm hẳn hoi viết trên tờ Thanh niên ngày 13-3-1998 với tít rất ghê “Bức màn bí ẩn phủ quanh tháp Campa”, hô lên là tháp không do Cham làm. Bời [nguyên văn], nó…
“có nội dung lên án, miệt thị những cư dân vùng Panduranga xưa – nơi tập trung chủ yếu là người Chăm. Không có lý nào người Chăm lại tự lên án mình ở những nơi thiêng liêng như thế?”
[2] Năm noái hai lần lên tháp Pô Klong Girai, hai lần tôi hỏi hai cô hướng dẫn viên một Cham một Việt [khá xinh], cháu có thể tóm tắt nhanh 5 phút cho cei Sara về tháp không? Đi với tôi có người của BBC Ấn Độ, cả hai lúng túng và, khi nói thì chung chung. Cụ thể hơn nhé:
– Cháu có thể cho cei biết nội dung bi kí trước cửa Kalan không? Không phải đọc, mà nói khái quát thôi.
– Tụi cháu không được dạy, cei à.
– Nếu ông này hỏi đến thì sao?…
[3] “Nhà nghiên cứu là người dân tộc thiểu số đang ở đâu?”
Là tên tham luận của tôi tại Hội thảo khoa học do ĐH Khánh Hòa tổ chức, tháng 5-2017. Tại đó, trước trăm cử tọa là giảng viên, sinh viên và quan chức thành phố, tôi hỏi:
– Tượng phía trong các Kalan tháp Chàm luôn được đặt cao hơn tư thế người ngồi một ít, tại sao tượng Bà ở tháp Pô Inư Nưgar lại cao quá đầu người? Nếu khách nước ngoài hỏi, ai trách nhiệm trả lời và trả lời ra sao? Dựa vào văn hóa “trung tâm” nào các vị tự ý nâng tượng lên?
Không ai trả lời cả!
[4] Đầu tháng 7-2019, một cái “chòi” được dựng tại cổng [phía nam] lối lên tháp Pô Klong Girai. Để bán quà vặt và nước giải khát! Ngay tức thì sự vụ bị dân mạng Cham lên án, và công an Tỉnh vào cuộc. Chòi bị dỡ ngay sau đó.
Thiếu hiểu biết đến thế là cùng….
Từ sự vụ [4] dẫn đến sự cố [5] của hôm nay.
Các hình ảnh được vài bạn FB Cham cắt từ một livestream chiều ngày 7-7-2020 cho biết: “Họ” đang tổ chức tiệc tùng linh đình ở khu vực tháp Pô Klong Girai. Đây là một THIẾU HIỂU BIẾT NGHIÊM TRỌNG.
Thiếu hiểu biết thế nào?
Khác với nhà thờ hay thánh đường, Cham quan niệm thần linh không chỉ cư trú trong tháp mà khắp xung quanh, thế nên tháp Chàm luôn được dựng ở nơi xa khu dân cư. Cham nghĩ để tính linh thiêng của tháp không bị ô uế bởi lời nói, hành vi trong sinh hoạt đời thường. Thuở bé chăn trâu cách tháp nửa cây số, đám chúng tôi còn cắn chặt ngón tay trỏ để tránh nói bậy nữa là.
Thời gian sau này, dân cư mở rộng mới lấn vào vùng đất thiêng.
Ở khu vực tháp Pô Klong Girai, văn hóa Du lịch phát triển, ta lập khu sinh hoạt như bán vé, chỗ để xe, quầy hàng lưu niệm là cần, dù nó làm hỏng không gian hoành tráng của tháp.
Thế nhưng tổ chức tiệc tùng linh đình ở đây là tối kị.
Tôi cho đây là một thiếu hiểu biết nghiêm trọng.
Câu hỏi:
Ai chủ trương làm vụ này?
Ban Quản lí tháp có cán bộ người Cham, các bạn có đủ hiểu biết để giải thích, và có đủ can đảm can ngăn? Cả Ban Phong tục Cham nữa?
Cần lặp lại câu hỏi đã đặt ra ở Nha Trang ba năm trước:
“Các nhà nghiên cứu là người dân tộc thiểu số đang ở đâu?”
_____
[1] Trích nguyên văn tiểu thuyết Chân dung Cát (2006):
“Thanh niên số ra ngày 13.03.1998: Bức màn bí ẩn phủ quanh tháp Campa. Tôi có biết bài viết này nhưng đã quên nó lâu rồi. Tôi đọc lại, chú ý mấy đoạn hắn gạch dưới.
Về nguồn gốc của tháp Campa, cho đến nay chưa có chứng cứ chắc chắn để nói rằng những ngôi tháp Campa cổ là sản phẩm sáng tạo của người Chăm dù họ là chủ lễ các kì cúng bái tại những tháp ở Ninh Thuận, Bình Thuận và vẫn chưa ai đưa ra bằng chứng chứng minh họ là chủ nhân của tháp. Trong cộng đồng Chăm cũng hoàn toàn không có tư liệu riêng về việc xây dựng tháp mà chỉ tồn tại các “huyền thoại”. (…) Điều đặc biệt nhất là những dòng chữ mà chúng tôi đọc được trên văn bia tháp Poklaung Grai (sic) (…) có nội dung lên án, miệt thị những cư dân vùng Panduranga xưa – nơi tập trung chủ yếu là người Chăm. Không có lý nào người Chăm lại tự lên án mình ở những nơi thiêng liêng như thế?
Ghi chú của Chế Khan
Nên nhớ là văn bia được viết vào thế kỉ XI. Champa bao gồm nhiều tiểu vương quốc với chính quyền Trung ương ở Amaravati cai trị. Tháp do triều đình dựng để toàn dân thờ phụng. Giọng văn của hoàng đế quyền uy tối cao với thần dân mình như thế là chuyện rất bình thường. Có lẽ dân Panduranga còn hãnh diện nữa là đàng khác. Vì chỉ có họ mới dám phản kháng lại bất công. Nếu không thế họ phải đập đổ bia đi khi chính quyền Trung ương suy yếu, và nhất là lúc Đồ Bàn sụp đổ và năm 1471, khi chỉ có tiểu vương quốc Panduranga là còn sức mạnh quân sự và văn hóa đáng kể của Champa.”