1. Trong ngôi nhà nhỏ cô độc ở Fukushima, tôi hỏi nhà thơ Wakamatsu Jataro:
– Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Ông có thể kể câu chuyện đáng kể nhất cho thế giới bên ngoài về vùng đất này? Đâu là câu chuyện găm vào tim ông sâu nhất, trong và sau thảm họa Fukushima?
Ông nói mình là dân “Nhật” từ phương xa theo vợ về đây, không biết nhiều về vùng đất này [nhớ, ông đã bám trụ Fukushima hơn nửa đời hư!] Xưa Fukushima là đất dân tộc Emishi, năm 1200 người Nhật từ miền Nam tràn lên Đông Bắc đánh đuổi dân bản địa, số còn lại bị đồng hóa. Hiện không còn ai nhận mình là tộc Emishi nữa.
– Những kẻ chống Điện hạt nhân là người Emishi, có lẽ, bởi đây là đất mẹ của họ chứ không phải tôi – ông thêm, và cười móm.
Non hai giờ tiếp chuyện, nhà thơ già đưa tiễn tôi, tại bậc cửa, quay lại bắt tay tôi, ông nói:
– Nhà văn là người lưu giữ kí ức dân tộc, đúng lắm. Còn nhà thơ? Nhà thơ là kẻ sáng tạo giấc mơ của dân tộc.
2. 10 câu chuyện trong Thả Diều Xứ Nắng được nxb Kim Đồng in 24.212 bản phát hành khắp cả nước. Thế hệ thanh thiếu niên Cham có cầm được nó trên tay không? Chắc chắn là không rồi. Nó lưu lạc tận đẩu đâu, chứ không có mặt trong dân. Các nhà nghiên cứu ta ứng xử với Sử thi Tây Nguyên cũng hệt.
Tôi đã phải mua Thả Diều 1.000 bản để phát hành giá rẻ. Qua ba ngày là hết sạch! Câu chuyện Cham Pangdurangga, tôi kể, tôi sưu tầm và viết thành sách, tôi mua lại nó rồi bán giá như biếu cho bà con. Ai bán được tiền nấy hưởng.
Chơi kiểu đó, người Cham không yêu đất, yêu palei, giữ làng – mới lạ!
Còn Bản Giốc?!
3. Sau buổi thuyết giảng ở Sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội 5-2015, anh bạn nhà thơ đồng thời là quan lớn đến gặp tôi tại khách sạn. Sau vài chuyện bao đồng, anh nói:
– Chiều hôm qua hay lắm, nhất là ở phần hai, Sara đã cung cấp cho giới có học Hà Nội vô số kiến thức chưa từng được biết đến về người Cham và văn hóa văn minh Champa. Mình đồng ý với Sara hầu hết, nhưng có lẽ đây chưa phải lúc…
– Vậy bao giờ mới phải lúc? Một thế hệ mù mờ về lịch sử ông bà đi qua, thêm một thế hệ khác kế tục nỗi mù mờ kia thì mù mờ còn kéo dài đến bao giờ!
Cuối tháng 11-2019 tại Hà Nội xảy ra câu chuyện tương tự.
Một ông anh trước bàn tiệc 8 người đã nêu vài ý khá độc, và tâm đắc với nó thấy rõ. Cũng đáng! Tôi hỏi:
– Sao anh không viết chúng ra cho mọi người cùng biết đi?
– Chưa phải lúc, Sara à…
– Vậy bao giờ mới là lúc?
– Thời cuộc nhiễu nhương, cần học chữ BIẾT để sống.
– Vậy ông anh đích thị nòi chánh trị rồi…
Nếu Socrate cũng muốn sống kiểu đó, làm gì triết học Hi Lạp có thể khởi động? Nếu Galileo cũng học khôn như bác, không nói lên thuyết nhật tâm để bị Tòa án dị giáo Roma quản thúc tại gia cho tới hết đời, thì hôm nay làm gì trái đất chịu xoay xung quanh mặt trời!
4. Khi kí ức dân tộc bị đánh mất, khi mất niềm tin đang tràn lan, làm gì?
Mỗi sinh linh, nhất là kẻ cầm bút cần biết lặn sâu xuống đời sống văn hóa dân tộc, nhìn ra mạch ngầm, chấp nhận làm những việc tưởng nhỏ bé nhất. Từng tí từng tí một…
Rilke: “Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.”