Hiểu biết để sống sót. BẠN CÓ HIỂU TÔN GIÁO BẠN KHÔNG?1-2-3

“Tôn giáo Ahiêr Awal là độc nhất vô nhị trên thế giới. Nếu kiến trúc-điêu khắc và Hải sử-Văn hóa Biển là 2 đóng góp lớn nhất của Cham cho Việt Nam, thì chính Tôn giáo Ahiêr Awal là một cống hiến độc đáo của Cham cho nhân loại.”

(Diễn thuyết tại Sàn Art – diễn đàn quốc tế Úc và Đan Mạch, Sài Gòn 2014)

Ở 80 cuộc [bài] THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL, khởi viết 15-2-2017 và kết thúc 10-4-2017, tôi đã đặt toàn bộ vấn đề lên bàn khá rốt ráo rồi, nay chỉ là một ngoảnh nhìn lại.

1. Về lịch sử

Sau 3 thế kỉ truyền đạo vào Champa, đến thế kỉ 14 Hồi giáo hình thành lực lượng đáng kể trong vương quốc. Người Cham Hồi giáo xung đột với Cham Bà-la-môn có mặt từ nhiều thế kỉ trước đó. Sự thể biểu hiện rất rõ trong Akayêt Um Mưrup, Ariya Bini Cam, và cả văn học dân gian. Xung đột gây ra bao nhiêu tang thương cho người Cham suốt 3 thế kỉ.

Đến thế kỉ 17, Pô Rômê mới biến Hồi giáo thành Cham Awal (tức Bà-ni), đó là Hồi giáo được Cham hóa hoàn toàn. Sau đó Ngài còn biến Bà-la-môn thành Cham Ahiêr, tức là Cham hóa Bà-la-môn.

Rồi Ngài hòa hợp hai bộ phận Cham Ahiêr và Cham Awal thành Cham Ahiêr Awal.

Chức sắc Cham ‘Bà-la-môn’, Cham gọi là Halau janưng Ahiêr; chức sắc Cham Bà-ni là Halau janưng Awal; còn chức sắc phục vụ hai bên Cham gọi là Halau janưng Ahiêr Awal!

Đây là một cải cách thông minh, kết hợp hai khối cộng đồng Cham thành một, đã được toàn bộ Cham đồng lòng tuân thủ ngót bốn thế kỉ qua.

2. Ahiêr và Awal có phải là tôn giáo?

Đặt câu hỏi, nghĩa là có hồ nghi về tính chính danh của sự thể. Không lạ, khi có người cho Ahiêr và Awal không phải tôn giáo, mà chỉ là một hình thức tín ngưỡng dân gian.

Một tôn giáo cần đến 3 yếu tố chính: Giáo lí [và giáo luật], giáo đường, giáo hội [và giáo chủ]. Ahiêr và Awal thiếu một/ vài yếu tố đó.

Awal còn đỡ. Có giáo đường, để mỗi năm các chức sắc chay tịnh; phần nào đó: giáo hội, với Suk Yơng (Lễ thứ Sáu xoay vòng) cho các cấp Acar từ 7 Thang Mưgik gặp gỡ nhau thảo luận vụ việc tôn giáo; và giáo lí, dù giản đơn nhưng cũng đã được in ra phổ biến. Chứ bên Ahiêr, không gì cả.

Giáo lí thì Pô Adhya nào biết kinh kệ Agal Pô Adhya nấy. Ở đó cũng chả có giáo luật nào mang ra dạy tín đồ nữa.

Giáo hội ư? Cũng tùy nghi. Panrang có 3 cụm tháp thì có ba Pô Adhya trụ trì, các vị này cũng hiếm khi gặp nhau thảo luận, thì làm gì có thể cấu thành giáo hội.

Giáo đường càng thảm nữa: mỗi năm Pô Adhya lên cúng tế tháp 2-3 lần, mỗi lần 1-2 giờ, rồi đóng cửa để đó mặc tình cho mưa gió.

