[“Biết một là biết tất cả”]
Đây là lần thứ ba tôi viết về/ cho Thành Đài, và có lẽ là lần cuối.
Lần 1, “Minh định về bức thư của Tiến sĩ Thành Đài” khi anh “bênh vực” tôi, thuở anh tranh cãi với CPK, bài đăng Inrasara.com, 25-8-2012; lần 2, “Tôi có 1 ước mơ I have a dream” đăng FB mới đây: 28-3-2020; và lần này.
Tôi nghĩ tôi có tư cách viết cho anh, do nhiều chuyện, xin kể ba:
[1] Tôi là học trò cưng của Ja Mrang. Lúc tôi 16 tuổi, ông hay ghé ‘yoong bbang’ nhà chị Sĩ tôi ở Phan Rang. Ông là thiên tài về tuyên truyền và xách động. Các anh em họ tôi mê tít. Với tôi, tôi không phản đối, chỉ nói:
– Thầy hay đi xa kiếm được cho em bộ sử Champa thì quý quá.
– Mỗi người có một việc em à – thầy nói.
[2] Hè 75 “giải phóng”, tôi 18 tuổi, thanh niên Cham tràn lên núi. Anh Đạm rủ tôi ‘nao ngak ia’, sắp được nước rồi. Tôi không phản đối, chỉ nói với ông anh ruột: Em làm cách mạng tinh thần Cham.
[3] Năm 1980 lúc 23 tuổi – cùng thầy Nguyễn Văn Tỷ, tôi viết thư dài lên “trên” tường minh về Trường Pô-Klong, Nhà Vãng lai Cham, Trung tâm Văn hóa Chàm. Ý thư, nếu giữ lại cả ba cho Cham, Nhà nước được nhiều hơn mất. Thư này năm 1993 ở Sài Gòn, gặp anh Ứng đương chức to ở Thuận Hải, tôi hỏi anh bảo có nhận được, và “trên” nghiên cứu kĩ.
Nghĩa là bạn cần “thức tỉnh sứ mạng” từ rất sớm…
Vậy, xin bắt đầu.
*
Vừa qua, một bạn Cham hải ngoại thư cho tôi, kêu Sara nên ủng hộ Ts-Thành Đài, để Cham có được tiếng nói ở Liên Hiệp quốc. Tôi nói: Không.
Non hai thập niên qua, Ts-Thành Đài là một trong vài nhân vật Cham đình đám. Đình đám, để hết bị phê phán đến chưởi, thậm chí – tố cáo, mà không có ai có ý gợi mở cho anh hướng đi khả dĩ. Hôm nay tôi thử làm công tác đó. Không riêng cho Thành Đài, mà cho sinh linh Cham có ý đi theo con đường anh ở những ngày tháng tới.
Tôi không làm chánh trị, đất nước C.S. mà đi làm chánh trị có mà… toi.
Bạn Thành Đài du học sớm, sau đó ở lại, tiện đủ đường. Bạn tiến sĩ chính trị học, là điều hiếm [tôi không bao giờ đặt vấn đề về bằng cấp anh, nếu nó “giả” mà anh làm “THỰC” cũng không là chuyện đáng nói]. Bạn thông minh lanh lẹ, có tinh thần dân tộc, năng nổ và xông xáo, càng hay nữa.
Nhưng bạn cần bắt đầu từ đâu?
– Từ tâm thế và vị thế của sinh linh một dân tộc bản địa, dân tộc nhỏ, dân tộc yếu: đó chính là TƯ TƯỞNG CHỦ ĐẠO. Mọi hoạt động của bạn cần khởi từ đó, và qua đó mới mong hiệu quả. Không thể đốt giai đoạn.
1. Bắt đầu từ mảnh đất nơi bạn đứng.
Bạn lấy tiến sĩ ở Ukraina, Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl nổ, bạn đã phản ứng thế nào? Rồi, khi đất nước này bị Nga hiếp, bạn ở đâu? Bạn có bài báo nào sáng giá?
Sống Thụy Điển, một đất nước hòa bình hàng đầu, bạn có nằm trong tổ chức hòa bình dù nhỏ nào ở đó để có tiếng nói bảo vệ thế giới “ít, nhỏ, yếu” ngoài kia?
Sau đó khi bạn qua các nước Đông Nam Á, là mảnh đất “bản địa, ít, nhỏ, yếu” đầy tiềm năng, bạn đã làm gì? – Tôi chưa thấy bạn làm gì ở đây cả!
