[hay Lên tiếng cho cộng đồng, tôi “vụ lợi”?, từ Việt Nam đến Cham]
“Nhà văn là kẻ phơi bày mình ra trước bàn dân thiên hạ, không chừa bất kì góc khuất nào” – Inrasara.
– Lên tiếng cho cộng đồng này nọ, ông chỉ muốn “kiếm bả danh lợi” riêng ông thôi.
Một sinh linh Cham học hành đàng hoàng, đã còm tố cáo tôi như thế. Khi tôi hỏi, bạn có thể đưa ra một bằng chứng – nhỏ thôi, thì… lủi mất. không ngồi lại nói chuyện!
Nghĩa là cứ phán bừa, hay độc thoại, chứ không dám/ chịu đối thoại.
1. Ở thế giới nhỏ bé Cham là thế. Nhìn rộng ra Việt Nam, ta cũng hiếm đối thoại, một đối thoại trực tiếp, ở đây và bây giờ. Cùng lắm, ta chỉ đối thoại theo kiểu “dân hỏi Bộ trưởng trả lời”.
Phía chính trị đã vậy, ngay trong văn chương, ta cũng tránh đối thoại. Xem: Inrasara, “Nhà văn Việt Nam sợ đứng trước công chúng, tại sao?”
Nhà văn ta xem nhẹ chuyện đối thoại, nên không tự trao dồi. Ta ưa nói “tôi muốn đến với độc giả bằng chính tác phẩm của mình”. Không trao dồi, không quen, nên ngại, Ngại về thiếu thuyết và không bao quát chuyên môn đã đành, ngán nhất là các câu hỏi nhạy cảm không thể né tránh.
Ở Đại học Fukushima, trước trăm sinh viên, nhà báo và trí thức, một thính giả hỏi tôi:
“Ở Việt Nam, chính quyền có đối xử phân biệt với người Cham không?” Trốn tránh câu hỏi là bị tẩy chay ngay. Vậy làm sao bạn có thể đáp ứng ngay, đúng, mà vẫn về nước được mà không bị rầy rà?
2. “Kiếm bả danh lợi”, nghĩa là ý đồ được danh và lợi.
“Danh” thì ở khía cạnh nào đó – có. Lên tiếng chuyện cộng đồng thì mình được công chúng biết nhiều, tuy thế BIẾT NHIỀU hay nổi tiếng kia, tôi được gì?
Phía Nhà nước, bị Đại học và các tổ chức chính thống cắt những buổi mời, đại bộ phận bài viết bị xếp xó, vân vân qua đó thu nhập đi xuống không phanh.
Phía Cham, từ vụ lớn như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, Vấn đề đất Ghur Bini bị xâm hại, đến Vụ Trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước hay “Nghĩa mất tích”… thấy gì?
– Tuyệt đối không có ai trả tiền cho tôi, tôi cũng không nhận lương để lên tiếng. Nghĩa là hoàn toàn không có LỢI. Bản thân tôi cũng không túng thiếu, để phải trục lợi từ hoạn nạn của người bà con. [Suy bụng ta ra bụng người, tệ vậy đó]
– Tôi được bà con mời, yêu cầu, thậm chí đòi hỏi [và cả lương tâm tôi hối thúc], tôi mới lên tiếng, nghĩa là càng không có chuyện cầu DANH. Danh tôi không thiếu, và có ngốc mới cầu danh ở đây; chưa kể dấn vào hứa hẹn mang không ít rắc rối vào thân.
Như sau khi xong vụ Ghur Bini, tôi bỏ ra 1,7tr in 50 cuốn Hồ Sơ Ghur Darak Neh tặng bà con. Ở mùa Ramưwan 2015, ngồi giữa Sang Mưgik palei Phước Nhơn, tôi nói: Đừng kể công Inrasara, và hãy quên những gì anh ta làm đi. Việc thành là do chính bà con.
3. Tôi [được bà con và các bạn trẻ ủng hộ, hối thúc] lên tiếng về vấn đề cộng đồng, bị bạn cho là “kiếm bả danh lợi”, vậy:
– đồng tộc bạn palei Boh Dana bị nạn, bạn im lặng;
– đất mồ tổ của làng bạn palei Pabblap bị xâm hại, bạn nín thinh;
– cả đồng nghiệp bạn giáo viên Trường DTNT Ninh Phước bị oan khuất, bạn ngoảnh mặt…
Tôi không trách bất kì ai im lặng về vấn đề cộng đồng, bởi trong đó có bạn tôi, anh chị em tôi, chú bác tôi. Họ không quan tâm, hoặc vì vấn đề riêng, họ im lặng.
Riêng bạn, bạn im lặng – không sao cả, nhưng tại sao bạn lại TỐ CÁO NGƯỜI LÊN TIẾNG là “kiếm bả danh lợi”? Bạn thử định nghĩa cho tôi và cánh trẻ Cham biết, BẠN LÀ GÌ?
– Một chữ thôi, cũng đủ!
4. Tất cả vụ việc, thành hay bại, tôi đều CÔNG KHAI trên website Inrasara.com, và facebook cá nhân, để mọi con mắt nhìn vào, rất mình bạch và sòng phẳng!