3. Bạn có hiểu tôn giáo bạn không?

Các vị chức sắc có hiểu? Các bậc trí thức? Và tín đồ?

Kinh sách thì vậy, Luận không có, Luật thì càng! Ta hoàn toàn không có chỗ giảng đạo, càng không giảng đạo, thì lấy gì mà hiểu, và hiểu đúng?

Thầy chỉ dạy riêng cho trò, theo kiểu bí truyền chứ chẳng hề có giáo đường nào để giảng đạo. Tín đồ không hiểu kinh kệ tôn giáo mình càng tốt. Thuở bé, mỗi bận tôi đọc Thôm, Angar, But… là mẹ la. Chuyện lịch pháp, ngày tháng là của riêng Pô Adhya, mi chỉ được quyền nói: Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư… thôi.

Lạ hơn nữa, đó là tôn giáo không muốn/ cần ai vào đạo mình.

Bị kêu là “tín ngưỡng dân gian” không phải là oan.

Dù dù thì gì, cần khẳng định: Cham có tôn giáo. Tôn giáo Ahiêr Awal – tôn giáo đặc thù Cham.

Hiểu biết để sống sót. BẠN CÓ HIỂU TÔN GIÁO BẠN KHÔNG?-2

[hay: Hai mà MỘT nền tảng]

Các hiện thực độc đáo diễn ra trong tôn giáo tín ngưỡng Cham…

1. Mưliêng kanư thế nào?

Trước đây, Cham jat tức Cham tiền tôn giáo thờ YANG, Cham Ahiêr thờ cả lẫn Yang, Cham Awal thờ . Cham Ahiêr Awal thờ cúng PÔ YANG (thờ phụng và cúng tế tiếng Cham là mưliêng kanư).

Ở Cham, tôn giáo và tín ngưỡng bất phân li. Ahiêr Awal là một TÔN GIÁO-TÍN NGƯỠNG vô cùng độc đáo. Còn được gọi là Tôn giáo Ahiêr Awal, hay Champa giáo!

Phân biệt tôn giáo này với tôn giáo khác, việc thờ cúng là quan trọng nhất.

– Trong Thang Mưgik Awal, các cấp Pô Acar chỉ biết Pô Auluah, còn sinh hoạt cộng đồng, Cham Awal thờ cúng nhiều Pô YangYang khác nhau: [1] Thờ Pô Aulwah thì đương nhiên, [2] Ngoài ra còn thờ các vị vua Champa được thần hóa hay các anh tài như Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Pô Klong Kachat… [3] Thờ Yang như Yang Pô Bhum (Thổ thần), Yang Patau Ging (thần Bếp lửa)… [4] Và nhất là thờ cúng ông bà tổ tiên là Muk Kei.

– Trong các lễ Rija, Ông Mưdôn đọc Damnưy (tụng ca) mời rất nhiều Pô đến hưởng lễ vật.

– Lễ cúng Palao Paxah, cả ba chức sắc gồm Halau janưng Ahiêr, Halau janưng AwalHalau janưng Ahiêr Awal cùng phối hợp làm lễ.

Ngược lại, Cham Hồi giáo không bao giờ làm các Rija và lễ Palao Paxah nhất là tuyệt đối không bao giờ hành lễ chung với Cham Ahiêr lẫn Awal.

2. Thừ xem 5 Pô Yang

5 Pô Yang xuất hiện thường xuyên trong các lễ/ bài cúng tế của Cham, đó là: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Bin Thôr, Pô Rômê và Pô Riyak.

Pô Inư Nưgar: là vị khai quốc, khi các tôn giáo chưa vào Champa. Hiện nay mọi người Cham thuộc tôn giáo tín ngưỡng nào bất kì đều nhớ ơn [và thờ phụng] Bà.

– Pô Klong Girai thế kỉ 12, là “Cham Bà-la-môn”, người có công đánh đuổi quân Khmer xâm lược, thống nhất đất nước. Ngài được cho là vị vua anh minh nhất của Champa, thế nên được nhân dân thần hóa và thờ phụng chung. 

