1. Mùa mưa năm 1990, tôi gồng gánh cả gia đình từ Trà Kha – Trà Vinh đùm đuề chuyển đến huyện Cầu Ngang. Công việc buôn bán ngưng trệ. Gần như cả ngày tôi chỉ nằm nhà trọ đọc sách, chờ người Miên trả nợ. Vốn liếng gần như cạn kiệt. Thêm Hani đang mang thai Jakha. Rốt cùng, không thể chờ được nữa, chúng tôi quyết định quy hồi cố hương.
Về, nhà cũ đã bán cho dì Lượng. Gia đình tôi vô sản toàn phần. Hani năn nỉ dì Lượng cho mượn nhà cũ ở tạm, sau hẵng tính.
Phải làm lại từ đầu. Nhưng từ đâu? Đất cũ thành hoang hóa, giàn nho cũng điêu tàn. Tôi nai lưng phục hồi đám rau muống cũ. Và làm hàng xáo, là món nhanh nhất. Hani mua lúa về xay ra gạo, sáng sớm hai ông bà chở gạo xuống Phan Rang bán kiếm lời. Cả Haly cũng được tận dụng kéo cối xay, đến chú Ninh qua chơi phải la: Kiểu này hai bắp tay con gái nở thì miễn đẹp!
Nhưng không thể khác, phải cố thôi. Tháng Mười mưa, tôi đạp xe ngược gió, có đoạn phải xuống đẩy. Kẹt, đó lại là mùa gạo có giá. Nhiều ngày tôi phải làm hai chuyến đạp. Tạm giải quyết khó khăn.
Lúc đó ngôi chợ quê ở đầu palei cũ đang bỏ trống. Chợ chỉ là căn nhà 5x6m lợp tôn xi-măng trống tứ phía dựng đâu từ thời Đệ nhị Cộng Hòa. Là của chung Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Nghiệp. Sau bao cấp, cái Quang con dì Giỏi thầu bán cà phê với tạp hóa, lỗ, bỏ. Chợ bị bỏ hoang gần năm qua không ai đoái hoài tới.
Ở thế cùng, Hani bỗng “nhớ” tới nó, và mách tôi nhận thầu bán cà phê. Lúc đó tôi đang nung ý định rời palei làm chuyến phiêu lưu dài vào thành phố, kiếm việc, nên dứt khoát bác ý kiến vu vơ ấy. Vả lại tôi biết mình thiểu năng buôn bán. Nhưng Hani đã quyết, và tôi đành chiều ý vợ.
30 ngàn đồng một tháng, vậy mà chẳng ma nào tham gia đấu thầu. Hani một mình một chợ “trúng” thầu.
– Con Trụ mà bán quán nỗi gì, – chị Đợ kêu.
Thầy Tỷ thì dạy tôi, chớ dại mở quán làng Cham, họ không mua chỗ Trạm đâu, nếu có họ qua mua chịu đó.
Chiều bà xã, rồi tôi thủ vai chính lúc nào không hay.
Tôi bán tất tần tật những gì dân nhà quê cần. Từ bánh keo cho đến tơ sợi, từ phân bón và tạp hóa cho chí rượu bia, cả giải khát và nhậu nhẹt nữa. Sỉ và lẻ. Bán giá thấp nhất, để bán được nhiều nhất. Từ đó, quán Tạp hóa HALY không còn phải phục vụ riêng dân làng Chakleng nữa, mà thu hút cả khu vực rộng lớn. Kinh lẫn Cham.
Bà con Cham cũng mua chịu, tuy nhiên theo luật bù trừ, tôi không thấy có gì to tát ở đó. Tôi vẫn lãi chán. Thế là, chỉ qua một năm rưỡi, tôi tậu luôn lô đất ấy, “đốt” sổ nợ cho bà con hai lần gần 20 cây vàng, thừa khoảng 10 cây gọi là vốn liếng vào Sài Gòn.
Kể chuyện đấu thầu khu đất ấy. Khu chợ ấy không chỉ thuần ngôi chợ, mà gồm cả khoảnh đất trống phía Đông, dài rộng 12×32 mét. Hợp tác xã không biết làm gì, kêu dân làng đấu thầu. Đấu, để mua đứt luôn. Kì này thì đấu thiệt chớ chẳng chơi. Vì khi ấy cô Trụ đang ăn nên làm ra, ai mà chẳng ham.
