Glang Anak [4]. HIỂU BIẾT ĐỂ SỐNG SÓT [hay: Cham chưa [biết] HỌC]

Bài học 4. Cái BIẾT cứu chuộc thế giới

Không đòi hỏi tinh thần học theo truyện cổ “Đi tìm học bán vợ” của kẻ Thiện tri thức (xem Minh triết Cham), mà là học-hỏi để biết tường tận một vấn đề, một vụ việc thôi, ta vẫn chưa. Ta học để lấy bằng, để làm quan, hay để ra oai, cùng đủ thứ “để”, nhưng học để hiểu – thì chưa.

Glang Anak [câu 40]

Kunal di tian đom bibiak uraang tanhi’:

Nhớ nằm lòng, thuộc thực sự, [khi] người ta hỏi [để biết đàng trả lời]

Tại sao “nhớ nằm lòng”? – Bởi sách đã bị thiêu hủy.

Và thế nào “thuộc cho ra thuộc”? – Bởi thuộc lơ mơ, là hỏng.

Văn hóa dân tộc ‘bhaap ilimô’, bạn hiểu rõ chưa? Vấn đề xã hội Cham, bạn có thông ngọn ngành? Vậy làm sao khi người ngoài đến, ta có thể giới thiệu, hay “méc”, để họ giúp ta?

Câu chuyện.

Hôm Tết 2020, gặp anh Trượng Chóng tại nhà Thuận Văn Tài tại Hamu Tanran, chuyện bao đồng, anh kể vụ thầy Nguyễn Văn Tỷ và Hội đồng Sư cả. Đợi anh xong, tôi hỏi:

– Ông anh lấy tư liệu ở đâu thế?

– Chuyện ai mà chả biết – anh trả lời.

Tôi kể lại cho anh, rất khác. Tôi bảo:

– Sara có “hồ sơ”, hôm nào đưa anh tham khảo.

Chúng ta luôn chìm trong cõi biết trung bình là vậy.

Tôi, ngay tuổi 15, vụ “tranh Adhya”, “tranh “Dân biểu”, tôi tìm đến nhiều người, hỏi, ghi chép. Thập niên 1980, tôi còn tìm tận cụ Thiên Sanh Cảnh, chú Châu Văn Mỗ, quý thầy Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ làm việc nhiều ngày, để kiểm chứng lại thông tin.

Mọi vấn đề, vụ việc tôi hành xử y hệt phương cách tôi từng làm với Kut Raglai­-2018, hay vụ CMND Bà-ni thành Hồi giáo-2017, hoặc Agal Cham Ahiêr-2019 lúc này.

Tìm Kut Raglai, tôi được lợi gì không? Hoàn toàn không, mà chỉ để BIẾT. Biết và VUI. Đó chính là huyền nghĩa của HỌC. 

Các bạn trẻ Cham hôm nay, có ai chịu học-hỏi như thế? Chưa ai cả!

Tôi, một tuần đi Nhật thực địa Căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, vào tận trung tâm khu vực Thảm họa Fukushima, chin ngày về Điện hạt nhân và Dân tộc bản địa Đài Loan, bảy ngày cho các bộ lạc ở Úc. Bát ngát chuyện, tất cả đều liên quan đến sinh phận Cham, vậy mà chưa thấy một Cham nào ghé tôi hỏi chuyện!

Cả trăm tút đăng tải có đủ không? Nếu là tôi, tôi quây ông Sara mệt nghỉ.

Vụ mới nhất: YEAH1 Chị Thám Tử, cũng chả có Cham nào gặp tôi bàn. Không nắm vấn đề, thì hiểu lầm, trách la – là khó tránh. 

Glang Anak [câu 15]:

Duix xak kê pap di thei

Đôm thong gaup bloh kakei, mưng thau khing đôic dwah pajang

Gặp nạn ta biết tìm gặp ai?

Nói với nhau rồi nhắn lời, mới biết đàng chạy tìm chở che.

Vụ Đàng Ngọc Thủy, 5-2016, các bạn trẻ mỉa mai dân khoa bảng khi họ im lặng trước người đồng tộc bị nạn, tôi viết (trích nguyên văn):

Đòi người, ai trách nhiệm?

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI đại diện cho Cham, bà Hương ở Hamu Tanran cùng quê với Thủy. Hiện bà ở đâu? Bà con Hamu Tanran hãy đến gặp bà Hương, đòi hỏi [không phải cầu xin] bà phải có tiếng nói can thiệp. 

CÁC VỊ PHỤ TRÁCH VẤN ĐỀ DÂN TỘC

Ban Dân vận TPHCM, hay chị Đổng Nữ Hoàng Yến người Cham, Ban Dân tộc Thành phố nữa. Các bạn trẻ hãy đến đó, đề nghị họ “đòi người” cho mình.

Các vị ấy đang ăn lương, và đó chính là công việc của họ.

TRÍ THỨC. Tiếng nói trí thức là tiếng nói tự nguyện. Ta chỉ có thể yêu cầu họ tiếp sức, chứ không gì khác. Các bạn có thể yêu cầu các chú, các bác ấy đang làm việc tại TPHCM, nêu đích danh. Cạnh đó, còn có các nhà văn, nhà kinh doanh… nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *