[chuyện từ Hội đồng LLPV-VHNT Trung ương đến Đối thoại Fukushima]
Tháng 11-2012, được mời thuyết ở Hội đồng LLPB-VHNT Trung ương tại Đồng Nai trước 200 cử tọa từ nhiều tình thành. Vào cuộc, tôi nói:
Việt Nam hôm nay hình thành từ hai vương quốc cổ là Đại Việt, Champa, và một phần Thủy Chân Lạp. Đó là điều hiếm, Nếu chính trị xã hội ổn định, và nếu ta có chiến lược phát triển tốt, Việt Nam trở thành một con rồng là chắc chắn.
Ở giờ thảo luận, một cử tọa kêu chưa hề đọc sách nào dạy như thế. Tôi nói:
– Đây chỉ là mào đầu cho buổi nói chuyện. Còn với thắc mắc này, bạn hãy đọc lại lịch sử, không phải ngoại biên đâu, mà chính sử gia cách mạng Trần Văn Giàu…
Cuối buổi, một anh [đại biểu Ninh Thuận] vẫn còn ức, đứng lên:
– Giáo trình Ban Tuyên giáo Trung ương không dạy như thế, nếu nhà thơ Inrasara đúng, thì cần phải sửa đổi giáo trình…
Thê là anh Hồng Vinh Chủ tịch Hội đồng chạy lên diễn đàn, nhờ mi-crô tôi, nói vài câu, và hết chuyện. Anh ngại tôi minh giải, thành… hỏng việc.
Từ đó, Hội đồng không một lần mời tôi thuyết nữa! Tôi nói với bạn ngồi bên, các bác cứ lo xa, mấy câu hỏi loại này Sara đụng thường xuyên mà…
Tháng 6-2019 từ Nhật về, tôi có “34 Đối thoại Fukushima” đăng FB, được 20 kì thì tạm ngưng, “vì lí do kĩ thuật”. Ở đó có một câu hơi hướm chính trị. Sau đó, về Việt Nam tôi hỏi vài Cham thế giá, nếu gặp câu hỏi kiểu đó, bạn trả lời thế nào?
Nhớ, đó là báo chí của đất nước dân chủ. Bạn không được chần chừ, mà phải đáp ứng ngay; không tránh né, tránh né là bị tẩy chay; bạn trả lời đúng mà vẫn về nước an toàn.
Lạ, không ai có lời giải tương đối!
Nguyên văn như sau:
– Tại sao Việt Nam chọn Ninh Thuận để xây Nhà máy Điện hạt nhân? Có phải chính quyền người Việt đối xử phân biệt hay xem thường dân tộc Cham không? [tại Đại học Fukushima, trước 120 cử tọa đủ thành phần].
– “Đối xử phân biệt”, hay “xem thường” là chữ bạn dùng chứ không phải tôi.
Ở đây tôi chỉ xin kể sự thật, còn kết luận sao là tùy bạn.
Kể rằng, hồi Tết Mậu thân, Việt cộng tràn vào palei Thành Tín gần quê tôi, và trụ lại lâu ngày lính Cộng hòa không thể đánh bật. Cánh quân sự đòi ném bom làng để diệt Cộng sản, mới xin ý kiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Khi biết đó là làng Cham, ông lệnh không được thả bất kì trái bom nào vào làng, thế là cả ngàn sinh linh Cham thoát nạn.
Ông Thiệu có phải Cham đâu, là Việt trăm phần đấy chứ! Vậy mà ông đã ưu ái dân tộc này đầy tính “phân biệt”. Khi ấy tôi đang năm cuối tiểu học, nghe giai thoại kia mà bắt thèm.
Nữ phóng viên báo The Tokyo Simbun mở to hai mắt kinh ngạc, rằng đây là lần đầu tiên chị nghe điều tốt từ chế độ Việt Nam Cộng hòa!
Có thế thôi đâu! Thuở chế độ Việt Nam Cộng hòa, Cham có hai quận riêng tự điều hành hiệu quả [có đòi nước non chi đâu mà sợ]; có Trường Trung học Pô-Klong ‘dành riêng’ cho Cham phần nào đó tiếp nối được truyền thống giáo dục ông bà. Cả hai thứ đó, sau 75 bị cắt.
Rồi Trung tâm Văn hóa Chàm dù do ông Tây dựng lên, nó đã thu hút vô số sinh linh Cham thường xuyên đến với nó. Chứ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm hiện nay to đùng, xài biết bao nhiêu tiền thuế của dân, chỉ được Cham coi như một cơ sở hành chính không hơn không kém, Bà con Cham lánh xa thì không có gì lạ.
Còn Đại biểu Quốc hội của Cham ba nhiệm kì dằng dặc hôm nay là ai nào? – Bà Đàng Thị Mỹ Hương. Người đại biểu ấy không mặc y phục Cham, hiếm khi vào làng Cham thăm hỏi bà con, rồi còn né nhà văn Cham là Inrasara như tránh… giặc. Cũng được đi!
Nhưng có ma nào thấy bà xuất hiện ở các điểm nóng của cộng đồng Cham, và lên tiếng cho cộng đồng chưa? Riêng sự vụ to cồ như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, bà còn trả lời báo chí, chẳng biết gì về nó nữa là!
Việt Nam chọn Ninh Thuận để xây Nhà máy Điện hạt nhân, tôi không cho đó là phân biệt đối xử, mà là một chưa hiểu biết đầy đủ [dù vài còm trên website Inrasara.com dùng đích xác cụm từ: “họ muốn tiêu diệt Cham”].
Tôi chỉ muốn nhấn về ba điểm:
Đây là vùng đất Cham có mặt trên hai ngàn năm, nơi chúng tôi có cả trăm điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng, tất cả sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu xảy ra sự cố hạt nhân. Mảnh đất gần nửa dân số Cham sinh sống, chúng tôi muốn được sống yên lành trên quê hương thanh bình của ông bà mình. Chúng tôi không ham cái lợi nhỏ để nhận về cái hại lớn, cái hại dài lâu không biết bao giờ rửa sạch.
Tôi chỉ muốn nói rõ điều đó lên cho Cham biết, cho Chính phủ biết, và cho cộng đồng thế giới biết. Thế thôi!