Tôi là nhà thơ là thứ tưởng mơ màng mây gió, nhưng khi làm báo, lại truy tìm sự thật – đáo để!
Để hiểu thấu đáo một vấn đề hay sự kiện lịch sử – xã hội cần đến 3 nguồn tài liệu: Văn bản gốc (sử liệu), cái kể của Sử gia và, ghi chép của Người trong cuộc; riêng Hậu hiện đại thêm: Phản ứng của người chịu đựng sự kiện [lịch sử] đó.
Nhưng con người luôn bị Vô minh chi phối, nên “lịch sử” đã thành rất khác: tùy nghi và tùy tiện.
1. Từ vụ “bắn trâu” ở Cambodia
Vụ “bắn trâu” xảy ra vào tháng 6-1970 tại khu vực PC2 thuộc tỉnh Mondulkiri miền Bắc Cambodia. Với các nhà sử học, sự kiện này là vụ nhí, vì ít liên can đến công việc của họ. Riêng với Cham thì khác.
Đó là vụ được kể rộng rãi nhất, bởi ở đó hơn chục sinh linh Cham từ trong nước ra đi đã bỏ thây lại trên đất lạ quê người. Đây là mất mát đầu tiên, mất mát oan uổng, và gây chấn động dư luận Cham ở Việt Nam đến thành HUYỀN THOẠI.
Từ dấu vết huyền thoại, tôi đi tìm SỰ THẬT. Tuần tự…
Tháng 10-1970, anh Bá Dĩ palei Hamu Crauk, là người thoát nạn, về đến Việt Nam kể đầy kịch tính. Năm 1973 chị Triệu người chứng kiến sự vụ về thăm nhà, rất nhiều Cham đến hỏi, chị nói tránh đi. Năm 1974, Huỳnh Ngọc Sắng thầy tôi, tại nhà chị Sỉ của tôi ở Phan Rang, ông không thích kể, vì muốn giấu cái không hay của Fulro đi.
Năm 1982, gặp Thuận Thị Trụ, ở nhà Truyền, tôi hỏi và cô kể chi tiết. Rồi tháng 6-2011 anh Nara Vija kể lại tại nhà tôi ở Sài Gòn khi ông về Việt Nam.
Tất cả họ là người trong cuộc.
Từ năm 2016, tôi bắt đầu đi vòng Pangdurangga làm cuộc phỏng vấn các gia đình có người bị nạn, sau đó qua Cambodia làm việc với tư liệu gốc đang lưu lại nhà bà Les Kosem, đi tận ngọn đồi “bi thảm” nay chỉ còn là đồi trọc để cảm nhận sự vụ.
Tôi gom tất cả để làm thành “Hồ sơ vụ Bắn trâu” 12 trang, tại Bangkok, ngày 12-1-2017.
Sử gia quan tâm đến sự kiện, nhà văn [và quần chúng] quan tâm đến phản ứng của con người bên trong và đằng sau sự kiện đó. Văn học bổ sung cho thiếu khuyết của sử học, là vậy.
2. Đến câu chuyện ‘Kut’ Raglai.
Năm ngoái về quê, cà phê với anh em, tin Kut Raglai (hay Kut Pô Danok), di tích nổi tiếng của Chakleng quê tôi bị mất. Đưa tin là người hiểu biết. ‘Kut’ ngự ngay đầu làng, 4 hòn đá to nặng đến cả tấn mất, sao lại im re! Mươi năm đi qua, nghe nói thế, riết rồi ta cứ tin là thật. Ngay trưa hôm ấy, tôi rủ chú Đạt Chữ và anh Lộ Minh Trại cùng tôi chạy xe qua. Sau một hồi dòm kĩ: Nó vẫn nguyên đó! Bao năm không cúng tế ‘Kut’ mới làm… hoang.
Sáng hôm sau, tin cho anh em biết sự thật thì bị tin khác bác lại, cụ thể hơn: ‘Kut’ mất hai, chứ không phải mất tất, tôi mới ớ người ra. Có lẽ hôm qua vừa thấy mặt ‘Kut’ khoái quá, không đếm! Cả chục cặp mắt ngó nhau, tin đó là sự thật, kể cả… tôi. Bởi chính người cai quản ‘Kut’ “nói” cơ mà!
Lạ, là tại sao từ lúc tin đồn bay ra, không ai đến tận nơi để xác minh. Chả chịu thua, sau chầu cà-phê, tôi nhờ anh Dương Tấn Ngọc xách rựa cán dài, đèo tôi đi. Và Kut còn đủ 4 hòn, chỉ sau vài nhát rựa! Nhìn tận mắt còn chưa tin, nói chi nghe nói, là vậy.
Ừ, thì là chuyện phó thường dân, chớ chốn thâm cung khoa học cũng hệt…
3. Tiến sĩ Đại học Paris VII Nguyễn Văn Huy viết:
“1973 Thuận Thị Trụ trở về Việt Nam, sau đó tham gia vào đại đội Chế Bồng Nga do Huỳnh Ngọc Sắn (sic) thành lập vào đầu năm 1975 tại khu vực Phan Rang-Phan Rí, phụ trách văn nghệ. Sau khi phong trào Fulro tan rả, cô được trở về quê cũ làm giáo viên dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Hiếu Lễ”
Ông viết, đăng tạp chí “khoa học” từ năm 2004, tôi đọc phải và để yên đó, đi làm công việc của mình. Phải một giáp sau mời trả lời ông, qua bài: “Tiến sĩ ĐH Paris VII Nguyễn Văn Huy đã nhận định về xã hội Cham như thế”, đăng Vanviet.info, 23-4-2017, và vài tạp chí khác.
Có hai câu mà vị này phạm đến sáu sai lầm tệ hại với lỗi thao tác rất cơ bản. Vài câu hỏi dễ như ăn ớt đặt ra truy vấn ông:
– Ông moi từ gò mối [bboh katôic] nào rằng, Thuận Thị Trụ bị bắt? Vậy cô ta bị bắt ở đâu? Khi nào? Cơ quan nào bắt? Ông có thể thò một bằng chứng [nhỏ thôi] cho bà con Cham biết không?
– Ông còn bói đâu ra cái tin siêu hot này, rằng TTT “tham gia vào đại đội Chế Bồng Nga”? Có đến 90% anh chị em Fulro Chàm hiện còn sống, hỏi có ai thấy TTT xuất hiện ở góc xó nào trong “đại đội” kia không?
– TTT “phụ trách văn nghệ”! Thời buổi quân quản Chàm bị siết chặt như đếm, ma nào dám “phụ trách văn nghệ” cho Fulro? Mà phụ trách ở đâu?
– Rồi, “cô TTT được trở về quê cũ” từ chốn khỉ ho cò gáy nào của đại đội này, khi nó tan rã?
– Sau rốt, là cái vụ “cô TTT làm giáo viên dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Hiếu Lễ…” Chị này mới học hết lớp Một cha bắt chăn trâu, Sở Giáo dục Thuận Hải có mà điên!
– Chưa tính vụ “đại đội Chế Bồng Nga” thì ông hoàn toàn đoán mò, viết mò.
Dựa trên các “tư liệu” trời ơi đó, tiến sĩ ta làm… khoa học.