Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ. Tục ngữ:
Likei di bang mưsuh, kamei di bang mưnưưk:
Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở.
Hiểu cách khác:
Đàn bà thuộc về gia đình, đàn ông thuộc về xã hội.
Cai quản gia đình, ông bà Cham viết hai tác phẩm giáo huấn người nữ: Ariya Pato Adat Kamei và Kabbon Muk Thruh Palei.
Người nam thì khác, có một: Ariya Pato Adat Likei. Và một này chỉ nhấn về tri thức, như là vũ khí duy nhất được trang bị cho ông lăn xả vào biển đời.
TRI THỨC, ngoài ra không gì khác. Hiểu biết về nông ngư nghiệp, về kĩ thuật, về văn chương chữ nghĩa, nhất là triết học và vấn đề tâm linh. Thế nên trong gia đình Cham trước đây, chuyện học hành là dành cho con trai, con gái: được chăng hay chớ.
Chị em chỉ được dạy bổn phận và bổn phân. Với chồng, với khách khứa của chồng, với con cái, cùng bếp núc và cơm ăn áo mặc cho chồng con.
Bổn phận trở thành truyền thống khó chuyển đổi. Là một sai lầm lớn.
Kẻ quản lí mọi công việc gia đình, người trực tiếp với con cái ngày qua ngày, và thời hiện tại đang đứng tên “chủ hộ” lại không đáng được trang bị tri thức khác ngoài bổn phận sao? Có thiệt thòi, và phi lí không?
Chuyện kể, hai vợ chồng Do Thái cùng Cử nhân, người vợ sẵn sàng ở nhà dạy dỗ đứa con, việc kiếm tiền để cho đức ông chồng lo.
Nàng không chỉ chăm sóc thôi, mà giáo dục con theo đúng nghĩa của từ.
Vậy, nếu chị em không có tri thức thì lấy gì mà dạy? Có khi họ còn làm chuyện phản hay phi giáo dục nữa không chừng.
Khuôn mặt người nữ Cham Pangdurangga từ thập niên 1950 đã có nhiều chuyển đổi. Dẫu sao theo quan sát riêng tôi, ta mới chuyển đổi nửa vời: Nàng đã CÓ HỌC, giáo viên cấp III, bác sĩ, kĩ sư, vân vân. Nàng ra trường, làm việc ở các cơ quan, có gia đình rồi ngưng tại đó.
Giáo dục con cái ư? Ariya Pato Adat Kamei và Kabbon Muk Thruh Palei ta đã bỏ quên từ lâu, nghĩa là đứt mạch hẳn truyền thống. Dạy dỗ con cái ở tầm cao tại nhà theo kiểu Do Thái, ta càng không. Giáo dục Cham hôm nay hoàn toàn phó mặc cho Nhà nước nhiều rủi ro.
XÃ HỘI, nàng chưa đi vào như là “đi vào”. Thời gian qua, với nỗ lực cá nhân bước ra ngoài cộng đồng, người nữ Cham Pangdurangga đã làm nên “sự nghiệp”, dù chỉ ở mức tương đối. Những Phú Thị Mận, Thuận Thị Trụ, Qua Hồng Loan, Chế Kim Trung, Kiều Maily là không nhiều.
Còn lại đa phần chưa dám “phá vỡ truyền thống”, nghĩa là chưa bước ra khỏi lô-cốt tư duy hủ lậu, kiềm hãm ta ru rú ở lại “nhà”. Quý ông Cham muốn nàng ở lại nhà, còn nhìn nàng bằng con mắt nghi kị một khi nàng nào đó muốn bước ra. Không được khích lệ, nàng rụt cổ lại, rồi dần dần thành quen nếp Ở NHÀ. Không gì hơn, không gì khác. Tôi biết nhiều nàng không thiếu tài năng và lí tướng đã rơi vào tình cảnh đáng tiếc ấy.
Làm thế nào…
Ta gia đình mà vẫn xã hội. Ta là Cham và là thế giới. Ta bản sắc và ta đầy sáng tạo.
Làm gì? Và cả người nữ vùng Cham Tây nữa, làm gì để chuyển đối?