– Pô Bin Thôr cuối thế kỉ 14, được cho là quân sự đại tài của Champa. Để tập hợp hai lực lượng Cham khác tôn giáo, ngài đã lệnh cho quân sĩ kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Truyền thống ấy đến nay palei Bal Riya Bĩnh Nghĩa vẫn còn lưu giữ.

– Pô Rômê thế kỉ 17, có nguồn gốc mơ hồ (có người cho Ngài là Cham Bà-la-môn lấy vợ Bà-ni – kết hợp hai tôn giáo). Pô Rômê là vị vua lớn cuối cùng của vương quốc Champa, và được cả ba bộ phận Cham, gồm: Cham Jat, Cham AhiêrCham Awal thờ phụng

– Pô Riyak, cuối thế kỉ 17 khi Champa đã mất, là Cham Bà-ni chính thống. Ngài là người có tinh thần dân tộc và chí hiếu học đáng ngưỡng mộ. Bà con Cham Ahiêr làng Mỹ Nghiệp thỉnh Ngài về làm Thần Làng ở đất Chakleng.

Là các hiện tượng siêu lạ, tại sao?

Cham Bà-ni (Cham Awal) và Cham Bà-la-môn (Cham Ahiêr) tuy hai mà MỘT, là không thể phân li. Từ đó cặp đôi từ ‘Ahiêr Awal’, ‘Cham Bini’, ‘xa-ai Cham adei Bini’… xuất hiện với tần suất rất cao trong đời sống ngôn ngữ lẫn văn chương Cham.

Hiểu biết để sống sót. BẠN CÓ HIỂU TÔN GIÁO BẠN KHÔNG?-3

[hay: Cham Ahiêr Awal với vô số “hiển ngôn” MỘT]

Cham Ahiêr Awal thờ phụng chung nhiều Pô Yang thì hẳn rồi, nổi bật hơn cả là các vị vua, anh hùng liệt nữ dân tộc được thần hóa. Trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng và cả đời thường, hai bộ phận Cham này còn tồn tại bát ngát “tuy hai là MỘT” khác. Chúng thâm nhập vào nhau, hòa hợp và hòa quyện nhau, lệ thuộc và cả làm vướng chân nhau – mới kì. Pô Rômê muốn thế, để hai bên không thể chia tách.

Tạm kê:

Chuyện nhiêu khê nhất chính là Xakawi dùng chung, bên này lệ thuộc bên kia và ngược lại. Thế nên năm nào Halau janưng và trí thức Cham cũng mang mỗi thứ đó ra bàn mà không xong.

Lễ Sug Yơng, Halau janưng bên Ahiêr được mời vào Thang Mưgik Awal để bàn thống nhất, nhưng rồi cũng xảy ra sai biệt. Các nhà “khoa học” vào cuộc càng thêm rối rắm. Thế mới thành… Cham.

Cham Ahiêr tuyệt đối không cúng thịt heo trên tháp, tế thần các loại cũng không dùng đến thịt heo, có nguyên do sâu xa đầy tính nhân văn của nó. Để hai bộ phận Cham hiểu, mà nhường nhịn nhau.

Trải chiếu cúng, thì “Pô pađaang, Yang pagrwak” (Cúng Pô thì

[trải chiếu cói]

ngửa, cúng thần thì úp). Ngửa tượng trưng cho Awal, úp tượng trưng cho Ahiêr.

Áo, chức sắc Ahiêr mặc áo “nữ”, còn Awal áo “nam”.

Karah mưta (nhẫn có mắt) là dấu hiệu nhận ra sinh linh Cham, nếu Ahiêr có “4 mắt” thì Awal đeo nhẫn “6 mắt”!

Chôn người chết, Ahiêr đầu hướng về nam thì Awal hướng về bắc!   

Và vô số chi tiết đời thường khác, không phải để “chống” nhau, mà để nhớ nhau và nhận ra nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *