Phê phán, xuyên tạc, nói xấu sau lưng là chuyện muôn thuở ở cõi người, như là THUỘC TÍNH của con người. Sống đời, không sinh linh nào không bị đạn. Dù kẻ ấy tốt hay xấu, nổi tiếng hay là chẳng, vì mình hay vì mọi người.
1. Nói xấu ai đó, có ba nguyên do:
– Bởi không ưa. Chả duyên cớ nào chánh đáng cả, chỉ vì ta không ưa cái bản mặt đó, ta nói cho bõ ghét.
– Vì ganh tị. Do ta có thành tích, dù thành tích đó có lợi cho cộng đồng, cả cho chính họ, họ vẫn nói. Tại sao là ta, mà không là họ cớ chứ.
– Cũng có kẻ nhân danh VÌ ta mà nói, là thứ khó phân biệt. Họ kêu họ yêu ta, khuyên ta không nên quan hệ với người này nọ, chứ thật ra là họ sợ ta được cái gì đó họ thèm muốn mà không được.
2. Để giữ sức khỏe, làm thế nào đối phó với nỗi này?
Nói xấu diễn ra ở ba cõi: Trên sách báo, trên mạng xã hội, và sau lưng. Bị đạn, ta thường tỏ mấy thái độ tiêu cực sau:
Nổi khùng và phản ứng nóng vội, để vụ việc thành rối tung không thoát ra được; hoặc ta ‘Bbang ruup bbang pabhaap’ Hành thân hoại thể, ôm mang nó trong lòng để đau bao tử chơi; hoặc ta tìm ai đó trút bầu tâm sự.
Cả ba đều chả đáng. Chúng chỉ tỏ ta có một tâm hồn yếu đuối tệ hại, nếu không muốn nói là – buồn cười.
3. Phản ứng thế nào gọi là thông minh? Vài kinh nghiệm cá nhân.
Hồi năm 2005, bên an ninh photocopy tạp chí CPK mang qua quận Tư biếu tôi, ý xem phản ứng của tôi, và muốn tôi viết phản bác. Tôi nói:
– Sara đọc rồi, mà chả có gì đáng đâu.
Thật ra lúc đó tôi chưa có cuốn ấy, tôi chỉ muốn họ cất đi, và quên đi. Thế là: cụt hứng! Họ nhân danh VÌ tôi, thật ra là muốn tôi làm một việc thay họ.
Thời gian đó, anh Dorohiêm từ Mỹ về vài bận mời tôi qua đường Huỳnh Văn Bánh, gợi ý tôi viết bài phản bác để biện minh cho tôi, và cho Cham. Tôi nói:
– Sapa đi anh, bảy, tám năm sau chả muộn, còn nếu viết tôi cũng không đăng, chỉ gửi cho ấy tham khảo thôi.
Cũng có người thân yêu tôi thật lòng, kêu tôi viết “biện minh, nếu không cei bị hiểu lầm”. Tôi nói: Chả gì to tát đâu, ai ngu đọc mà tin thì nấy chịu! Một nhà nghiên cứu trong nước viết bậy bạ về tôi, tôi cũng ứng xử hệt.
Đó là chuyễn diễn ra ở xứ chữ nghĩa.
4. Còn NÓI XẤU ngoài đời thì sao?
Tôi hoạt động nhiều lĩnh vực, làm nhiều việc dính đến cộng đồng, đạt vài thành tích con con, và hơi nổi tiếng, thì bị đạn là chuyện thường tình.
Có người bạn chuyên gia xuyên tạc tôi sau lưng – với anh chị em Cham, với người thân quen, và cả với các bạn văn của tôi nữa. Hỏi, có ai thấy tôi phản pháo ở đâu không, nhất là có ai thấy tôi mất giờ tìm gặp ai đó để giãi bày, biện minh dù chỉ nửa lần, không?
Tôi gọi đó là sức mạnh tinh thần, sự thông minh tâm hồn.
Nói xấu – nghe được, thứ nhất, tôi bỏ ngoài tai; thứ hai, tôi nói: Bạn hỏi họ nhé, họ có dám nói vụ đó trước mặt cei Sara không, nếu không thì im đi là vừa.
Xuyên tạc – đọc được, thứ nhất nếu đó là ác ý, tôi bỏ qua, có nhắc là nhắc chút chút cho bên thứ ba; thứ hai, nếu thấy đó chỉ là ngộ nhận, giải thích một lần rồi thôi.
5. Thêm
Cũng cần chú ý thêm rằng, có khi chả có ma nào quan tâm mà nói xấu mình cả, có mỗi mình nghĩ mình quan trọng, mình tưởng tượng ra, hay bị ám luôn có ai đó chực nói xấu, hạ bệ mình. Tệ thế! Vậy: Hãy BIẾT TƯỞNG TƯỢNG. Và biết tự cười vào mũi mình. Họ nói chỉ để giải trí, vậy hãy để họ vui trong địa ngục tâm của họ.
Kết. Hãy SỐNG VÌ MÌNH.
Về làm việc của mình đi, ĐỪNG VÌ AI CẢ, dù ai đó là cha mẹ, anh chị em hay bằng hữu bạn. Hãy ích kỉ một cách thông minh, mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.
Vivekananda: “Thế giới chỉ tốt đẹp và trong sạch, khi đời sống của chúng ta tốt đẹp và trong sạch”.