Đấu tranh cho Cham KHÔNG CHỈ khoanh vùng trong thế giới Cham, hay mỗi Chàm mình với nhau, mà biết nhìn ra xung quanh, về thế giới rộng lớn hơn. Vừa đấu tranh cho phía “bản địa, ít, nhỏ, yếu” vừa tranh thủ bạn bè quốc tế. Lãnh địa này, có thể kể:
Đông Nam Á so với thế giới, Cambodia so với Đông Nam Á;
Dân tộc thiểu số so với dân tộc đa số, Cham so với Việt;
Thổ dân so với các dân tộc văn minh trong khu vực…
Nơi đó hiện có nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức lớn nhỏ. Nếu bạn tài năng, nhập cuộc đúng điệu, và hiệu quả, bạn ngoi lên “hàng đầu” và tiếng nói bạn ắt có trọng lượng. Từ đó, các tổ chức kia sẽ mời bạn giữ chức vụ trọng yếu, hay may mắn hơn: lãnh đạo.
Liên Hiệp quốc sẽ sắm cái ghế súp nào đó cho tổ chức bạn [Hiệp hội các Dân tộc bản địa Đông Nam Á chẳng hạn]. Hiện nhân loại tiến bộ cần sự có mặt của nó.
Từ đó chính quyền Việt Nam không thể không lắng nghe bạn.
2. Tôi với văn học ngoại vi [thay “tôi” bằng tên nào khác bất kì, mà không cứ là Inrasara].
Chánh trị khác văn học, dẫu sao để dễ nhận diện vấn đề, tôi thử mang hai thứ ra đối sánh, không phải so đo cao thấp – vô ích, mà để xét thế nào là NHẬP CUỘC ĐÚNG ĐIỆU.
Tôi xuất thân “bản địa, ít, nhỏ, yếu” như bạn, còn thua bạn, tôi không bằng cấp, tay trắng đi vào thế giới chữ nghĩa Việt. Ngoài sáng tác thơ văn, tôi làm gì?
Đầu tiên tôi ý thức văn học Cham thuộc VĂN HỌC NGOẠI VI. Tôi xem đó là xuất phát điểm chủ đạo, từ đó mọi hoạt động chữ nghĩa của tôi đi trên sợi chỉ dây chông chênh ấy. Nguy hiểm mà thú vị, công bằng và đẫm tính nhân văn. Là điều “nhân dân văn học tiến bộ” trên thế giới không thể không ủng hộ.
Tôi tìm diễn đàn trong và ngoài nước, tiếng Việt và ngoại ngữ, chính thống và phi chính thống, giấy và mạng. Tôi viết báo, diễn thuyết đấu tranh cho sự có mặt công bằng của các dòng văn học ngoại vi, là:
Văn học Việt Nam và Đông Nam Á so với thế giới;
Văn học miền Nam trước 75 so với văn học miền Bắc XHCN;
Các nhà văn Việt ở hải ngoại/ người viết trong nước;
Văn học DTTS/ văn học của phía đa số là người Việt;
Cây bút chưa [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn/ nhà văn hội viên;
Các sáng tác và tác phẩm in ấn ngoài luồng/ tác phẩm qua giấy phép của nxb Nhà nước;
Địa phương/ trung ương, nữ/ nam.
Văn học Cham nằm trong toàn cảnh các dòng văn học ngoại vi ấy.
Đấu tranh cho văn học “bản địa, ít, nhỏ, yếu” kia – là điều chưa có một nhà văn Việt nào làm như tôi, làm đủ đầy và quyết liệt.
3. Từ đó,
khi tiếng nói tôi [hay bạn] có trọng lượng, họ – những món “ngoại vi” ấy – mời:
Chủ trì, chủ biên, dự hội thảo, tổ chức bàn tròn, đề nghị làm đại biểu cho tiếng nói của văn học bản địa, văn học ngoại vi, vân vân.
Ở đó không ít nhà còn đẩy tôi lên “hàng đầu”, “chủ soái văn đàn” này nọ nữa. Tôi gạt phắt. Ở chế độ này, ngồi chốn chơi vơi ấy, có mà tiêu!
Bạn – tiến sĩ Thành Đài, ở lĩnh vực chánh trị: Thật lòng, hiểu biết, và tới cùng – tại sao không?