7 người dự cuộc. Giá căn bản là 3 triệu đồng, bỏ phiếu một lần: ai cược cao hơn người ấy thắng.
Anh Đạm lúc đó chủ nhiệm, do là anh ruột tôi, nên đứng ngoài, dành quyền cho Ban Kiểm soát tổ chức cuộc đấu, với sự giám sát của Hội Bảo thọ [Châu Văn Mỗ trưởng Ban]. Rất nghiêm. Có mỗi biệt lệ, nếu số phiếu bằng nhau thì ưu tiên cho người đang thủ chợ. Có đến khoảng hơn 50 người đến chứng kiến, chưa kể anh chị em trong Ban Quản lý HTX.
Tôi còn nhớ, có một phiếu: 3,2 triệu, hai phiếu 3,5 triệu. Phiếu anh Thiên Sóng: 4 triệu; cao hơn là phiếu chú Tư Chức được xem là đại gia Chakleng thời đó 5 triệu. Trụ đang Sài Gòn, kêu tôi chơi liều đi, tôi ghi: 7,5 triệu, đến thầy Thính phải la: Trạm thừa tiền hay sao chơi ẩu quá. Phiếu cao nhất là của Đạt Chữ: 10 triệu đồng, nhưng chú nhường lại cho chúng tôi.
Thế là báo tin vui cho bà xã: trúng rồi.
2. Tháng 8-1992, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mời tôi vào làm Từ điển. Đang ăn nên làm ra, tâm lí chúng của bà vợ là giữ chồng ở lại quê nhà, Hani thì không. Cho tôi đi, để mình còn đi theo.
Đi, tôi biết chắc là cơ may thành công cũng theo tôi vào Sài Gòn luôn.
Và đúng như vậy. Chuyện làm ăn bê trễ. Bốn năm sau, Hani cho mở rộng nhà, xây mới gian thứ hai, thuê Diễm về đứng quầy Cà phê, cũng thua.
Năm 2007, Hani quyết phục dựng lại Cà phê Haly’s. Nâng cấp gian thứ ba làm pla-phông bằng ‘Njrao’, mua bàn ghế từ Sài Gòn chở ra, tôi đính kèm theo Thư viện và Nhà Trưng bày Văn hóa INRA, để được khai trương vào tối ngày 10-10-2007. Giấy mời được tức tốc in, phân công người chạy thư qua các làng, anh Quảng Đại Thính là người dẫn chương trình, công việc bếp núp, nhân sự phát biểu…. Bạn văn chương tỉnh thành xa thì khỏi nói rồi, ngay vài bạn thân các làng bên cũng không thu xếp về kịp. Vậy mà có đến 50 người tham dự. Vui vẻ!
Vui vẻ, để rồi thất bại tiếp.
3. 2009, Nhà nước đầu tư cho Làng nghề Mỹ Nghiệp, xây Sân bóng đá… hơn 20 tỉ đồng, chứ không phải ít.
Chakleng rộn rã hẳn lên. Nhà Thổ cẩm mới, bề thế và hoành tráng. Sân bóng đá đã kết thúc: đẹp, bề thế. Sinh viên, học sinh nghỉ hè đang làm bóng đá phong trào. Rôm rả.
Hani đầu tư sửa chữa và nâng cấp khu Trưng bày cũ, ra Qui Nhơn đặt cả đống tượng bằng sa thạch về trang trí, lấy tên Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRAHANI.
– Để đón khách Katê, Hani bảo.
Tôi nói: – Không. Làm cho đẹp làng với vừa mắt khách thì được, chứ buôn bán thì – tuyệt đối không! Không nên kiếm tiền ở nhà quê để dùng tiêu pha đất Sài Gòn. Ngược lại thì được. Làm là làm đẹp mặt làng, và đẹp mặt ta nữa. Còn làm kinh tế thì chớ hòng.
Khai trương Nhà Trưng bày kết hợp với Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau, có cả đãi khách cơm chiều và văn nghệ. Khai mạc đúng 4: 30 giờ, chiều 16-10-2009.
Khách trung ương, khách Sài Gòn, khách văn nghệ Phan Rang, và anh chị em Tagalau. Tất cả 56 người ngồi vừa đủ trong gian phòng của Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani.