[hay Làm khác, để tồn tại]
Nguyễn Văn Tỷ, thầy dạy Pháp văn tôi thuở Pô-Klong, thủ trưởng tôi hồi Ban Biên soạn sách chữ Chăm, sau đó là bạn vong niên tôi. Ông là trí thức hàng đầu của Cham hiện đại. Quan sát về cộng đồng của ông rất đáng ghi nhận. Ông tổng kết, và đưa ra 2 ‘chân lí’ sau:
1. Chớ buôn bán với Cham, mở quán, Cham mua chịu, sập tiệm là cái chắc.
2. Cham giúp nhau làm đám, chớ không bao giờ giúp nhau làm ăn.
Ý này thi sĩ Trầm Ngọc Lan nói vui hơn: Muốn làm ăn thì hỏi người Tàu, đánh nhau thì hỏi người Việt, còn làm đám các thứ cứ hỏi Cham.
Là chân lí không bao giờ thay đổi, ít nhất từ thế kỉ XX về trước. Không sai, bởi chính tôi cũng thấy thế, nghĩ hệt thế! Nhưng tại sao không thể khác?
Tôi đã làm ngược lại, và sự thể dẫn đến kết quả rất khác.
Năm 1991, tôi mở quán tạp hóa ngay trung tâm palei Chakleng, thầy Tỷ can, và rồi tôi đã thành công lớn [so với nhà quê].
Với Cham, tôi tuyệt KHÔNG GIÚP LÀM ĐÁM các thứ, ngược lại: GIÚP LÀM ĂN, từ Ý, Phương pháp, cho đến Tiền. Ít nhất 20 người, ở đó 90% thành công.
10% thất bại là ai? Lại là người tôi yêu thương nhất, và ưu ái hơn cả: Anh Đạm, và Trà Vigia. Họ thất bại, nguyên do từ tài tử tính khó trị của họ. Trà thì tôi đã kể rồi, anh Đạm, nay tranh thủ kể để anh về kịp với ông bà.
Chuyện-1. Mùa hè 1992, lúc đó non 400ha đất nông trường Sông Pha giải thể, quản lí nông trường chuyển cho ông trung tá bộ đội hưu. Ông này không vốn đầu tư, mới nhờ đến anh Hàm Bộ guru của tôi. Anh Bộ cũng không đồng vốn, chạy đến tôi. Tôi lại sắp vào Sài Gòn làm việc, nên thu xếp cho anh Đạm.
Tôi hứa sắm cho anh chiếc xe đốt cũ chở hàng lên xuống, bên cạnh cấp đủ vốn. Rồi do thiếu tính phiêu lưu, anh không nghe lời thằng em lại đi nghe bạn nhậu bàn, ra ứng cử Thôn trưởng!
Nghe tôi, anh [với cả anh Hàm Bộ] đã giàu, và biết đâu cả hai có thể cải mệnh (anh Bộ sau đó làm nghề chích bò, bị nạn mất 1999).
Chuyên-2. Năm 1994, anh Đạm khó khăn, tôi mới sắm cho anh cặp bò. Bò về đến nhà, thì rủi thay, ngay tối đầu tiên thì một đứa sẩy chuồng chạy đâu mất tăm, anh đành bán đứa còn lại, tiêu.
Cuối cùng lần ba, tôi cho anh 3 ‘nuh papaan’ (cuộn dệt) làm vốn, thuê ba cô thợ dệt ngồi vào, quản lí tốt là thừa tiền lãi nuôi gia đình. Dặn đi dặn lại, tuyệt đừng phạm vào vốn nhé! Nửa năm sau về quê, hỏi thì anh bảo bà chị cei nó tiêu hết cả vốn lẫn lãi rồi còn gì!
Tội anh tôi không?!
Cầu Pô Yang anh về vui vẻ. Bởi dẫu sao trước khi đi, tôi đã kịp in tập THƠ BA ANH EM, để anh có cái gì đó báo cáo ông bà.