[hay: Cham nhìn Inrasara nhìn Cham]
Dòng tộc quý phái Cham tự nhận mình là dòng Trầm ‘asal Gahlau’ – thì ừ.
Cham nói: ‘Gahlau athal hapak jaang bbau’: Trầm hương đâu cũng tỏa mùi hương, – đúng. Nhiều người nghĩ không cần quảng bá, văn hóa Cham vẫn lan tỏa tự nhiên như nhiên. Phần cá nhân, tài năng bạn thế nào, người thiên hạ khắc biết, chả cần phải quảng cáo hô hoán lên. – Không sai.
Hỏi, nếu không đốt lên, thì hương trầm lấy gì mà tỏa!
Cần phải đốt. Lửa trầm tinh thần văn hóa Cham, tâm hồn con người Cham, và của chính tôi. Tôi tự nguyện làm kẻ ấy.
Và tôi đã đốt…
[1] Tinh thần văn hóa Cham bằng bộ ba Văn học Cham, Minh triết Cham, Hải sử và Văn hóa biển Cham, Tôn giáo Ahiêr Awal. Không chỉ thuần nghiên cứu, mà là bày ra thần hồn văn hóa dân tộc.
[2] Tâm hồn con người Cham với 27 [+21] Urang Cham, cùng 20 khuôn mặt văn hóa văn nghệ Cham qua việc làm của họ – là những bức chân dung được phác họa đầy đặn, hay các tiểu luận – phê bình công phu. Mỗi sinh linh được tôi chỉ ra phần tinh túy nhất khả năng họ, nêu lên đóng góp của họ cho cộng đồng, dù nhìn bề ngoài dường không đáng kể.
[3] Hành động tôi và con người tôi, từ đi-đọc-viết, qua Tháp nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chân dung Cát, Hàng mã kí ức, Những cuộc đi & cái Nhà.
Tôi phải đốt lên, thây kệ ai đó kêu “Inrasara coi cái gì của dân tộc ông cũng là nhứt”, hay ông Inrasara tự khoe khoang. Tôi phải đốt lên, cho trầm hương Cham lan tỏa. Xa và rộng nhất có thể.
Cho dù từ góc khuất, vài sinh linh Cham đã nhìn tôi…
Thơ thì “khô cằn, xa cách và không rung cảm” Cham;
Tác phẩm thi “dựa trên thế lực chính trị Việt Nam… để bôi nhọ một số nhân vật, tẩy chay một số hội đoàn Chăm ở nước ngoài”.
Con người thì “để làm hài lòng đảng và nhà nước, Inrasara đứng lên kết tội một cách tuỳ tiện người Chăm là dân tộc cục bộ, tính khí tiêu cực, không trung dung”.
Không vấn đề gì trầm trọng cả! Đọc phải, tôi có nhíu mày chút đỉnh, chớ tuyệt không chút oán giận. Tôi coi đó cũng là một cách đốt, bên cạnh cách đốt khác thể hiện qua thơ hay cảm nhận ngắn, ý kiến nhanh ở website, hoặc chỉ là comment trên FB. Tất cả góp phần làm cho linh hồn cô độc tôi cháy lên giữa đêm tối bão giông thời cuộc.
Tạm trích…
Dohamide & Dorohiêm (Bangsa Champa, Hoa Kì, 2004):
Đặc biệt nhứt và sáng chói nhứt, có thể nói là Phú Trạm Inrasara, học giả Chăm say sưa dấn thân làm nên một công trình nghiên cứu xuất sắc, có giá trị lịch sử, nội dung soi rọi hệ thống kho tàng văn học dân tộc – công trình nghiên cứu đã mang đến niềm tự hào chung cho Bangsa Champa…
Inrasara, nhà thơ đồng thời là học giả trẻ người Chăm mà tiềm năng sáng tạo phong phú và cao sâu đang độ bừng lên trong dòng chánh lưu của xã hội Việt Nam đương thời…
Ysa Cosiem (FB 19-10-2017):
Những điều bạn đã làm cho Chăm mặc kệ ai phê bình, nhưng với tôi đó là món quà vô giá. Nhờ bạn mà tôi biết ông bà Chăm tôi cũng có một nền văn học đáng nể ngoài những kiến trúc độc đáo với các ngôi tháp.
Bạn đã giúp tôi nhìn thấy hào quang Champa trên đường tìm về với cội nguồn. Giúp tôi yêu quí văn hóa và truyền thống Chăm, và làm tôi rất tự hào là một người Chăm.
Xuan Bao (FB 13-11-2018):
Ông thường viết về người khác, sắm vai cá nhân nhỏ bé. Inrasara thuộc thế hệ kế cận tiêu biểu, không có một giềng mối rõ ràng nào, phá cách và nổi tiếng. Tiếng tăm và lan tỏa, không chỉ trong cộng đồng Chăm, mà cả thế giới…
Ông hơn hẳn các bậc đàn anh về khoản thông minh và đa năng. Là nhà thơ, nhà văn hóa dân tộc, kiêm luôn mảng chăm lo đời sống đồng bào. Vụ lớn – nhỏ, ai gọi Ông làm tất. Một con người Chăm đặc biệt, có “102” ở thế kỷ thực dụng.
Rồi Bá Minh Trí, Diễm Sơn Sơn, Jaya Bahasa, Lưu Văn, Nguyễn Chế Đôn, Bá Văn Trinh mỗi người một cách góp lời đầy thiện ý. Không đủ vui sao?!
*
Tác phẩm URANG CHAM gồm 38 nhân vật trên 60 tuổi ở thời điểm 2016.
Đã viết và đăng có 27 người:
Bố Xuân Hổ, Ja Mrang, Qua Thị Hồng Loan & Chế Quốc Minh, Đàng Năng Quạ, Fatimah, Lưu Quý Tân, Châu Văn Mỗ, Đàng Năng Thọ, Amư J’Klủn, Chế Linh, Nại Thành Viết, Huyền Hoa, Jalau, Phú Thị Mở, Nguyễn Văn Tỷ, Qua Đình Lang, Sử Văn Ngọc, Lưu Quang Sang, Phú Thị Mận, Ngụy Văn Nhuận, Inrahani, Lâm Nài, Nguyễn Ngọc Đảo, Quảng Đại Hồng, Bạch Thanh Chạy, Amư Nhân.
Đã viết, hoăc viết dang dở chưa đăng gồm 20 người:
Les Kosem, Po Dharma, Mah Mod, Dohamide & Dorohiêm, Bố Thuận, Tantu, Thiên Sanh Cảnh, Dương Tấn Sở, Trượng Tốn, Thành Phú Bá, Từ Công Phụng, Mưdôn Thạch Tìm, Ông Tho Hamu Tanran, Thiên Sanh Sở, Mưdôn Hán Phải, Ông Klơng Thân, Adhya Hán Bằng, Phok Dhan Cơk, Kadhar Gam Muk.
Những khuôn mặt hoặc được thể hiện qua một, nhiều bài, hay tôi chỉ bàn qua, 18 người:
Hàm Bộ, T’Maung, Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran, Thuận Văn Liêm, Trầm Ngọc Lan, Phú Đạm, Jalau Anưk, Chế Kim Trung, Chế Mỹ Lan, Sakaya, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily, Jaya Thuksiam, Bá Văn Trí, Diễm Sơn, Jaka.
Và còn nữa…