1. Ngôn ngữ chuyển biến khôn lường, đến dân ngôn ngữ học nhà nghề còn chẳng biết đâu mà lần. Ngôn ngữ của dân tộc bị tan đàn xẻ nghé thì càng. Tiếng/ chữ Cham là một trong những.
Khôn lường, bởi ngôn ngữ không chỉ cư trú trong Từ điển, mà còn lang thang giữa trần gian muôn màu thuộc nhiều vùng đất khác nhau với tâm tính thất thường của nhóm sinh linh khác nhau.
Ví dụ “bblaang mưcau” từ điển Aymonier-1906 dịch là “đói khát, khốn khổ” (affamé, mésirable); và ngay trường ca Ariya Pô Klong cũng mang nghĩa như thế; thế mà bà con Cham thế kỉ qua cứ chúc nhau “Ngak bbang bblaang mưcau”: “Làm ăn…. “. Chúc kiểu cắc cớ thế, ‘khốn khổ’ là phải. Sau đó từ điển Moussay-1971 đành phải chiều ý, ghi theo thành “phát đạt” – Làm ăn phát đạt. Xài mãi thành quen.
2. Ở Orchild Island Taiwan vừa qua, dịch hàng chữ nơi cổng sân bay: “Akokey Kamo yamai do Pongso no Tao: Chúng tôi trân trọng đón chào người đến Đảo người Tao”.
Tra từ điển hẳn hoi, tôi tự tin khỏi nói, mãi khi gặp dân đảo, mới biết mình hố nặng.
Tao: Con người [tên dân tộc], no Tao: người Tao, thì đúng; kẹt nỗi cái từ “pongso” ngữ nghĩa từ điển là “đảo” [bọn trẻ cũng hiểu thế], chứ dân bản địa chính cống cãi là “đất nước”, đất nước đảo, – hay “đảo quốc” như ta dùng hôm nay. Hẳn nó do chữ BANGSA của tiếng Cham [vay Sanskrit] mà ra.
Thế kỉ XI, Cham từ Amaravati trôi giạt qua đảo Sulu thuộc Philippines, bị quấy nhiễu, lại trôi giạt tiếp lên miền bắc rồi từ đó lưu lạc đến đảo.
Đảo không người ở, Cham dựng ở đó một ĐẤT NƯỚC và cư ngụ suốt 7 thế kỉ qua. (Lưu ý: Hồi thập niên 1970, Kosem Les cũng đã từng xin Indonesia một hòn đảo để lập quốc). Đó là “đất nước” của họ, không thuộc ai cả! Thế kỉ XVII Bồ Đào Nha ghé qua thấy chả có gì đáng, bỏ đi. Mãi sau Đài Loan mới “gom vào” để… đổ rác thải hạt nhân. Kẻ nào bảo đó là “đảo” là từ chối TÂM THẾ TỰ QUYẾT KIÊU HÃNH ấy của dân Tao.
3. Marie Phan comment (30-11-2019):
Ts Po Dharma từng tới Hải Nam thăm người Utsat/Uchăng, ông vẫn KHÔNG BIẾT rằng địa danh TAM Á / Sam’ya ở đó chính là do quốc danh C(h)AMPA! Còn ở Phi Luật Tân lại đọc Champa ra thành DAMPUAN. Ở Aceh gọi Champa là (T)chepa!
Về dân tộc Dampuan tôi đã minh giải trong một phim tài liệu do Đài TH Philippines làm hồi 2016, miễn lặp lại. Nêu hai “chữ” trên chỉ để khẳng định thêm rằng sự biến thiên của ngôn ngữ là vô cùng!
4. Thế kỉ XX, Nguyễn Bạt Tụy, Doris-David Blood đã phiên âm [không phải chuyển tự] tiếng Cham. Qua thế kỉ XXI, có thêm… Inrasara. Mỗi cách có cái hay riêng.
Thầy Jay Scarborough và chị Phú Thị Mận thích lối của ông/ bà Blood; kẹt nỗi ở đó phải thêm vài dấu ‘móc’ gây khó về kĩ thuật.
Ông Inrasara ở cuốn 4.650 Từ Việt Cham Thông Dụng dính 2 điểm bất lợi: Dấu ngang trên [ā ē ī ō ö ū ü] thay cho âm dài nhìn thì đẹp mắt thật, nhưng bất tiện, khó đi vào quần chúng. Ở đó tôi còn chưa rốt ráo giữa chữ cái W/ V và âm đệm U; ý của anh Ysa Cosiem đề nghị, là chuẩn.
Can Quang đi sau, có ưu thế hơn.
Thế nên, từ nay tôi quyết định chọn phiên âm của yut Cẩn. Nhất là về âm dài/ ngắn: a/ aa, i/ ii, u/ uu… Riêng danh từ riêng và các từ đặc biệt thì vẫn viết như cũ. Ví dụ: Pô Klong Girai (không viết Kloong), Ramưwan (không viết Ramưwaan), Acar (không viết Acaar) dù cả ba là âm dài. Chi tiết này, lúc cải cách chữ viết năm 2016, người Đức cũng đã làm giống… tôi!
Ngôn ngữ là phương tiện chứ không mục đích. Phương tiện nào tốt thì mình xài, xài để tiếng Cham tồn tại, qua đó CHAM TỒN TẠI. Còn chuyện Cham nào khoái nghiên cứu, thì cứ việc. Chớ cãi nhau thì…
Bảng cấm [viết trên tường thành cạnh Trạm Thủy nông huyện Ninh Phước quê tôi thập niên 1980, tặng Tinh Levan]: CẤM TRÂU BÒ ĐI THEO LỐI NÀY!