Khi ta nghĩ điều gì đó hay, tiến bộ – ta cổ súy, là điều bình thường. Càng bình thường hơn nữa, khi cái ta cổ súy bị cản trở, bị phản bác, ta lên tiếng phản biện bảo vệ nó.
1. Tôi cổ súy cái gì?
Cái mới trong nghệ thuật, và chữ nghĩa nơi khu vực ngoại vi, nghĩa là bộ phận ở thế yếu.
[1] Văn hóa, văn học Cham và văn học Dân tộc thiểu số là nhỏ, yếu, tôi viết để bày ra cho người thấy cái hay, đẹp của nó, đấu tranh cho sự tồn tại công bằng của nó.
“Tìm nền hải sử Việt Nam ở đâu?”, tạp chí Non Nước, số 200-2014;
“Cham đóng góp gì vào văn học Việt Nam?”, tham luận tại Festival Thơ Châu Á-TBD, 2012;
“Tài năng văn học dân tộc thiểu số ở đâu?”, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 12-2012.
[2] Văn học ngoại vi, gồm văn học miền Nam trước 75, các tác giả ở tỉnh lẻ, sáng tác in ngoài luồng, văn học Việt hải ngoại, vân vân là các dòng văn học bị đối xử phân biệt.
“Văn chương ngoại vi/ trung tâm, từ một góc nhìn”, Tienve, tháng 10-2006; tạp chí Đêm trắng, số 1, 2006;
“Văn học miền Nam 1954-75 có gì [mà miền Bắc không có]?”, Vanviet.info, 2-11-2016;
“Nhà văn trẻ ở đâu, đi về đâu?”, tạp chí Tia sáng, 20-9-2011.
[3] Cái mới cũng thế, bởi vì mới nên nó luôn bị dị nghị, bị đánh phá, luôn mang nguy cơ bị đẩy ra ngoài lề..
“Cách mạng nghệ thuật nhìn từ hội họa”,tạp chí Sông Hương, số 7, 2008;
“Về đâu, thơ tân hình thức Việt?”, tạp chí Xứ Thanh, 12-2013;
“Thơ Việt đương đại, các chuyển đổi đưa đến hậu hiện đại”, nói chuyện ở Đại học An Giang, 6-10-2011.
2. Tôi phản biện thế nào?
Với chứng cứ cụ thể thể hiện qua ngôn từ rõ ràng cùng thái độ dứt khoát.
[1] Dù trước đó tôi bị mỉa mai, như Trần Hoài Nam ở “Chẳng cần là hậu hiện đại” (báo Đại biểu Nhân dân, 8-12-2014) về hậu hiện đại. Tôi viết và kết:
“Thiếu hiểu biết mà đã vội phát ngôn, nên thành bừa. Cái bừa ấy rất tự tin chường ra mặt báo để người thiên hạ thưởng lãm, mới liều. Nỗi liều kia được ngụy trang bằng giọng điệu tỏ vẻ trí thức thì không phải không tác hại đến độc giả chưa quen thuộc nhiều với cái mới, như hậu hiện đại chẳng hạn – chủ nghĩa còn đang vận động, nhất là ở Việt Nam, nơi nó được truyền bá chưa đầy đủ và khía cạnh nào đó, còn nhiều bất cập. Và, như ở đây, nó luôn bị vài nhà phê bình – bởi thiếu hiểu biết/ định kiến – nhìn bằng con mắt đầy kì thị.
Thứ định kiến và kì thị cần bị lôi ra ánh sáng, bởi biết đâu mốt mai nhà nào đó ngộ nhận tưởng ở đây có phát hiện sáng giá, tiếp tục lặp lại.”
[2] Hay khi bị chụp mũ chính trị, như Mai Quốc Liên.
Tạp chí Hồn Việt do một vị Mai Quốc Liên làm Tổng biên tập, sau khi mang một bài thơ của NHHM ra phân tích, vô cớ đã tố cáo Sara:
“Tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”
Tôi đã trả lời như sau (trích):
“Báo Thể thao & Văn hóa ngày 23-10-2007 đã “cắt dán” tham luận của tôi in bên cạnh bài báo “Văn hóa thời hội nhập, Bài 1: Ai là sát thủ của cái mới?” của nhà thơ NHHM. Đây là việc làm của tòa soạn, không can dự đến tôi.
