[về danh vị hão, & nỗi bám ghế]
Hồi người Việt mới qua Mỹ, mấy tay ưa tổ chức hội đoàn này nọ, tự xưng chủ tịch, tổng thư kí. Không dừng ở đó, thế nào cũng nẩy ra vài nhóm có hậu tố “… quốc tế” đằng đuôi.
Chàm mình cũng hệt.
Không kể tổ chức IOC của Po Dharma, hay Hội của bà con Cham tại Hoa Kỳ với Ban chấp hành khác nhau qua mỗi nhiệm kì hoạt động thực chất, còn lại đều… hão.
Tiến sĩ Thành Đài là chủ tịch của nhiều tổ chức Champa quốc tế, có khi nổi hứng vọt lên tận chức “thủ tướng”. Trước, có ông anh cũng chủ tịch Chàm quốc tế mà thành viên gồm toàn người nhà với nhau. Mới đây, tiến sĩ Putra Podam tự thăng chức chủ tịch Champa quốc tế khác nữa.
Chi chả biết! Hãy ngó gương sáng Inrasara! Tuần tự…
1982, 4 năm ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi chưa một lần đạt “Lao động tiên tiến”, thậm chí nửa cái bằng khen cũng không. Dù ở Ban tôi làm đủ chuyện: Nghiên cứu, kế toán, phụ trách báo tường, và cả bản sách. Trong khi cái anh chân tạp vụ cũng rinh được hai.
Hơn 10 biên chế, lẽ nào đều 100% “tiên tiến”, phải có cái gì dưới đó chứ. Thế là tôi tự nguyện. Riết thành quen. Đến nỗi nay muốn tìm bằng chứng tôi làm tại Ban cũng không.
1992, ở Đại học Tổng hợp 6 năm cũng hệt, dù tôi chỉ hợp đồng. Thầy Bùi Khánh Thế kêu, Trung tâm muốn có cái gì đó để Trạm “kỉ niệm”. Cử nhân, hay lên nữa. Trạm thừa sức mà. Tôi nói: Thôi đi thầy à. Lớn rồi…
Chuyện vui. Hôm anh chị em Trung tâm ngồi chuyện vãn, có anh từ Mỹ về, vô tư hỏi tôi: – Trước đây anh Sara học trường nào nhỉ? Ý anh này tưởng tôi học ghê lắm, thậm chí từ nước ngoài. Cô Giới đá nhẹ vào chân anh, e tôi mặc cảm gì đấy. Liếc thấy, tôi nói: Mình chả học ở đâu cả, và cười to.
Tại sao cứ phải là danh vị: Tiến sĩ, giáo sư, hay nhà này nọ…?
Về hoạt động chữ nghĩa, tôi viết nhiều thể loại, cả tổ chức bàn tròn, ra mắt sách. Cánh nhà báo ưa hỏi tôi, nên định danh Inrasara thế nào: Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu…? Tôi bảo: Cei Sara nếu đó là Cham, còn thì Sara đơn giản vậy là gọn nhẹ nhất. Riêng địa chỉ nhà, tôi viết “Nhà thơ Inrasara…” do bưu điện cứ nhầm đây là Công ty… nước ngoài.
Nhà văn nghe sang, nhà nghiên cứu lại nghiêm nghị, còn người lãnh đạo thì nguy quá! Vậy mà nhiều Chàm cứ muốn cái danh lãnh đạo, lãnh tụ, chủ tịch… nghe phát ớn.
Đặc san Tagalau, dù làm tất, tôi vẫn muốn đùn cho nhà thơ Nông Quốc Chấn “chịu trách nhiệm bản thảo”, Hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc Thiểu số Việt Nam đặt lên đầu bìa. Như thể cái ô che! Chớ mình dành làm gì cho khổ. Mãi khi gặp sự cố, rơi vào thế buộc, tôi mới chường mặt ra nhận “chức” Chủ biên!
Rồi khi thấy cánh trẻ có thể đảm nhiệm được, tôi từ chức ngay, quyết không bám ghế.
Ban Giám khảo Giải Sách Hay của Viện IRED, dù sang và có thù lao, qua 5 năm tôi xin rút. Để chính giải thay đổi không khí.
Bàn tròn Văn chương do nhà văn Phan Thị Vàng Anh [Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam] nghĩ ra. Ý chỉ nên bó gọn dăm sáu người, tôi đề nghị mở rộng 30-70 mạng. Thời gian đó, Vàng Anh ở Hà Nội, nên tôi ngồi ghế “chủ trì”. Cũng là thế buộc.
Ủy viên Ban Chấp hành Hội DTTS, hay Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam qua một nhiệm kì, là tôi thôi. Và nhiều nữa…
Có ai thấy tôi quyết bảm ghế ở đây không?
Chuyện vui.
Hôm họp Ban Chấp hành Hội DTTS, bắt chước tôi, một bạn thơ cũng “xin rút”, song khi anh chị “năn nỉ quá” đành phải ở lại, và ở lại tận… hôm nay.
Cánh văn nghệ mơ màng mây gió mà đã thế, trách gì bọn chính trị chính em.