Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Làm thơ, bạn cần học ráp vần từ lục bát, Đường luật, năm chữ, tám chữ dần qua tự do, rồi đến thơ bất cần “thi tính”. Tôi biết rất nhiều bạn thơ trẻ đã đốt giai đoạn, để rồi hổng chân không cách nào gượng dậy nổi.
Phê bình thơ, bạn đọc từ Aristote, Lưu Hiệp đến Kant, Hegel, sang tận Heidegger, và các nhà lí luận phê bình văn học hiện đại. Nếu không bạn chỉ biết bình và tán – ngẫu hứng và tùy tiện.
Sưu tầm văn học dân gian, bạn tìm nhặt từng tục ngữ, từng dòng ca dao, ghi nhận nhiều cách hiểu khác nhau từ ‘urang taha’ (người già).
Nghiên cứu văn hóa dân tộc, bạn điền dã nhiều thật nhiều; hỏi và ghi chép, và gợi mở để quần chúng nói, chứ không dạy dân gian, càng không cãi lại “dân gian” như ông bạn nhỏ con của tôi đã.
Học, bạn đọc sách để tìm cái hay, cái mới chứ không chăm chăm nhìn vào lỗi của tác giả. Bạn học tôi thời Trung học, đọc và gạch xanh đỏ nhằng nhịt các “sai lầm” của sách, mãi tuổi lục thập vẫn chưa chừa cái tật. Tôi ngược lại, chỉ đánh dấu điều mới lạ của người viết; còn lầm sai là việc của họ.
Biết khởi đầu từ cái nhỏ nhất, căn bản nhất.
Thành công là kẻ đứng hàng đầu trong lĩnh vực của mình.
Yếu tố thành công là: Căn bản, luôn luôn mới, và – ở thế giới hiện đại, cần có mặt thường trực.