Tôi nói nhiều lần, ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tây ra, tôi sẵn sàng trao đổi, tranh luận mọi vấn đề cộng đồng với bất kì Cham nào, cá nhân hay tập thể.
Những gì tôi nói ngoài đời đều đã được tôi công khai trên mạng thông tin toàn cầu, không sai không sót. Cả với người đã mất, những gì tôi nói/ viết về họ dù lí do này hay khác tôi chưa tiện đăng, cũng được tôi viết và gửi cho họ trước đó. Để họ còn có cơ hội phản hồi, trao đổi.
Thế mới là… Inrasara!
P.S.
Bà con cần CẢNH GIÁC với các phát biểu kiểu này tác động xấu đến tinh thần chung: Ta lên tiếng chẳng những chả có lợi lộc gì cho ta, mà còn bị chính người anh em ta tố cáo “kiếm bả danh lợi”. Điều đó rất dễ khiến bạn trẻ chán nản, lùi bước.
Hãy vững như bàn thạch: sẵn sàng lên tiếng đẩy lùi bóng tối âm u ấy – “Bóng tối mang khuôn mặt đồng lõa” (thơ Inrasara)! Bởi trí thức mà từ chối lên tiếng, thì bạn chết LÂM SÀNG rồi còn gì!
Tham khảo:
1. Vấn đề đất Ghur Bini bị xâm hại
Khởi nguồn từ Ghur Darak Neh.
Tháng 7-2013, sau khi đi thăm tất cả Ghur Bini ở Ninh-Bình Thuận và được bà con phản ánh thực trạng bi đát của nó, tôi lên tiếng, bên cạnh mở cuộc thảo luận trên web inrasara.com, trả lời phỏng vấn BBC, RFA… Cuối cùng, ở Hội trường KS Phong Lan – Ninh Thuận nơi báo Dân tộc & Phát triển tổ chức hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo”, ở tham luận đầu tiên của hội thảo, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:
– “Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Cham, tôi nêu vấn đề Ghur Bini không gì hơn là giúp đỡ Đảng giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp đỡ Đảng? – Bởi, không chính quyền nào chấp nhận vài cá nhân tham lam (một số gia đình Việt) xâm hại đất tập thể (Ghur của Cham Bà-ni) cả. Nếu không ngăn ngừa trước, chắc chắn sẽ có sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, mất nhiều tiền hơn, và thậm chí cả mất mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước”.
Tôi LÊN TIẾNG, nhiều trí thức Cham cả trong lẫn ngoài nước góp lời. Chế Vỷ Tân, Từ Công Nhượng, Kiều Maily, Changzo, Nguyễn, Jashaklikei. Rồi bà con Cham Bà-ni, nhất là dân Pabblap hỗ trợ tối đa. Cuối cùng, chính quyền đã GIẢI QUYẾT theo chiều hướng tích cực nhất. “Lễ Khánh thành Ghur Darak Neh” khai mạc đúng hai năm sau đó.
2. Vấn đề đá Kut Boh Dana
Về sự vụ này, cánh trẻ trong palei lên tiếng trước, sau đó vài bạn trẻ và bà con ĐỀ NGHỊ tôi có tiếng nói điều tiết. Sau nhiều cuộc trao đổi qua lại, thu thập ý kiến của chú bác lớn tuổi, anh chị em, tôi tổng hợp lại và đưa ra GIẢI PHÁP khả dĩ nhất. [Chú ý: đó không phải là ý kiến riêng tôi, mà là của tập thể].
Giải pháp đó gần như 99% Cham [bà con Boh Dana, người quan tâm và tham gia thảo luận] đồng tình. Những tưởng thành công là cái chắc, ai dè 1% còn lại (người trong cuộc: khoảng 10 người) không chịu.
Thế là tôi bất lực, tuyên bố rút lui. Và chính quyền XỬ LÍ theo cách của họ.
Tôi dự tính, nếu 1% còn lại đồng tình, tôi sẽ về Huyện, Tỉnh thuyết phục chính quyền giải quyết theo hướng hòa giải, có lợi cho bà con nhiều nhất có thể. Ở đây, tôi tin chắc mình làm được.
3. Vụ Trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước
Sau khi đưa bài Jaya Bahasa lên web Inrasara.com, ngày 20-9-2015, tôi viết bài “Bao giờ giáo viên-trí thức Cham lên tiếng?”, rồi khi nhận được phản hồi ủng hộ, bên cạnh các YÊU CẦU LÊN TIẾNG từ người bị hại, tôi viết tiếp: “Kêu ở đâu? Với ai? Kêu tới đâu?” đề bày cách làm cho họ.
Người trong cuộc có nhã ý MỜI tôi về nhà giãi bày nỗi niềm. Người của Trường cũng vậy; họ còn có ý định vào Sài Gòn gặp riêng tôi nữa. nhưng tôi từ chối tất. Tôi nói tôi lên tiếng như một trí thức, chứ không hành động như một nhà báo hay thám tử.
Cuối cùng, đã không ai làm tới, sự vụ chìm.