Trước khi đi, ta cần biết mình đang đứng ở đâu?
1. Hiện chưa một thống kế chính thức nào cho biết tương đối chính xác bao nhiêu sinh linh Cham có mặt trên thế giới. Hơn một triệu? triệu rưỡi, hay hai triệu?
Khó từ quan điểm về căn cước. Cham Hroi [Chàm cổ] hay Canh Cụ [Kinh cổ] có là Cham? Tại sao Cham ở Cambodia được gọi là Khmer Islam? Hay Cham ở Thái Lan, Philippines, vân vân có được ghi căn cước: Dân tộc Cham, quốc tịch Thái Lan, Philippines? Cả người họ Chế, họ Trà ở Việt Nam nữa, dù họ có tự nhận “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Cham” (Hồ Trung Tú)?
Khó từ địa bàn cư trú.
Truy tìm căn cước, tạm lấy Cham Việt Nam làm gốc, bởi dẫu sao đó chính là Cham bản địa. Hiện tại, dù sống rải rác trên mười tỉnh thành khác nhau: Bình Định và Phú Yên, An Giang và Tây Ninh, Long Khánh và TPHCM, Cham tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ở đây, Cham Pangdurangga được coi là “nguyên bản” hơn cả.
2. “Bản địa và nguyên bản”, không phải có ý phân biệt, càng không phải trọng về “trung tâm”, xem “ngoại vi” là thứ yếu, mà Cham Pangdurangga có những yếu tố nền tảng các nơi thiếu, hay không có.
– Là bộ phận cư dân còn trụ lại ở một trong 4 khu vực văn hóa văn minh của vương quốc Champa;
– Với số dân đông nhất, chiếm hơn một nửa dân số Cham ở Việt Nam;
– Vẫn giữ được “bản sắc” cũ, tiếp cận trực tiếp và thường xuyên với di sản và di tích cổ xưa còn lại: Tháp Chàm, Akhar thrah, kinh sách, vân vân;
– Vẫn truyền lưu tôn giáo cũ của ông bà là: Tôn giáo Ahiêr Awal, thêm tôn giáo mới du nhập: Islam, cùng Đạo Chúa các hệ;
– Nhìn một cách tổng thể, so với khu vực khác, đây là bộ phận cư dân phát triển tương đối cả về kinh tế lẫn văn hóa. Trình độ học khá cao với hơn chục Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ, Cử nhân thì đến con số ngàn. Ở đó nhiều người thành danh: Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ…
3. Ta hiểu gì Cham?
Câu trả lời thành thật nhất: Chưa gì cả, hoặc có thì rất mơ hồ! Về lịch sử, văn học, ngôn ngữ, mĩ thuật, khoa học, cả đời sống hiện đại. Dù vài thập niên qua ta đã có nhiều nỗ lực.
Cham được Bộ Giáo dục đánh giá về biên soạn, dạy và học tiếng và chữ dân tộc hiệu quả nhất, cả trong nhà trường lẫn tự phát trong dân.
Cộng đồng có tiếng nói, thì phải biết phát lên tiếng nói ấy…
Cham từng có Trường Trung học Pô-Klong, Ban Biên soạn sách chữ Chăm…
Cham đã và đang làm tạp chí Tagalau, Champaka, Vijaya, Văn hóa Chăm; có các website Chamyouth, Iliimocham, Gilaipraung, Inrasara.com, Harak Champaka, vân vân.
Các công trình nghiên cứu về văn hóa Cham nối tiếp nhau ra đời qua nhiều thế hệ: Thời Pháp thuộc [chủ yếu là các học giả người Pháp], ở miền Nam trước 1975, và nhất là khi đất nước mở cửa, những tên tuổi Cham cả trong lẫn ngoài nước xuất hiện qua nhiều công trình giá trị.
So với mặt bằng chung cả nước, được vậy đã rất khá. Dẫu sao, ta vẫn cứ là chưa…