Phán khơi khơi rằng “triết [học] Cham ghê lắm, siêu lắm” mà không thể chỉ ra được nó “ghê” với “siêu” thế nào, sự thể không nói lên điều gì khác ngoài sự lừa mị.
Để biết lừa mị ra sao, hãy xét ba cấp độ [hay ba phạm trù] tri thức: Đạo, Triết, và Triết [lí] Cham.
[1] Đạo là thứ khó nhằn nhất.
Khó, đến Lão Tử phải tuyên: “Đạo khả đạo phi thường đạo…” Tuyên, nhưng ông vẫn để lại Đạo Đức kinh, rồi mới đi vào núi.
Khổng Tử vì đời mà chu du thiên hạ, mỗi học trò Ngài nói Đạo mỗi kiểu.
Phật, dẫu Đạo có “bất khả tư nghì” tới đâu vẫn vận dụng đủ phương tiện thiện xảo thuyết pháp suốt 49 năm, dù sau đó Ngài tự nhận “chưa nói lời nào”.
Sokrates chịu ra ngồi “chợ” liên tục đặt câu hỏi “đầu độc” thanh niên Athènes, chỉ ra cho họ biết mình [cả ông và họ] ngu thế nào.
Nghĩa là các bậc đạt Đạo chịu nhập cuộc giải minh Đạo, ý hướng cứu nhân độ thế.
[2] Triết, khó ở cấp độ hai. Lịch sử triết học là lịch sử của những nỗ lực không ngừng tìm cho triết [lí] một cái nghĩa khả dĩ nhất.
Định nghĩa triết bằng một mệnh đề thì không nói được gì cả; tổng hợp nhiều quan niệm để làm thành một cô động nhất, cũng không.
Heidegger chơi kiểu khác. Ông đi vòng quanh, nhử, giả vờ chịu thua rút êm, rồi bất ngờ quay lại chộp ngay đầu nó. Bắt chước lối nói của Kinh Kim Cang: Heidegger đi vòng mà không phải đi vòng mới là đi vòng(*).
[3] Triết [lí, học] Cham nằm ở cấp độ cuối.
Đây là một kiến thức cụ thể.
Nếu cấp độ “trên” cùng là Trí huệ chỉ có bậc đại giác mới đắc; cấp độ thứ hai là Tri tuệ do sự suy nghiệm (tri) mà được., thì cấp độ [3] là Văn tuệ tức do sự nghe (văn), đọc mà biết.
Triết [lí, học] Cham thuộc phạm trù Văn tuệ, nghĩa là nó có thể CHỈ RA ĐƯỢC BẰNG NGÔN TỪ. Như về triết học Đức, triết học Pháp, một sinh viên Đại học khoa Triết phải trình bày được, để làm luận văn ra trường. Không thể, là bạn bất lực, và chịu lưu bang.
Kết. Kêu triết [lí] Cham siêu, ghê, không thể nắm bắt, rồi phất tay bỏ đi đích thị lừa mị. Lừa người và tự lừa – là thế.
Tôi gọi đó là triết gia giả mạo, hay cao hơn: đạo sư… giả mạo.
____
(*) M. Heidegger, Triết lí là gì?, Phạm Công Thiện dịch, Inrasara tóm:
Triết gia là người yêu thương tri thức, không phải tri thức cụ thể nào bất kì, mà là “sophon” tức “Một là Tất cả”, “Hiện thể là Tính thể”. Yêu thương, nhớ nhung, khát vọng đạt tới, và không giây phút rời bỏ TRI THỨC. Tương cận “Thiện Tri thức” bên nhà Phật.
Nguyên văn:
“Một aner philosophos là hos philei to sophon, kẻ yêu thương cái sophon… thuận theo cái sophon.
Cái aner philosophos yêu thương cái sophon. Là điều gì thực khó diễn dịch. Theo sự diễn giải này thì sophon có nghĩa là Hen panta “Một (là) tất cả”. Cái sophon nói – tất cả hiện thể là nơi tính thể.
… khởi hành đi về chiều hường của điều ngạc nhiên nhất này, tức là, cái sophon, khi khởi hành như vậy, họ trở thành những kẻ tranh thủ giương về cái sophon và nhờ sự nỗ lực tranh thủ căng thẳng của họ mà lòng khát vọng nhớ nhung ngưỡng về sophon đã được đánh thức dậy và nuôi dưỡng trong những kẻ khác.
Sự yêu thương cái sophon, cái điều tương thuận vừa nêu ở trên, tương thuận với cái sophon, cái harmonia, do đó trở thành cái orexis (sự ngưỡng vọng khao khát), sự nỗ lực, sự căng thẳng gắng sức giương tới cái sophon. Cái sophon – hiện thể nơi Tính thể – bây giờ được truy tìm một cách đặc biệt. Vì yêu thương không còn là một sự tương thuận nguyên thuỷ với cái sophon mà chỉ là một sự khát vọng tìm kiếm thu ngưỡng tới hướng về cái sophon, cho nên sự yêu thương cái sophon trở thành “philosophia”.”