CHAM, TÔI & NGOẠI VI

[hay: “Ngoại vi” như là một đối tượng đấu tranh cho”]

Mùa đại dịch, Vanviet vừa đăng 2 bài đỉnh, đối với nhà văn và công việc văn chương: Trịnh Y Thư, “Đại dịch covid-19, đọc lại La Peste của Albert Camus”, và Diêm Liên Khoa. “Đối mặt với covid-19: sự yếu đuối, cô độc và bất lực của văn học”.

Đó là nhà văn tự thức (self-consciousness), ý thức về vị thế của mình, và về chức năng của văn học.

Viết là tự thức theo nghĩa rộng nhất của từ. Triết gia cũng không khác. Heidegger sau khi cho ra đời siêu phẩm Sein und Zeit tập 1, ông chỉ lo “chú thích” mình, đến quên cả lời hứa rồi bỏ luôn Sein und Zeit tập 2.

Nay bởi có vấn đề, tôi cũng “nghiên cứu” và chú thích mình.

1. Tút hôm qua, trong khi ông anh Tưởng Năng Tiến trích đoạn kết, để nhấn: “Đấu tranh cho văn học “bản địa, ít, nhỏ, yếu” kia – là điều chưa có một nhà văn Việt nào làm như tôi, làm đủ đầy và quyết liệt.”

Thì một bạn Chàm mình yêu Sara chat: “Viết thế em e rằng kẻ ghét Sara lại bảo anh khoe khoang”. Tôi nói: “Không đâu, Sara không nói giả, mà thật – karun nhé!”

Nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Tôi xem văn chương như là cách tỏ thái độ. Tỏ thái độ theo thể điệu riêng của mình. Phê bình thì càng.

Mươi năm trước có bạn trẻ Cham hỏi tôi [chuyện kể rồi, xin tóm]: “Hà cớ Inrasara không lo nghiên cứu văn học Cham, mà bỏ quá nhiều công sức đi phê bình thơ hậu hiện đại Việt?” tôi nói:

– “Phê bình hậu hiện đại không phải chỉ là hậu hiện đại. Hậu hiện đại bênh vực ngoại vi, đấu tranh cho sự tồn tại của cái KHÁC, ở đó có Cham.”

2. Về ngoại vi, không phải không có nhà Việt chú ý, và làm. Họ làm, thứ nhất mang tính nghiên cứu, thứ hai, nhấn về một hay vài mảng chứ chưa có cái nhìn toàn cảnh.

Tôi thì khác. Đầu tiên và cuối cùng, xuyên suốt và nhất quán. Thế nên nói “đủ đầy và quyết liệt” không phải nói càn. Tạm dẫn 10 mục đính kèm bài viết chính:

[1] Văn học Cham là đương nhiên rồi, không phải văn học cố điển, mà là sáng tác hiện đại.

– Cuốn “Nhập cuộc về hướng mở”, phần 1: Thơ tiếng Việt; phần 2: Thơ tiếng Cham.

– “Văn học trong thời đại toàn cầu hóa, trường hợp Cham”, tạp chí Nhà văn, 1-2012

Ngoài ra các khuôn mặt văn chương Cham đương đại, không ai tôi không có bài riêng.

[2] Văn học DTTS Việt Nam

– “Thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam vừa đi vừa ngủ” in trong Chưa Đủ Cô Đơn Cho Sáng Tạo, 2006.

– “Văn xuôi DTTS, khác biệt mang tính vùng miền”, báo Đại biểu Nhân dân, 9-5-2012

Và viết riêng về nhiều tác giả khác.

[3] Văn học miền Nam trước 75, có nhà đi sâu nghiên cứu – Trần Hoài Anh chẳng hạn, tôi thì khác: đặt vấn đề.

– “Chúng ta nợ gì văn học miền Nam?” đọc tại Hội thảo ở Đại học Thủ Dầu Một, 28-10-2016.

– “Văn học miền Nam 1954-75 có gì [mà miền Bắc không có]?” Vanviet, 2-11-2016

Sau đó tôi làm 2 kì Cà-phê thứ Bảy Văn học để “đòi nợ” tại TPHCM.

[4] Sáng tác in ngoài luồng, tôi là người viết về họ đầu tiên và viết dày, đến thành… “chuyên gia”.

– “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tienve, 17-3-2005; Đại hội Hội Nhà văn TPHCM, 3-2005;

– “Văn chương TPHCM, giữa đường biên bảo thủ và nổi loạn”, Tham luận tại Đại hội Nhà văn Việt Nam khu vực TPHCM, 15-6-2010.

[5] Cây bút tỉnh lẻ và chưa [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn

Ở đây tôi giới thiệu rất nhiều cây bút mới, lạ và chưa nổi tiếng, để làm thành tác phẩm: Thơ Việt Sau Hậu Hiện Đại, 2012.

[6] Các nhà văn Việt ở hải ngoại

– “Di cư ngôn ngữ của nhà văn”, tạp chí Tia sáng, 20-8-2014

Cộng tác với Tiền Vệ, Thơ, Hợp Lưu, Talawas… tôi viết và giới thiệu hơn 20 nhà thơ, nhà văn Việt hải ngoại. Nhiều bài tập hợp trong tác phẩm: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, 2011.

[7] Các cây bút nữ, ngoài cuốn Thơ Nữ Trong Hành Trình Cắt Đuôi Hậu Tố ‘Nữ’, 2 bài chính:

– “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ”, Talawas, 4-2006;

– “Nữ quyền, thơ và cái bẫy ngôn từ”, Tia sáng, 8-3-2016

[8] Các trào lưu văn chương mới bị đẩy ra ngoài lề

Ngay từ năm 2004, tôi viết nhiều tiểu luận, phê bình về Hậu hiện đại và Tân hình thức Việt là hai trào lưu “ngoại vi” bị phân biệt đối xử.

– “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”, Tienve.org, 27-2-2011;

– “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC, 9-7-2011.

[9] Văn học Đông Nam Á và nhà văn ngoại vi thế giới

– “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế Hậu thuộc địa”, tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 31, Xuân 2006;

– “Văn chương ngoại vi/ trung tâm, từ một góc nhìn”, Tienve, tháng 10-2006.

[10] Văn chương mạng, tôi mở Bàn tròn Văn chương đầu tiên về món này

– “Văn chương mạng”, tạp chí Tia sáng, số 9-2007.

– “Viết – đọc – cảm văn chương mạng”, Hội thảo Văn học mạng, tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, 21-3-2008.

3. Tất cả không phải nghiên cứu, mà là phê bình, tranh luận, và luận chiến với thế giới chữ nghĩa đầy phân biệt trong đó không ít mảng bị nạn rất nặng nề, để TÌM CHỖ ĐỨNG cho văn học ngoại vi. Tôi thành “chủ soái”, “đại biểu” – là vậy.

– Hội đồng LLPB Trung ương mời tôi hai buổi diễn về Văn học DTTS Việt Nam trước 300 “đại biểu ưu tú” cả nước. Nơi đó, thấy tôi “chiến” gay quá, cắt hợp đồng luôn!

– Sàn Art mời tôi tìm người cho hội thảo văn chương ngoài luồng của họ.

– Đại học Osaka Nhật mời tôi hội thảo Văn chương bản địa (the literature of indigenous people) ở đó tôi là một trong hai tác giả được chọn giao lưu bạn đọc.

Vân vân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *