[Thiền, thơ & đời – từ Tầu, Việt đến Cham]
Tôi có ông bạn ưa nổ, rằng triết lí Cham “ghê” lắm. Khi bị hỏi vặn ghê thế nào thì… kẹt đạn. Không thể chỉ ra được miếng nào cho người thiên hạ thấy, mà chỉ cần “cao siêu lắm”, “bất khả tư nghì” là xong phim.
Tôi gọi đó là triết gia giả mạo, và đạo sư… giả mạo.
Đức Phật chứng đạo, xuống núi dùng lời lẽ giản đơn nhất thuyết cho chúng sanh hiểu; sau đó luận sư Long Thọ triển khai để thế giới biết tư tưởng Phật cao siêu cỡ nào. Socrates cao đẳng, xài phương tiện thiện xảo khác, vẫn cực giản đơn, qua đó mở màn triết học Tây phương.
Mời bà con xem 3 màn kịch vui sau…
1. THIỀN
Tô Đông Pha tiếng thi tài thì miễn bàn. Ông còn đòi… làm bậc đại giác nữa. Thế là ông quyết tu Thiền.
Được vài năm, cảm thấy mình đạt Thiền tâm, bèn làm bài thơ tứ tuyệt ở trỏng có câu: “Tám ngọn gió đời thổi chẳng động”, rồi cho tiểu đồng lội sông đến Thiền sư Phật Ấn cầu chứng.
Chả chịu khen một tiếng lấy lệ người bạn cũ, Thiền sư cầm bút phê dưới bài thơ hai chữ “hạ phong”, tức “đánh rắm”, bảo tiểu đồng đem về trình lại cư sĩ. Tô Đông Pha đọc, nổi trận lôi đình, lập tức chèo thuyền vượt sông sang chùa Kim Sơn hỏi nguyên cớ.
Thiền sư biết trước, đủng đỉnh ra bờ sông đón. Cũng thủng thẳng nghe Tô Đông Pha lớn tiếng trách móc. Xong, Thiền sư Phật Ấn cười cười:
– Quan lớn hô “tám gió thổi chẳng động”, nay mới mỗi cái đánh rắm mà đã ra nông nỗi, là sao nhỉ…
2. THƠ
Năm ngoái ngủ nhà bạn. Nhà có hai nhà thơ, nhà thơ bố và nhà thơ con. Chiều lai rai tán chuyện văn chương, tối hai bố con cãi nhau về thơ hay với thơ không hay liên can đến ngôn ngữ thơ. Cãi nhiệt đến ông khách quý mất luôn cái ngủ.
Mà có xong đâu. Sáng hôm sau cà-phê, tôi đùa:
– Nhà thơ bố lạc thời thì hẳn rồi, cũng hệt Sara vậy thôi. Nhà thơ con thức thời nhưng chưa tới nơi, không thể giải minh cho hiểu. Tán không xong thì phải thôi. Nghe nè…
Tại sao thơ về con gái, về người yêu cứ là mắt sáng như sao, làn tóc mây, bàn tay ngà, đôi vai gầy guộc, hoa nhài, vân vân, mà không gì khác, không gì hơn?
Sao không thể là “chó ốm”, “mắt cá ươn”, “thước kẻ cong”, hay “bông cứt lợn”? Hai bố con thử xem Nguyên Sa đã xử lí ngôn từ chả có gì là thi tính hay cỡ nào nhé:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển!
Và nhiều nữa… Tôi nói: Vấn đề không phải ở ngôn từ, mà nghệ thuật.
3. ĐỜI
Tôi nhà nghiên cứu, tôi nhà thơ, tôi nhà phê bình, vân vân nhà thì miễn rồi. Khen chê miệng người đời thế nào càng miễn. Riêng ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, các bác khoái tôi mỗi vụ bắt dông, vào Sài Gòn bà xã khen tôi tài tóm mèo.
Sân sau BBS toàn cát là đất loài dông rất ưa. Hang chúng sâu đến lút đầu người lớn. Anh nông dân Việt láng giềng qua đào mỗi ngày được 1-2 con là ngon. Thế nên quý thầy ở Ban dù thèm mồi nhậu thế nào cũng chịu. Một hôm tôi nói:
– Mai tôi bắt cho quý thầy hai con nhé.
Không mừng thì thôi chớ, một thầy còn la tôi “Chakleng dóc tổ”.
Hôm sau tôi mang hai chú to cồ tới, quý bác mới ớ người ra. Tôi kêu: Mười phút tay không bắt hai con, khác nhau ở nghệ thuật thôi mà.
Sài Gòn, bà xã nằm cạnh kho hàng, chú mèo hoang to vào ỉa ôi là hết ngửi. Cty có dăm đứa thanh niên cùng bà chủ cả tháng trị không xong. Biết chuyện, tôi kêu:
– Trời biển, chi lớn chuyện thế, anh tóm ngay chốc thôi.
Bà xã “hứ” một cái, theo thể điệu “dóc tổ”. Để rồi qua tuần sau không chịu nổi nữa mới cầu cứu ông chồng nhà thơ mây gió. Chưa đầy năm phút, tôi tóm hắn bỏ bao trình giám đốc.
Chỉ là nghệ thuật thôi mà!