Đoạn văn của tôi nằm trong hệ thống toàn bài tham luận “dài 9.000 chữ, [anh] có sự phân tích khá sâu sắc và không giống với nhiều người khác về sự xuất hiện của dòng thơ hậu hiện đại, về nhóm thơ nữ ở TPHCM và phong trào nữ quyền trong văn chương, về lối thoát cho văn chương (Internet), về một hoạt động phê bình không ăn theo sáng tác mà gợi mở, thậm chí dẫn đạo cho sáng tác” – như nhận định của Ban tổ chức Hội thảo “Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 20 năm đổi mới”.
Nó không liên hệ anh em gì đến bài thơ đơn lẻ kia, càng không dính dáng bà con máu mủ gì đến bài báo của nhà thơ trên! Tôi chưa có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ “Lổ thủng lịch sử” cả! Còn việc báo chí gán ghép duyên nợ thế nào là quyền của báo. Vậy mà quý ngài đã viết: “ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”
Đúng: ngài đã “không khó nhận thấy”, nhưng tiếc là quý ngài nhận thấy… trật.
3. Và phản biện ai?
Để đảm bảo tính công bằng và sòng phẳng, tôi không chỉ phản biện bênh phe ta, mà để bảo vệ sự thật.
Vụ luận văn Nhã Thuyên: “Cuộc nổi dậy của rác thải”, Vanviet.info đăng lại ngày 28-3-2014, là rất điển hình. Tôi phản biện “phe ta” Nhã Thuyên lẫn phán bác “phía bên kia” là Phan Trọng Thưởng.
[1] Khi Nhã Thuyên viết:
“Ở trong nước, Inrasara, một nhà thơ, nhà phê bình trong Hội nhà văn có tham vọng nhận diện thơ Việt đương đại ở tất cả các khu vực, không kể chính thống/phi chính thống đã từng cố gắng lập lại biên bản (sic) về không gian sôi động của thơ ca giai đoạn đó với bài viết Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008), “không bị biên tập một chữ” theo lời tác giả – DƯỜNG NHƯ là bài viết DUY NHẤT được xuất bản chính thống cho đến nay”.
Kêu “dường như” thì hơi kẹt rồi, phiền thêm là “duy nhất”. Bởi CÓ VẬY ĐÂU!
Từ thuở tháng 10-2003, Lý Đợi, thành viên chủ chốt của Mở Miệng có bài: “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI” đăng báo Thơ của Hội Nhà văn cho đến 2014, tôi kiểm kho thấy có đến không dưới 20 bài, tiểu luận có, trả lời phỏng vấn, tham luận có, các loài về thơ văn ngoài lề mà MM là tiêu biểu.
Riêng tôi: 7 bài và 5 phỏng vấn. Hầu hết sau đó in trong: Song thoại với cái mới (2008), và Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (2014).
Nghĩa là, dù bị kì thị, cấm cản, tiểu luận “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” KHÔNG LÀ “bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay”.
Ngay thao tác cơ bản, thao tác đầu tiên của khoa học là làm tư liệu, ta đã hỏng rồi!
[2] Ở bài phê bình Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan khá dài: “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” (Vanvn.net, 19-4-2014), ở phần kết, Phan Trọng Thưởng viết:
“[Luận văn]… không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước…”.
Tôi phản biện lại cũng ngần ấy chữ, gửi cả báo Văn nghệ lẫn website của HNV là Vanvn.net. Mặc dù khá cẩn trọng ở lời mở:
“Để tránh bị coi là “mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động” hay “tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước”, tôi xin miễn đề cập đến khía cạnh liên quan đến [cái gọi là] chính trị [thô thiển], mà chỉ phản biện nhấn vào ba điểm học thuật: Sai lầm trong chọn đối tượng nghiên cứu, tài liệu không chính thống, và cổ súy cho văn chương tục tĩu, thấp kém.”
Bài viết vẫn không nhận phản hồi, tôi mới đăng hai chỗ khác.