Viết “Thế giới tinh thần Cham”, tôi nêu bật tâm hồn con người Cham và cái đẹp của văn hóa Cham, có người cho tôi chuyện tụng ca dân tộc mình. Hay nói to như anh Phạm Quang Trung mấy năm xưa (xin lỗi, nhân tiện nhắc kỉ niệm tí): Ông Inrasara cái gì dân tộc ông cũng nhứt!
Ngược lại, có nhóm Cham hô lên rằng không dưng ông Inrasara tố cáo với thế giới “dân tộc Cham có 10 khuyết tật”! Có lẽ vài sinh linh chưa quen với chất giọng hay tinh thần tôi, đã [cố tình] nhầm lẫn thế. Có vậy đâu!
Như cách hành xử với văn học Việt Nam đương đại, tôi chỉ muốn “lập biên bản” tinh thần Cham. Ở đó có tốt có xấu, có dở có hay, điều cốt yếu là: Các khác biệt rất đặc trưng. Lập biên bản, còn giải quyết biên bản kia ra sao là thuộc về mỗi người.
Cũng có bạn suy nghĩ chín hơn: Đó là tinh thần đáng quý của Cham, nhưng tiếc thay, nó thuộc quá khứ, và đã lạc hậu rồi. Không cần nhắc lại. Đúng!
Cách học nhóm hay mỗi thầy và trò với nhau của Cham;
tổ tiên Cham dồn tiền của và trí tuệ để xây mênh mông tháp Chàm, – người “Chàm tôi làm chơi, nhưng chơi thì chơi thiệt” (thơ Trà Vigia);
con người A-la-hán vô vi, ít dấn thân, cá nhân giỏi nhất luôn xu hướng đi vào rừng ẩn tu;
phiêu lưu, mà đi thì đi luôn, không biết căm thù, ham nghệ thuật, ý muốn vô danh’
“văn hóa Champa là văn hóa đùa vui/ chịu chơi cả trong đau khổ” (thơ Inrasara);
Vân vân.
Chắc chắn chúng đẹp, nhưng là cái đẹp đã lạc thời. Tiếc không?! Xưa, chúng dễ đẩy đất nước tiêu vong; nay và mai, chúng nguy cơ kéo cộng đồng tan rã.
Hiện tại luôn bị quá khứ quy định. Quên hay vứt bỏ, không thể. Thế nên cần nhắc lại, để phản tỉnh. Nhìn cận cảnh bằng cách “lập biên bản” đầy phản tỉnh chắc chắn thiết thực hơn là ca tụng hay phê phán một chiều.