Hành trình Cham-20. ĐÀN BÀ LÀ CÁI NHÀ-1

[hay: Làm sao mang tri thức đến với các cháu nữ Cham Tây?]

Tháng trước, ông anh có ý hỗ trợ cho các cháu nữ vùng Cham Tây đến với trí thức, hay nói cách khác, phổ cập tri thức bậc trung đến với họ. Anh hỏi ý kiến tôi, cùng cách ông Châu Văn Mỗ từng làm với người nữ ở vùng Cham Đông hồi giữa thế kỉ trước.

Là một mơ mộng đầy thiện ý. Tôi nói không thể, anh à. Tại sao?

Thử so sánh:

Cham Pangdurangga học nhiều, nhất là nam. Không được đi học là do nghèo, quá nghèo mới chịu thua, còn thì anh em tranh nhau học. Không học bằng chị bằng em xấu hổ đã đành, không học là… chết!

Cham An Giang và Tây Ninh thì hơi khác. Không có phong trào lớn. Cứ nhìn vào kết quả hôm nay cũng đủ thấy.

Điểm 10-4.

Thời đó, Pangdurangga cũng có quan niệm nữ nên giữ nhà, nhưng đó chỉ là QUAN NIỆM XÃ HỘI. Căn bản, chị em vẫn ham học. Khi gia cảnh quá khó khăn, họ mới chịu HI SINH cho nam. Như gia đình tôi, em gái Những học chưa hết tiểu học thì nghỉ. Nghỉ, em nó buồn. Anh Đạm thì giải phóng về, cha mẹ năn nỉ nghỉ. Đều ở thế buộc.

Ngược lại, nữ Tây Nam bộ kẹt ở QUAN ĐIỂM KHÁC, là điều khó.

Điểm 10-2.

Nói về Châu Văn Mỗ, khi ấy ông là Phó Quận trưởng vừa quyền lực vừa uy tín trong cộng đồng, và cần thiết – ông ép buộc. Ở Tây Nam bộ, tôi chưa thấy nhân vật Cham nào có điều kiện thuận lợi và một quyết tâm lớn như ông.

Điểm 10-3.

Quan trọng nhất, ông Châu Văn Mỗ sống trong chế độ TỰ DO, ông có quyền tổ chức. Ngày nay, tất cả phải qua Nhà nước.

Điểm 7-0.

Tuy nhiên theo tôi, muốn tổ chức cho các cháu nữ vùng Cham Tây đến với trí thức (ít nhất là hết Trung học Phổ thông), hay mang tri thức đến với họ – cực dễ, dễ hơn rất nhiều nữ Cham Pangdurangga thời thầy Mỗ.

Với điều kiện, ở đó bật lên vài chức sắc tôn giáo…

– nhiệt tình với cải cách cộng đồng,

– có tư tưởng TIẾN BỘ, vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo. Nghĩa là các cháu vẫn học Kinh Kura-ưn, nhưng NHẤN ở học kiến thức, mở ra xã hội và thế giới rộng lớn.

Điểm 3-10.

________

Tham khảo cần thiết [trích URANG. CHÂU VĂN MỖ, Inrasara.com, 2016, http://inrasara.com/2015/12/01/urang-cham-7-chau-van-mo/]

Năm 1948, ông Mỗ lập Hội Bảo trợ cho học sinh nghèo Cham ở thị xã Phan Rang. Cơ sở Hội ngụ trong một căn nhà khá đơn giản ở góc đường Thống Nhất và Lí Tự Trọng bây giờ. Khi ấy các cô gái Cham chưa có phong trào đi học, và bà mẹ Cham càng không muốn cho con gái đi học xa.

Hội Bảo trợ ra đời đã làm thay đổi quan niệm đó, bằng cách vừa tạo điều kiện vừa tìm mọi cách vận động con em Cham đến trường, nhất là cánh nữ. Trước học ở Phan Rang, sau ra Nha Trang, số ưu tú và có điều kiện còn lại được cho lên Đà Lạt học Lycée Yersin.

Có thể nói, qua sự tháo vát và tinh thần quyết liệt của Châu Văn Mỗ, đa phần trí thức Cham xuất phát ở thời ấy như có thêm chỗ dựa mới. Năm 1950-1951 là thế hệ Nguyễn Văn Tỷ lên Đà Lạt học lớp Đệ Thất đầu tiên, năm sau có Lưu Quang Sang, Quảng Đại Thưởng.

Về cánh chị em, có chị Nho, chị Mận, chị Sạn… nhưng do hạn chế về nhiều mặt, không như quý ông, các chị chỉ dừng lại nửa chừng. Dẫu sao trong cộng đồng vừa thoát khỏi nỗi sợ hãi thời cuộc và bóng râm lịch sử, thế hệ người nữ Cham đạt trình độ lớp 6-9 (theo cấp học bây giờ) phải nói là kì công.

Cũng ở Hội này, ông Mỗ tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ vừa xin tài trợ hỗ trợ học sinh nghèo vừa dựng các vở kịch có nội dung chống mê tín dị đoan đang là nỗi ám ảnh xã hội Cham thời ấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *